Số người Nga có mức thu nhập trên 100 nghìn rúp tăng gần gấp đôi chỉ sau 2 năm: Chuyện gì đang xảy ra?

Số người Nga có mức thu nhập trên 100 nghìn rúp tăng gần gấp đôi chỉ sau 2 năm: Chuyện gì đang xảy ra? - Ảnh 1.

Mức tăng đáng kể

Cụ thể, số lượng người lao động của các doanh nghiệp lớn và vừa có mức thu nhập như vậy đã tăng 72% trong hai năm và đạt 4,88 triệu vào tháng 4/2023, đa số trong lĩnh vực khai thác mỏ, tài chính và bảo hiểm, cũng như trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, số lượng ít nhất là trong ngành nông nghiệp. Mức tăng trưởng này diễn ra trong bối cảnh thiếu nhân sự, cũng như do sự gia tăng về số đơn đặt hàng từ chính phủ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết mức tăng thêm như vậy có thể thúc đẩy lạm phát.

Nghiên cứu của FinExpertiza dựa trên dữ liệu của Rosstat chỉ ra rằng, số lượng người dân Nga có mức lương từ 100 nghìn rúp trở lên đã tăng 1,7 lần trong 2 năm. Nếu vào tháng 4/2021, chỉ có 2,84 triệu người lao động của các doanh nghiệp lớn và vừa có mức thu nhập như vậy thì vào tháng 4/2023 – con số đã là 4,88 triệu, tương đương khoảng 17,4% tổng số người lao động trong các doanh nghiệp này. Hai năm trước, chỉ có 10,3% nhân viên, tức 1/10, có mức thù lao này.

Số người Nga có mức thu nhập trên 100 nghìn rúp tăng gần gấp đôi chỉ sau 2 năm: Chuyện gì đang xảy ra? - Ảnh 2.

Biểu đồ thể hiện tỉ lệ người lao động Nga tại các doanh nghiệp có mức lương từ 100 nghìn rúp trở lên mỗi tháng. Năm 2021, con số này là 10,3% nhưng tới năm 2023 đã là 17,4%.

Tỷ lệ người Nga có thu nhập trên 100 nghìn rúp được ghi nhận cao nhất ở Chukotka (62,6% tổng số người có việc làm) và Khu tự trị Yamalo-Nenets (55,5%), cũng như ở Vùng Magadan (50,8%). Khoảng 1/3 (32,6%) công dân có mức thu nhập này sống ở Moscow, người đại diện của FinExpertiza Elena Trubnikova lưu ý.

Tuy nhiên, đối với hầu hết các khu vực, tỉ lệ người lao động có mức lương 100 nghìn rúp vẫn cực kỳ hiếm, ví dụ ở Kalmykia (2%), Ingushetia (2,3%) và Kabardino-Balkaria (2,3%).

Trong số các ngành, tỷ lệ lao động có thu nhập trên 100 nghìn mỗi tháng lớn nhất thuộc lĩnh vực khai thác mỏ (45,4%), tài chính và bảo hiểm (41,3%), cũng như trong lĩnh vực thông tin và truyền thông (41,1%).

Nghiên cứu cho biết trên toàn quốc, tiền lương đang tăng trong bối cảnh thiếu nhân sự và tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục. Tuy nhiên, FinExpertiza nhấn mạnh rằng do lạm phát, sức mua của đồng tiền cũng giảm, chẳng hạn như 100 nghìn rúp ngày nay chỉ tương ứng với 83 nghìn rúp vào năm 2021.

Trước đây, tỷ lệ người Nga có thu nhập trung bình hàng tháng (trừ tiền lương, bao gồm các khoản thanh toán xã hội, cổ tức, lãi nhận được khi gửi tiền) trên 100 nghìn cũng tăng, nhưng với tốc độ chậm hơn. Vào cuối năm 2022, con số này lên tới 7,4% (10,9 triệu người). So với năm 2021, số lượng công dân như vậy đã tăng 1/3.

Hãng Izvestia đã liên hệ với 20 công ty hàng đầu của Nga để hỏi liệu họ có tăng lương cho nhân viên hay không và nhận được một số thông tin đáng chú ý.

