Phát triển thị trường lao động bền vững
Bị mất việc cả tháng nay nhưng chị Nguyễn Thị Kim Loan (47 tuổi, quê Sóc Trăng) vẫn chưa tìm được việc làm mới. Gần công ty cũ của chị (Công ty TNHH Tỷ Hùng; quận Bình Tân, TP HCM), khá nhiều doanh nghiệp (DN) treo bảng tuyển dụng nhưng công nhân vẫn không dễ tìm được việc mới, nhất là dịp gần Tết.
Cần chính sách hỗ trợ
“Tôi đã thử xin việc vài chỗ nhưng không việc nào phù hợp. Chỗ thì xa, chỗ thì không đúng ngành may mặc mà mình quen làm, không biết có đáp ứng được không…?” – chị Loan băn khoăn.
Với nhiều công nhân nghề may lâu năm như chị Loan, ở tuổi 40 – 50 không dễ để bắt đầu một công việc mới. Nhiều công nhân may bày tỏ mong muốn cơ quan quản lý nhà nước có chương trình đào tạo nghề hay hỗ trợ vốn cho lao động lớn tuổi để sau khi bị mất việc, họ có thể chuyển đổi nghề hoặc chuyển sang buôn bán, phù hợp sức khỏe và điều kiện bản thân.
Tình hình thế giới bất ổn khiến nhiều DN bị giảm đơn hàng trầm trọng. Công ty TNHH Toàn Thắng (KCN Bình Chiểu; TP Thủ Đức, TP HCM) bị giảm đến 40% đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ, thu nhập của công nhân giảm khoảng 1/3.
Ông Đinh Văn Giai, quản đốc kiêm chủ tịch Công đoàn công ty, lo ngại nếu tình hình này kéo dài, người lao động (NLĐ) sau khi về nghỉ Tết Nguyên đán 2023 sẽ ở lại quê khiến DN sẽ chật vật tìm lao động khi đơn hàng nhiều trở lại.
“Chúng tôi mong tiếp cận được các gói hỗ trợ như giảm thuế, cho vay ưu đãi… để DN duy trì hoạt động, giữ việc làm cho NLĐ. Ngoài ra, cần có những chương trình hỗ trợ công nhân mất việc, thiếu việc để họ vượt qua giai đoạn khó khăn” – ông Giai bày tỏ.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, tình trạng DN bị cắt giảm đơn hàng, NLĐ bị mất việc, giảm việc để lại hệ lụy rất lớn, nhất là trong thời điểm Tết Nguyên đán đến gần. Sau 2 năm chống chọi với COVID-19, NLĐ vốn đã không còn tích lũy, nay chịu thêm cú sốc về việc làm và thu nhập sẽ “đánh gục” không ít người, nhất là lao động yếu thế như phụ nữ, lao động lớn tuổi, người khuyết tật.
Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cho hay nếu các DN xuất khẩu hàng dệt may, da giày, điện tử, sản phẩm đồ gỗ… sang những thị trường trọng điểm bị cắt giảm đơn hàng thì thường họ sẽ cắt giảm lao động phổ thông.
Điều này cho thấy khi có biến động liên quan đến dịch bệnh hay suy thoái kinh tế, lực lượng lao động phổ thông, không có trình độ chuyên môn kỹ thuật là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất. Do đó, cần có giải pháp đồng bộ cho những vấn đề liên quan đến NLĐ, việc làm và an sinh xã hội.
Bà Trần Thị Lan Anh, Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng tình hình kinh tế khó khăn có thể kéo dài ít nhất đến hết quý I/2023. Những biến động khó đoán định của thị trường sẽ gây khó khăn cho DN trong việc lên kế hoạch sản xuất – kinh doanh và sử dụng lao động.
Để hỗ trợ DN và NLĐ vượt qua khó khăn, thách thức của năm 2023, bên cạnh ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục hoàn thiện và triển khai các gói hỗ trợ tài khóa, tín dụng, an sinh xã hội, nhà nước còn cần xây dựng các chương trình kích cầu nội địa, xúc tiến thương mại – nhất là khai thác thị trường mới, đơn hàng mới.
Trong đó, đặc biệt lưu ý thiết kế các chính sách an sinh xã hội mạnh mẽ hơn, như hỗ trợ DN ổn định quỹ tiền lương, đóng BHXH cho NLĐ…
Các chính sách chăm lo, hỗ trợ người lao động sẽ giúp doanh nghiệp giữ được nguồn nhân lực, chờ đơn hàng quay lại trong năm 2023 Ảnh: VĂN DUẨN
Chăm lo Tết cho người lao động
Ông Ngọ Duy Hiểu dẫn số liệu cho thấy dự kiến trong tháng 12-2022 và những tháng đầu năm 2023, tiếp tục có 667 DN giảm giờ làm của 271.736 lao động và 88 DN có kế hoạch cắt giảm 15.769 lao động.
