TÌM VIỆC LÀM NGÀY CÀNG KHÓ, VÌ SAO? (*): Mờ nhạt vai trò chủ công
Trong vai người có nhu cầu tìm việc làm, phóng viên có mặt nhiều ngày tại trụ sở chính của Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Thanh niên (YES Center) – số 1A Nguyễn Văn Lượng, phường 6, quận Gò Vấp, TP HCM.
Làm qua loa, chiếu lệ
Tại đây, số lượng người lao động (NLĐ) đến trung tâm tìm việc rất ít. Theo nhân viên trung tâm, các thông tin tuyển dụng sẽ được cập nhật liên tục để thuận lợi cho NLĐ tìm việc. Tuy nhiên, khi quan sát kỹ, có 4/9 thông báo tuyển dụng hạn nộp hồ sơ vào tháng 7-2022, các nội dung còn lại đã cũ.
Trong khi đó, theo giới thiệu, khi đến YES Center, NLĐ sẽ được tư vấn chọn công việc, sau đó NLĐ liên hệ trực tiếp với nhà tuyển dụng hoặc mang hồ sơ đến trung tâm nhận giấy giới thiệu tới doanh nghiệp (DN). Ngoài ra, NLĐ còn có thể ứng tuyển qua app Sieuthivieclam và qua website sieuthivieclam.vn của trung tâm.
Một hoạt động “Cà phê việc làm” tại huyện Bình Chánh, TP HCM của YES Center .Ảnh: MÂY TRINH
Thế nhưng, khi lên app Sieuthivieclam, dù các vị trí tuyển dụng được chia theo 6 nhóm ngành nghề nhưng khi truy cập vào từng nhóm ngành thì có rất ít vị trí tuyển dụng. Ví dụ, ngành thiết kế – xây dựng chỉ hiện ra 3 vị trí đang tuyển dụng, công nghệ thông tin có 5 vị trí tuyển dụng, ngân hàng – tư vấn tài chính có 3 vị trí tuyển dụng. Tại website sieuthivieclam.vn, dù dòng đầu tiên của website thông báo có 22.593 việc làm đang tuyển nhưng vào tìm kiếm thì nhiều vị trí đã hết hạn. Ngoài ra, hạn cuối nộp hồ sơ được sắp xếp lộn xộn, do đó rất khó biết công việc nào đang tuyển.
Tương tự, Trung tâm DVVL TP HCM – số 153 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 17, quận Bình Thạnh – cũng rất ít người đến tìm việc làm mới. Đa số NLĐ đến để làm hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp và được nhân viên bảo vệ hướng dẫn qua địa chỉ mới cách đó vài số nhà. Bà Tư (73 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh), bán nước giải khát trước cổng trung tâm hơn 28 năm nay, cho biết gần đây trung tâm hoạt động rất trầm lắng. “Giờ họ toàn tìm việc trên mạng, khỏi mất công tới trung tâm” – bà Tư nói.
Hoạt động của trung tâm càng trở nên ảm đạm hơn sau khi bị thanh tra. Theo thông báo kết luận thanh tra của UBND TP HCM, việc tổ chức lớp dạy nghề cho người thất nghiệp tại Trung tâm DVVL thành phố đã có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ.
Trước đó, Thanh tra thành phố kiểm tra 39 lớp dạy nghề (đã thanh toán kinh phí hỗ trợ học nghề tại BHXH TP HCM với số tiền 1,075 tỉ đồng), trung tâm chỉ tổ chức lớp học 1 buổi là không đủ thời gian theo chương trình đào tạo. Đáng chú ý, qua kiểm tra, có 113 lớp dạy nghề có nhiều dấu hiệu không tổ chức giảng dạy trên thực tế hoặc tổ chức gộp nhiều lớp thành một lớp. Hoặc lớp học có học viên không đi học nhưng vẫn làm thủ tục thanh toán kinh phí hỗ trợ học nghề tại BHXH TP HCM với số tiền hơn 4,7 tỉ đồng.
Chưa đáp ứng nhu cầu
Tuy “èo uột” người tìm đến như vậy nhưng theo YES Center, thời gian qua, trung tâm đã tổ chức các sàn giao dịch việc làm và phối hợp với các nhà trường, đoàn thể đẩy mạnh hoạt động tư vấn việc làm trực tiếp và trực tuyến. Trong 6 tháng đầu năm 2023, YES Center đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 16.638 NLĐ và giới thiệu đến DN nhận việc 4.991 người.
Còn Trung tâm DVVL thành phố cho biết đã tổ chức được 75 phiên giao dịch việc làm, giới thiệu việc làm cho 89.850 người, trong đó số lao động đến nhận việc là 55.320 người.
Dù vậy, nhiều chuyên gia đánh giá các trung tâm DVVL vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tìm việc và học nghề ngày một tăng của NLĐ hiện nay.
Bằng chứng mà không ít chuyên gia đưa ra là tại TP HCM, trước khi Luật DN ra đời năm 2000, có 8 trung tâm DVVL đầu mối (cấp thành phố) gồm: Trung tâm DVVL thành phố, thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH); Trung tâm DVVL Vinhempich (Quân đội); Trung tâm Hỗ trợ việc làm sinh viên, học sinh (Trường ĐH Kinh tế TP HCM); Trung tâm DVVL Thanh niên (Thành Đoàn); Trung tâm DVVL Votec (LĐLĐ thành phố); Trung tâm DVVL quận 5; Trung tâm DVVL SPSC (ngành dầu khí); Trung tâm DVVL KCX-KCN thành phố.
Sau khi Luật DN ra đời, có thêm cả ngàn điểm DVVL của DN nhưng chỉ khoảng 10 DN được cấp phép theo quy định; số còn lại chủ yếu hoạt động “chui”. “Qua thời gian, vai trò của hệ thống DVVL nhà nước và tư nhân trên địa bàn dần mờ nhạt, tự giải thể. Hiện chỉ còn vài đơn vị làm có hiệu quả” – một lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH TP HCM nói.
Theo ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH), báo cáo nhanh của 40 tỉnh, thành cho thấy hiện nay nhu cầu tuyển dụng là 410.000 lao động, con số này cao hơn nhiều so với số người bị mất việc, thôi việc. Do đó, để cung gặp cầu và ngược lại, Cục Việc làm đề nghị trung tâm DVVL các địa phương tiếp tục tăng cường thu thập, cung cấp thông tin tình hình thị trường lao động để kịp thời kết nối cung – cầu giữa DN và NLĐ.
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 4-7
Xu hướng tuyển dụng thay đổi
Bà Trần Minh Ngọc, Giám đốc Việc Làm Tốt, cho biết qua khảo sát, xu hướng tuyển dụng có sự thay đổi do nhiều DN dịch chuyển hoạt động kinh doanh sang các nền tảng số. Do vậy, việc chọn các trung tâm DVVL của nhà nước và truy cập trang tuyển dụng uy tín sẽ giúp NLĐ nhanh chóng tìm được việc làm phù hợp mà không phải mất nhiều thời gian và chi phí. “Những trung tâm, chuyên trang việc làm dành riêng cho lao động phổ thông có tính năng gọi, chat trực tiếp sẽ giúp NLĐ trao đổi với nhà tuyển dụng, ứng tuyển và đặt hẹn phỏng vấn nên rất tiện lợi” – bà Ngọc nói.