Tìm việc làm ngày càng khó, vì sao?: Mất việc, giãn việc…

Nhóm lao động không hoặc chưa có tay nghề, trình độ thấp dễ bị mất việc trước những cú sốc kinh tế.

Qua khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ), cho thấy thị trường lao động đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi những biến động kinh tế gần đây. Kết quả khảo sát 8.343 người lao động (NLĐ) trên cả nước, có 31% không có việc làm, trong đó tỉ lệ cao nhất rơi vào nhóm lao động tự do với 45%; có 34% NLĐ nói vấn đề lớn nhất hiện nay là không tìm được việc làm.

Sống lay lắt

Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), trong những tháng đầu năm 2023, số người mất việc làm, giãn việc, thiếu việc do cắt giảm đơn hàng và nhiều yếu tố khác là gần 700.000. Trong đó, có 279.000 NLĐ mất việc hẳn phần lớn đến từ các ngành thâm dụng lao động như: sản xuất da giày, may mặc, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử, chế biến gỗ và sản xuất các sản phẩm từ gỗ, tre, nứa. Có thể thấy số lao động mất việc chủ yếu là công nhân (CN).

Thời gian qua, NLĐ gặp nhiều rào cản trong việc tiếp cận thông tin tuyển dụng sau khi thất nghiệp. Chị Lê Thị Sương Em (31 tuổi, quê Bạc Liêu) đang ở trọ cùng 2 người bạn đồng hương tại đường Quách Điêu (huyện Bình Chánh, TP HCM) cho biết họ đi tìm việc hơn tháng nay nhưng kết quả vẫn là con số 0. “Khu vực này có nhiều nhà máy nhưng hầu hết đều cắt giảm lao động. Ở quê cũng không có gì làm nên chúng tôi tiếp tục “cố đấm ăn xôi” ở thành phố” – chị Sương Em nói.

Tìm việc làm ngày càng khó, vì sao?: Mất việc, giãn việc... - Ảnh 2.

Bị cắt giảm lao động, chị Cao Ngọc Trinh (trọ ở quận Bình Tân, TP HCM) đang chật vật tìm việc làm mới. Ảnh: HUỲNH NHƯ

Khi được hỏi sao không đến Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) TP HCM hoặc Trung tâm DVVL Thanh niên (YES Center) để tìm cơ hội việc làm, chị Trần Thị Lan (trong nhóm đồng hương) cho biết các trung tâm nằm khá xa, đi lại khó khăn trong khi cả 3 chị em đều không có phương tiện đi lại. “Mới đây, chúng tôi có dự một ngày hội việc làm ở gần nhà nhưng không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Trong khi tìm việc trên mạng xã hội thì sợ bị lừa, còn đến trực tiếp các công ty thì được chăng hay chớ. Chúng tôi đang tính đến việc nhận giữ trẻ, phụ quán ăn hoặc bán vé số sống qua ngày” – chị Lan cho biết.

Cùng cảnh ngộ, anh Đặng Báu (25 tuổi, quê Đồng Tháp) hơn 3 tháng nay làm tạm công việc bốc xếp cho một kho lạnh ở quận Bình Tân, TP HCM nhưng do việc ít nên thu nhập chỉ trên dưới 100.000 đồng/ngày. Anh kể đã tham gia 2 sàn giao dịch việc làm do Trung tâm DVVL thành phố và quận Bình Tân tổ chức nhưng vẫn chưa tìm được công việc phù hợp. “Tôi học chưa hết THCS, từ trước đến nay chỉ làm CN bôi keo giày nên không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng bởi các công ty chủ yếu tuyển CN có tay nghề” – anh Báu bộc bạch.

Khó khăn bủa vây

Mất việc từ cuối năm 2022 do công ty cắt giảm lao động nên chị Hoàng Thị Thu (28 tuổi, quê Bình Định) đi làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN). Với khoản TCTN hơn 3 triệu đồng/tháng (trong 3 tháng), chị chi tiêu hết sức dè sẻn vì còn phải gửi tiền về quê cho ba mẹ chăm sóc con.

Nói về chuyện học nghề, chị Thu cho biết khi đi làm thủ tục để hưởng TCTN đã được tư vấn nhưng không biết lấy tiền đâu để đóng học phí. Để trang trải cuộc sống, hiện chị đang phụ bán trái cây gần nhà trọ, thu nhập mỗi tháng khoảng 3,2 triệu đồng. Ông Dương Hữu Phú, chủ khu trọ ở phường Tân Tạo (quận Bình Tân) – nơi chị Thu đang thuê trọ, cho biết cứ vài hôm lại có người báo trả phòng. Hiện chỉ còn một nửa trong số 30 phòng là đang có người thuê nhưng phần lớn đang thất nghiệp. “Tôi nghĩ phải có giải pháp gì đó vì CN ở đây từ trước đến nay đi bộ, xe đạp để đến nơi làm, thu nhập chỉ đủ sống không có dư. Bây giờ thất nghiệp không thể đi xa tìm việc, họ cũng khó đi đến các lớp học nghề vì vừa không có phương tiện vừa không đủ tiền đóng học phí” – ông Phú nói.

Tìm việc làm ngày càng khó, vì sao?: Mất việc, giãn việc... - Ảnh 3.

Theo Bộ LĐ-TB-XH, 5 tháng đầu năm nay, số lượng NLĐ đến nộp hồ sơ hưởng TCTN là 393.377 người (tăng 8% so với cùng kỳ năm 2022). Số người được tư vấn, giới thiệu việc làm gần 755.000 người nhưng chỉ có 8.211 người tham gia gói học nghề của bảo hiểm thất nghiệp. Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng NLĐ thất nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông với trình độ học vấn, tay nghề đều thấp nên ngại đi học.

TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB-XH), đánh giá NLĐ thất nghiệp không mặn mà với học nghề vì không có thời gian và nghề học chưa phù hợp. Với lao động phổ thông, phần lớn không có tích lũy về kinh tế nên khó có điều kiện để học nghề mới, trong khi mức hỗ trợ còn hạn chế khiến NLĐ thất nghiệp tiếp tục gặp khó khăn. “Việc NLĐ không mặn mà với chính sách học nghề khi thất nghiệp là vấn đề phải suy nghĩ. Cần có sự điều chỉnh đào tạo nghề theo nhu cầu thực tế của họ, không nên áp đặt một vài ngành nghề như hiện nay” – TS Hương nói.

TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cho rằng để khắc phục những hạn chế trong dạy nghề, ngoài việc nâng cao chất lượng dạy nghề để thu hút lao động thì Chính phủ cần xem xét nâng mức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ và đa dạng các nghề đào tạo để NLĐ lựa chọn.

Sớm có gói hỗ trợ người lao động

Mới đây, tại nghị trường Quốc hội, Bộ Tài chính cho biết đang thiết kế gói hỗ trợ khoảng 23.000 tỉ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ NLĐ trong giai đoạn khó khăn này. Bộ Tài chính khẳng định các chính sách bảo hiểm luôn dành hỗ trợ NLĐ trong những giai đoạn khó khăn bằng mọi cơ chế.

(Còn tiếp)