Tìm cơ hội việc làm trái ngành
Theo khảo sát của Navigos Group vừa công bố cuối tháng 5, nhu cầu tuyển dụng trong những tháng đầu năm 2023 giảm trung bình 18% so với thời điểm trước dịch COVID-19. Trong đó, các ngành chịu ảnh hưởng nặng nhất là du lịch, nhà hàng – khách sạn, dệt may – da giày và xây dựng – bất động sản.
Chấp nhận thay đổi
Thời gian qua, thị trường lao động kém sôi động, nhiều người lao động (NLĐ) đã chấp nhận làm trái ngành, thậm chí chuyển sang lĩnh vực hoàn toàn mới.
Chị Trần Thị Hiền (30 tuổi, quê Quảng Ngãi) đã có 5 năm làm chuyên viên kiểm nghiệm chất lượng trong ngành thực phẩm. Sau thời gian nghỉ việc thu xếp chuyện gia đình, tháng 11-2022, chị Hiền tìm kiếm công việc mới. Lúc đầu, chị ưu tiên ứng tuyển vào các vị trí có cùng chức danh và chuyên môn như đã từng làm.
Nhưng nhận thấy cơ hội không cao, số lượng tuyển dụng ít, chị quyết định mở rộng lĩnh vực, ngành nghề khác. Do đó, khi nhận được thư mời nhận việc vị trí kế toán từ một công ty ở quận 2, TP HCM, chị đồng ý ngay. “Công ty đề xuất mức lương 6 triệu đồng/tháng, thấp hơn lương cũ của tôi gần một nửa. Dù vậy, tôi cũng chấp nhận vì muốn thử sức ở môi trường làm việc mới” – chị Hiền nói.
Chị Đinh Trần Yến Chi (31 tuổi, quê Lạng Sơn) cũng có kế hoạch chuyển đổi ngành nghề thời điểm này. Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền (TP Hà Nội), chị Chi đã có nhiều năm làm truyền thông tại một tập đoàn bất động sản ở TP HCM trước khi bị chấm dứt hợp đồng lao động vào tháng 10-2022. Mong muốn tận dụng kiến thức về ngành cũng như mối quan hệ công việc đã có, chị đã gửi hồ sơ đến các doanh nghiệp (DN) bất động sản.
Dù vậy, kết quả không khả quan, thậm chí có trường hợp vào làm mới phát hiện công ty nợ lương kéo dài. “Khó khăn có được việc ưng ý trong lĩnh vực nhiều năm theo đuổi, nay tôi đành phải thay đổi định hướng công việc. Hiện tôi muốn chuyển sang lĩnh vực công nghệ thông tin, nên đã cập nhật lại thông tin trong hồ sơ xin việc cũng như tham gia vào nhiều nhóm tuyển dụng liên quan để tìm công việc khác, dù có trái ngành” – chị Chi bày tỏ.
Tương tự, anh Nguyễn Tấn Anh (27 tuổi, TP HCM) đang tích cực tìm hướng đi mới cho bản thân sau nửa năm thất nghiệp. Tấn Anh đã có gần 5 năm làm ngân hàng trước khi xin nghỉ vào tháng 12-2022. Từ đầu năm đến nay, qua nhiều lần tìm kiếm việc làm không thành công ở ngành ngân hàng, anh quyết định chuyển sang ngành ẩm thực và đồ uống. Để hiện thực hóa mục tiêu, anh đăng tải hồ sơ lên nhiều nhóm kết nối việc làm trên mạng xã hội như Facebook, LinkedIn xin tư vấn.
Chia sẻ kinh nghiệm làm việc trong ngành truyền thông cho sinh viên tại Ngày hội việc làm tổ chức ở TP Thủ Đức, TP HCM
Phải lường trước rủi ro
Ông Đào Minh Tân, Giám đốc điều hành trang web việc làm Findjobs.vn, cho biết những tháng đầu năm 2023, tỉ lệ ứng viên có nguyện vọng làm trái ngành tìm đến Findjobs.vn tăng 60%, trong đó có nhiều vị trí quản lý cấp cao. Tuy nhiên, hiện nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp cao giảm mạnh so với trước. Tình thế đó khiến họ chấp nhận chuyển hướng sang ngành nghề khác.
“Hiện công ty không giới hạn cơ hội với ứng viên trái ngành, nếu họ chứng minh được kỹ năng và sự đam mê, mong muốn học hỏi vẫn được đón nhận” – ông Trần Quốc Thịnh, Giám đốc nhân sự Công ty CP Groupe SEB Việt Nam (quận 10, TP HCM), cho biết.
Còn bà Nguyễn Thu Hà, Giám đốc khu vực Công ty TNHH JAC Recruitment Việt Nam (quận 1, TP HCM), cho rằng DN xem xét mức lương dựa trên khả năng đóng góp giá trị của NLĐ vào quá trình phát triển của công ty. Vì thế, mức lương ban đầu cho nhân sự trái ngành có thể khá thấp. Với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, nhiều ngành nghề được dự đoán sẽ biến mất và xuất hiện những xu hướng mới như: làm việc tại nhà, mô hình làm việc linh hoạt… buộc các DN phải thay đổi tiêu chí tuyển dụng, có thể khắt khe hơn.
Theo bà Hà, để thích nghi với sự biến động của thị trường lao động, NLĐ cần đánh giá lại cơ hội phát triển của bản thân, định hướng nghề nghiệp, khả năng cạnh tranh và cân nhắc thận trọng, phân tích cơ hội, rủi ro. Bên cạnh đó, NLĐ nên nhận diện giá trị mà mình đóng góp cho tổ chức, hoàn thiện bản thân bằng việc tham gia các khóa đào tạo nâng cao kiến thức chuyên môn, trau dồi kỹ năng giao tiếp, kỹ năng số, làm việc nhóm…
Ngoài ra, có sự chuẩn bị về tinh thần và vật chất để sẵn sàng cho một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp. “Một trong những điểm yếu của ứng viên hiện nay là ngoại ngữ dẫn đến hạn chế kỹ năng học hỏi, giao tiếp và làm việc với người nước ngoài. Do vậy, việc cải thiện ngoại ngữ là yếu tố cốt lõi. Qua giai đoạn trầm lắng, khi thị trường lao động sôi động trở lại, sẽ là thời cơ cho những ứng viên có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tầm nhìn dài hạn” – bà Hà nói.
Bà Vũ Thùy Như Linh, Phó Tổng Giám đốc HR1Tech – nền tảng cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự trong lĩnh vực công nghệ thông tin (quận 1, TP HCM), cho rằng khi đã xác định làm trái ngành, NLĐ đừng lo sợ sẽ không làm được hay bị cạnh tranh mà hãy suy nghĩ về giá trị mình tạo ra cho công việc đó, rồi từ từ sẽ yêu thích. Tuy nhiên, NLĐ cần bồi đắp thêm kiến thức để từng bước đạt được mục tiêu chứ không phải chỉ dựa vào bằng cấp hay kinh nghiệm đã qua.