Nhiều thủ đoạn lừa đảo việc làm
Theo thống kê, số vụ lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đáng ngạc nhiên là những chiêu trò này vốn không còn mới lạ nhưng với thủ đoạn tinh vi vẫn khiến nhiều người sập bẫy.
Mạo danh doanh nghiệp tên tuổi
Giữa tháng 7, một người đàn ông tự xưng là nhân viên Công ty TNHH Truyền thông Tinh Hoa Việt (quận Phú Nhuận, TP HCM), gọi điện thoại cho anh Thy – phóng viên Báo Người Lao Động chào mời làm việc qua mạng xã hội (MXH) với hứa hẹn thu nhập ít nhất 500.000 đồng/ngày. Nhận định đây là chiêu trò lừa đảo nên anh Thy lắng nghe để biết thêm thủ đoạn của đối tượng và tìm hiểu sự việc.
Sau nhiều lần liên hệ qua lại, anh Thy ngỏ ý đến công ty để gặp mặt mới nhận làm việc thì người đàn ông nói không cần thiết. Nhưng đối tượng liên tục hỏi anh về khả năng kinh tế, khi anh Thy nói bản thân chạy xe ôm công nghệ không đủ sống thì người này không liên lạc nữa. “Tôi đến gặp chị Trung Lệ Ngân Hà, Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông Tinh Hoa Việt, khẳng định là doanh nghiệp (DN) không có chủ trương tuyển cộng tác viên, nhân sự trong giai đoạn này. Chị Hà cũng nói rất nhiều nạn nhân bị lừa hàng trăm triệu đồng tìm đến công ty, nên đã nhờ công an can thiệp” – anh Thy nói.
Theo tìm hiểu của anh Thy, không chỉ có Công ty Tinh Hoa Việt mà còn nhiều DN uy tín cũng bị các đối tượng lừa đảo lợi dụng để lừa người dân nhẹ dạ cả tin. Mới đây, anh Thy cũng được một nhóm người tự xưng nhân viên phòng tuyển dụng của hệ thống siêu thị Điện Máy Xanh dẫn dụ làm việc online.
Thông qua Zalo và Telegram, nhóm này gửi các đường link thể hiện các sản phẩm của hệ thống rồi yêu cầu anh có nhiệm vụ đánh giá 5 sao và viết một lời bình luận tốt. Nhận thấy đây cũng là nhóm lừa đảo, anh Thy khuyên đừng hại dân mình nữa, ráng sống tử tế. Sau đó, anh Thy nhận được những tin nhắn chửi bới, đe dọa của các đối tượng.
Trong báo cáo gửi đến Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Công an TP HCM gần đây, Công ty CP Tập đoàn Thiên Long cho biết thời gian qua, DN liên tục nhận được thông tin phản ánh của nhiều người bị lừa đảo dưới hình thức đặt cọc nhận hàng gia công bút bi Thiên Long tại nhà và không thu phí vận chuyển. Ban đầu, các đối tượng lừa đảo đề nghị người tham gia đóng phí với số tiền ít để được làm và nhận hoa hồng. Sau đó, họ yêu cầu người tham gia chuyển khoản số tiền lớn dần để hưởng hoa hồng cao. Khi số tiền chuyển đủ lớn thì các đối tượng biến mất.
Facebook, Zalo, Telegram là những nền tảng mạng xã hội được các đối tượng sử dụng để lừa đảo. (Ảnh chụp màn hình)
Người nghèo cũng không tha
Theo cơ quan công an, hiện các đối tượng lừa đảo có xu hướng chuyển hoạt động ra vùng ven, nông thôn. Do vậy, người dân các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi (TP HCM) rất bức xúc với một nhóm người lạ liên tục tiếp cận dụ dỗ họ tham gia đầu tư kinh doanh trên MXH để kiếm hàng trăm triệu đồng/tháng.
Chị L.T.K.T (32 tuổi, huyện Hóc Môn) kể đầu tháng 7, nhóm 2 nam 1 nữ đi xe máy đến quán nước mía của chị giải khát và chào mời tham gia kinh doanh theo mô hình “kinh tế chia sẻ thời đại 4.0”. Theo đó, người tham gia sẽ lên Facebook, Telegram nhắn tin cho những người mà công ty chuẩn bị thông tin sẵn. “Họ tổ chức đào tạo cách lôi kéo người trên MXH tham gia cùng mình, sau là cách để người bị lôi kéo phải đóng tiền” – chị K.T kể.
Sau đó, chị K.T được “đồng nghiệp” chỉnh sửa ảnh thành gái trẻ làm mẹ đơn thân để nhắn tin gạ gẫm những tài khoản đàn ông được cung cấp. Theo hướng dẫn của nhóm lừa đảo, chị K.T phải nhắn tin lả lơi, thậm chí gạ đi khách sạn vui vẻ nếu đồng ý đầu tư. Thấy không thể làm điều sai trái, chị từ chối thì liền bị nhóm lừa đảo hù dọa sẽ đưa những đoạn chat mà chị đã nhắn chào mời cho chồng con và người thân xem. Bị khống chế, chị K.T đã bị các đối tượng này thao túng để lừa đảo nhiều người. Chưa hết, bọn chúng còn lấy hơn 50 triệu đồng, 2 nhẫn vàng được chị tích cóp nhiều năm.
Chị L.T.T (40 tuổi, huyện Củ Chi) cũng mất hơn 200 triệu đồng chỉ vì tin “việc nhẹ lương cao”. Chị T. cho biết thấy thông tin tuyển nhân viên làm thời vụ bán hàng, kiểm tra kho, làm giấy tờ xuất hàng… với mức lương từ 8 – 10 triệu đồng/tháng trên Facebook nên chị gọi điện ứng tuyển. Khi đến cơ sở ở Củ Chi thuộc hệ thống kinh doanh VCĐ, chị T. bị dụ dỗ mua thực phẩm chức năng với giá 11 triệu đồng/đơn hàng với hứa hẹn đầu tư càng nhiều thì lợi nhuận càng cao.
Thấy chị T. không có tiền nhưng có đeo nhẫn cưới, các đối tượng đã thuyết phục chị bán được hơn 3 triệu đồng để đặt cọc cho bọn chúng, xem như khoản đầu tư ban đầu. “Sau đó, chúng còn nói tôi vay mượn hơn 200 triệu đồng đóng vào để làm quản lý, với mức lương 90 triệu đồng/tháng. Khi biết bị lừa, đến đòi lại tiền thì bọn chúng đe dọa, nói tôi vu khống và đến nhà quậy phá” – chị T. kể.
“Phương thức lừa đảo của các đối tượng rất tinh vi. Họ sử dụng các tài khoản MXH với những chức danh như: phó tổng giám đốc, giám đốc kinh doanh, giám đốc chi nhánh, trưởng phòng tài vụ, nhân viên quyết toán… Thậm chí bọn chúng còn cắt ghép, gắn hình của lãnh đạo tập đoàn để gia tăng niềm tin với nạn nhân” – báo cáo của Công ty CP Tập đoàn Thiên Long nêu rõ.