Xu hướng nhân lực ngành sản xuất

Để hiểu rõ vấn đề này, phóng viên Báo Người Lao Động đã trao đổi với bà Hồ Thị Thùy Vân, Trưởng Phòng Quản lý tuyển dụng cấp cao của Navigos Search.

* Phóng viên: Bà có thể khái quát về thị trường nhân lực ngành sản xuất trong thời gian qua?

– Bà HỒ THỊ THÙY VÂN: Navigos Group vừa khảo sát hơn 1.000 người lao động (NLĐ) và 500 doanh nghiệp (DN) trên thị trường các ngành trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, dệt may – da giày, dược phẩm – công nghệ sinh học, nông nghiệp – lâm nghiệp, sản phẩm công nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng – thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng, tự động hóa – ô tô và các ngành khác.

Xu hướng nhân lực ngành sản xuất - Ảnh 1.

Bà HỒ THỊ THÙY VÂN

Từ cuối năm 2022, thị trường đã đối mặt với nhiều thách thức. Ngành sản xuất trong nước bị ảnh hưởng khá nhiều. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2023, có hơn 50% DN nhiều ngành ghi nhận sụt giảm từ dưới 10% đến trên 40% tổng doanh thu trong bối cảnh suy thoái kinh tế; có ít nhất 9% và nhiều nhất 50% DN ghi nhận doanh thu giữ nguyên, chưa bị ảnh hưởng hoặc vẫn đang tiếp tục tăng trưởng.

Do vậy, nhiều DN sản xuất đã thực hiện cắt giảm hàng loạt nhân sự, thu hẹp quy mô hay tái cơ cấu nguồn lực để duy trì hoạt động kinh doanh, chọn cách tạm dừng để chờ tín hiệu thị trường. Không ít DN cho rằng tình hình kinh tế đang trên đà hồi phục, thị trường nhân sự ngành sản xuất được xem là đang có tín hiệu dần ấm lên, nhất là khi đợt tuyển dụng lớn hằng năm của ngành này thường rơi vào những tháng cuối năm.

* Theo bà, DN ngành này đang chịu những áp lực gì?

– Hiện tình hình nhân sự ngành sản xuất trong nước đối mặt với nhiều thách thức khi chịu tác động từ đại dịch COVID-19, kinh tế – chính trị của thế giới, qua đó đã suy giảm làm cho nhiều DN bị cắt giảm đơn hàng. Khảo sát của Navigos Group cho thấy có 58% NLĐ ngành sản xuất bị cắt giảm 20% – 50% tổng lương, 34% bị cắt giảm 10%, 6% từ 10% – 30% và có 2% NLĐ bị cắt giảm hơn 50% tổng lương. Ngoài ra, còn có ít nhất 33% DN trong các lĩnh vực sản xuất bị áp lực đến từ nguồn cầu trong nước và ngoài nước. Tuy nhiên, tùy thuộc vào từng ngành nghề khác nhau, mức độ ảnh hưởng của 2 yếu tố này cũng có sự khác biệt nhất định.

Xu hướng nhân lực ngành sản xuất - Ảnh 3.

Nhân sự ngành sản xuất cần nâng cao tay nghề trước sự biến đổi của ngành Ảnh: GIANG NAM

* Để sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực hiện có, các DN cần cải thiện điều gì, thưa bà?

– Nhiều DN cho rằng việc phục hồi kinh doanh chưa thể diễn ra nhanh chóng. Để sử dụng nguồn lực hiệu quả, thích ứng với sự cạnh tranh của công nghệ, đa phần DN tận dụng thời gian để cải thiện năng suất, đón đầu thị trường và tập trung duy trì hoạt động kinh doanh tối thiểu. Trong đó, chiến lược đón đầu là nổi trội hơn khi được phần lớn DN ở các ngành chủ động thực hiện. Đặc biệt, các DN ở các ngành thuộc lĩnh vực sản xuất đều có khuynh hướng áp dụng tự động hóa vào khâu sản xuất. Cụ thể, ngành công nghệ cao có 52% DN áp dụng tự động hóa cho tất cả các khâu, dệt may – da giày có 60% DN áp dụng tự động hóa cho khâu sản xuất…

Với tình hình suy thoái như hiện tại, việc lên kế hoạch tuyển dụng để có được nhân sự giỏi, chuyên môn cao mà vẫn đáp ứng được ngân sách của công ty là giải pháp mà DN nào cũng cần. Do đó, các DN cần thực hiện chiến lược tuyển dụng đáp ứng các tiêu chí này, nhằm xây dựng đội ngũ vững mạnh sẵn sàng đón đầu tương lai.

* Người lao động cần làm gì để trụ vững hoặc tìm kiếm cơ hội phát triển sự nghiệp mới?

– Từ những yêu cầu tuyển dụng, Navigos Group nhận thấy hầu hết DN đều đang áp dụng tự động hóa cho một số hoặc tất cả các khâu. Do đó, NLĐ cần cập nhật kiến thức và kỹ năng liên tục để có thể vận hành, điều khiển được máy móc. Từ đó, họ mới có thể thích nghi và tiếp tục phát triển trong ngành nghề này. Bên cạnh đó, trải qua khủng hoảng COVID-19 và khủng hoảng kinh tế, chúng ta đều thấy được tầm quan trọng của việc trau dồi kỹ năng để có thể duy trì công việc và phát triển sự nghiệp. Vì vậy, các DN cần ở nhân sự có 3 kỹ năng cơ bản nhất như: giao tiếp hiệu quả, công nghệ và kỹ thuật, quản lý thời gian.