Trước tình hình này, các cấp Công đoàn đã nhanh chóng vào cuộc, triển khai nhiều biện pháp chăm lo cho đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, mất việc làm. Đơn cử, chương trình “Tết sum vầy – Xuân gắn kết” với hàng loạt hoạt động thiết thực, ý nghĩa như tổ chức phương tiện đưa – đón miễn phí hoặc hỗ trợ toàn bộ, một phần chi phí để đoàn viên, NLĐ về quê đón Tết, trở lại làm việc.
Ngoài ra, 22 chương trình “Chợ Tết Công đoàn năm 2023” được tổ chức, mỗi chương trình có 40 – 120 gian hàng để cung cấp các mặt hàng thiết yếu, giá ưu đãi. Đồng thời, hỗ trợ khoảng 1 triệu đoàn viên, NLĐ khó khăn với mức 500.000 đồng/người từ nguồn tài chính Công đoàn.
Về lâu dài, nhằm giảm bớt khó khăn cho NLĐ, giữ được nguồn nhân lực có tay nghề, góp phần ổn định thị trường lao động, sẵn sàng cho giai đoạn tái phục hồi trong năm 2023, theo ông Ngọ Duy Hiểu, cần nhiều giải pháp đồng bộ.
Trong hàng loạt giải pháp đã được đề xuất, các cấp Công đoàn cho rằng phải tăng cường kiểm soát giá cả; tổ chức các điểm bán hàng bình ổn giá cho công nhân; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về cung cấp hàng hóa, dịch vụ của các DN nhằm bảo đảm quyền lợi cho NLĐ. Tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ NLĐ đã ban hành, chính thức hóa các chính sách tạm thời; bảo đảm việc làm, thu nhập và an sinh lâu dài cho NLĐ.
Bên cạnh đó, đề nghị cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ kịp thời, thỏa đáng, sát thực tế đối với NLĐ ở 3 mức độ: bị mất việc, tạm hoãn hợp đồng, giảm giờ làm, nhất là khi Tết Nguyên đán cận kề.
Tham khảo để ban hành gói hỗ trợ riêng cho NLĐ tương tự các chính sách hỗ trợ NLĐ theo Nghị quyết 68/2021, Quyết định 08/2022; bổ sung chính sách hỗ trợ NLĐ bị giảm giờ làm việc tiêu chuẩn trong tháng dẫn đến tiền lương trong tháng thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đề nghị triển khai quyết liệt hơn nữa Nghị quyết 11/2022 về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội và triển khai Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình này. Trong đó, tập trung vào các giải pháp hỗ trợ an sinh xã hội, NLĐ và DN.
Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, khi nền kinh tế đang đứng trước nhiều thử thách trong năm 2023, dự báo thị trường lao động chắc chắn cũng sẽ chịu nhiều rủi ro và thách thức. Do đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ trình Chính phủ ban hành nghị quyết về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế – xã hội.
Trong đó, chú trọng hoàn thiện khung pháp lý, rà soát sửa đổi các quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu phát triển thị trường lao động đúng hướng, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm; khẩn trương rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực, từng vùng để kịp thời kết nối việc cung ứng nhân lực. Bên cạnh đó, thúc đẩy tạo việc làm bền vững và sử dụng hiệu quả lực lượng lao động.
“Cần nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc, sinh hoạt; bảo đảm an toàn – vệ sinh lao động và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe NLĐ. Trước mắt, tập trung phát triển nhà ở xã hội và hạ tầng xã hội khác cho công nhân; triển khai chính sách hỗ trợ tín dụng để giải quyết vấn đề về chỗ ở cho NLĐ” – Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh.
Trong bối cảnh bình thường, nhiều NLĐ đã phải chi tiêu tằn tiện, gửi con về quê, đời sống vật chất thiếu thốn, đời sống tinh thần gần như bỏ trống, không có hoặc có rất ít tích lũy, rất dễ bị tổn thương trước biến cố hoặc khủng hoảng”.
Ông NGỌ DUY HIỂU, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam
Theo số liệu tổng hợp của Tổng LĐLĐ Việt Nam, từ tháng 9 đến hết ngày 10-12-2022, 1.242 DN tại 44 tỉnh, thành phố gặp khó khăn, bị cắt giảm đơn hàng nên phải giảm giờ làm của 482.120 NLĐ. Số lao động bị ảnh hưởng phần lớn ở khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài, tập trung tại 3 ngành dệt may, da giày và chế biến gỗ.
Trong đó, riêng tỉnh Đồng Nai có 111.163 NLĐ bị ảnh hưởng, tỉnh Bình Dương 87.555 người, TP HCM 52.290 người, tỉnh Tây Ninh 26.086 người…
Điều đáng quan tâm là có đến 36% NLĐ đang làm việc trong các KCN, KCX, khu kinh tế; khoảng 8% trong số đó là lao động nữ từ 35 tuổi trở lên và khoảng 5% là lao động nữ đang trong thời kỳ thai sản, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.