Số người Nga có mức thu nhập trên 100 nghìn rúp tăng gần gấp đôi chỉ sau 2 năm: Chuyện gì đang xảy ra? - Ảnh 3.

Ví dụ, năm 2023, VTB đã điều chỉnh mức thù lao cho nhân viên ngân hàng trung bình khoảng 10%. Tổ chức tài chính giải thích mức độ thăng tiến của mỗi cá nhân người lao động là khác nhau tùy thuộc vào thành tích và hiệu quả của từng cá nhân.

Từ ngày 1/7, Sberbank đã tăng lương nhân viên trung bình 10%. Phòng báo chí của tổ chức tín dụng cho biết, nhân viên chủ chốt có mức tăng lương cao hơn. Họ cho biết thêm: ngân hàng thường xuyên điều chỉnh thù lao; từ năm 2021 đến năm 2023 mức tăng lương bình quân là 26,5%.

Theo Cơ quan báo chí Rostec đưa tin, tại các doanh nghiệp Ruselectronics, mức lương của các chuyên gia có trình độ cao (kỹ sư, lập trình viên, nhà phát triển, kỹ thuật viên) vào năm 2023 đã tăng 13,1% so với năm 2022 và đối với những nhân viên làm việc tại “Tổ hợp có độ chính xác cao”, mức tăng lương là 25%.

Động lực tăng trưởng

G.V. Plekhanova Yulia Finogenova, Giáo sư tại Đại học Kinh tế Nga, giải thích: việc tăng lương diễn ra trong bối cảnh thiếu nhân sự ở một số ngành, bao gồm xây dựng, bất động sản, công nghiệp nặng, CNTT và thương mại bán lẻ…

Theo bà, đây là cách doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu và lấp chỗ trống càng nhanh càng tốt. Điều này đặc biệt đúng đối với tổ hợp công nghiệp quân sự. Chuyên gia này cho biết thêm, động lực tăng trưởng và tăng tiền lương xuất hiện chủ yếu trong các ngành liên quan đến đơn đặt hàng quốc phòng.

Olga Panina, người đứng đầu bộ phận quản lý nhà nước và thành phố của Đại học Tài chính trực thuộc Chính phủ Nga, cho biết thêm: thu nhập của người lao động tăng lên có liên quan đến sự phục hồi kinh tế sau thời kỳ khủng hoảng, cũng như sự gia tăng về số lượng đơn đặt hàng của chính phủ Liên bang Nga. Bà lưu ý rằng việc tăng mức lương tối thiểu cũng có tác động.

Việc tăng lương cho những người lao động ở vị trí thấp nhất trong bảng phân bổ lương cũng ảnh hưởng đến những công dân khác. Vào tháng 6, Phó Thủ tướng Nga Tatyana Golikova lưu ý rằng việc tăng lương tối thiểu sẽ dẫn đến tăng lương không chỉ cho 4,8 triệu người Nga có thu nhập thấp mà còn cho những người lao động khác làm việc ở những vị trí có trình độ cao hơn.

Trang Izvestia cho biết, lần đầu tiên một số thợ lao động chân tay đã có mức lương trung bình vượt mốc 100.000 rúp/tháng. Trong số đó có thợ mộc, thợ lắp ráp đồ nội thất và thợ nề.

Chuyên gia tài chính Sergei Zatsepa cho biết, nếu tính đến việc giá cả tăng và sự mất giá của đồng rúp so với đồng đô la, thu nhập của người Nga sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên, chuyên gia này lưu ý, mức tăng lương có thể sẽ không vượt quá lạm phát thực tế.

Thu nhập thực tế của người Nga (đã điều chỉnh theo lạm phát và thuế ròng) trong nửa đầu năm 2023 tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2022 – Rosstat đưa tin. Đồng thời, tổng thu nhập của người dân lên tới 39,3 nghìn tỷ rúp và chi tiêu là 37,6 nghìn tỷ rúp. Kết quả là mức tăng tiết kiệm của người dân từ tháng 1 đến tháng 6 đạt gần 1,8 nghìn tỷ rúp.

Tham khảo Izvestia


Theo Tất Đạt