Giao dịch việc làm phải minh bạch

Qua đó, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp phát triển hệ thống sàn GDVL trong thời gian tới.

Ông Trịnh Đức Tài, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Dương, cho biết sự phát triển nhanh chóng các KCN đã tạo nên nhu cầu lao động lớn, tìm kiếm việc làm gia tăng. Nhiều năm qua, công tác kết nối cung – cầu lao động, hỗ trợ giới thiệu việc làm cho người lao động (NLĐ) được địa phương rất quan tâm. “Từ tháng 7-2008 đến nay, Bình Dương đã tổ chức 456 sàn GDVL với đa dạng hình thức. Bình quân mỗi năm, tỉnh đã giải quyết việc làm cho khoảng 35.000 lượt lao động” – ông Tài thông tin.

Trao đổi tại tọa đàm, nhiều đại biểu đã trăn trở về tính hiệu quả của sàn GDVL thời gian qua. Sàn GDVL do nhà nước tổ chức còn thiếu tính hấp dẫn, dữ liệu còn hạn chế nên vắng bóng NLĐ đến tìm việc. Hiện số lượng NLĐ mất việc ngày một nhiều, nhưng không ít doanh nghiệp (DN) có nhu cầu tuyển dụng lại khó tuyển.

Để giải bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực, phần đông DN phải tự bơi hoặc tìm đến bên thứ 3 để tuyển nhân công. Bên cạnh đó, công tác dự báo cung – cầu còn chưa đi vào thực chất, số liệu còn mang tính vĩ mô, không phù hợp với địa phương. Mặt khác, sự liên kết giữa DN và nguồn nhân lực để thu hút nhân tài còn chưa được chú trọng.

Giao dịch việc làm phải minh bạch - Ảnh 2.

Người lao động tìm việc tại một sàn giao dịch việc làm được tổ chức tại TP HCM

Do đó, các đại biểu kiến nghị ngoài ban hành thể chế, hành lang pháp lý rõ ràng để bảo đảm tính minh bạch trong GDVL và cung ứng lao động, cũng cần có những quy định, chính sách đối với từng loại hình sàn GDVL thông qua các văn bản luật, dưới luật.

Ông Đỗ Đức Chí, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cung ứng nhân lực Nhân Kiệt, cho rằng thời gian qua lĩnh vực lao động việc làm được Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước đặc biệt quan tâm. Vì đây là nền tảng của xã hội, xương sống của nền kinh tế và yếu tố quan trọng để tăng trưởng và phát triển kinh tế – xã hội.

Để sàn GDVL quốc gia phát triển và tận dụng được sức mạnh của xã hội thì sự tham gia của nhà nước, tư nhân, các hiệp hội nghề nghiệp là rất cần thiết. “Theo tôi cần thành lập hiệp hội nghề nghiệp về cung – cầu lao động, đơn vị này sẽ là cầu nối giữa các DN, NLĐ tới hệ thống sàn tập trung của quốc gia. Chiều ngược lại, đơn vị này cũng là nơi để sàn GDVL chuyển tải thông tin, chính sách mới nhất tới DN và NLĐ” – ông Chí nói.

Theo ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH), GDVL là nền tảng của thị trường lao động và sàn GDVL hiện là một trong những công cụ thực hiện giao dịch. Để có một thị trường lao động tốt, hiện đại thì GDVL phải minh bạch, chi phí thấp. Nếu sàn GDVL được quy định rõ ràng, thể chế minh bạch sẽ giúp GDVL hoạt động tốt, kết nối cung – cầu lao động hiệu quả, trong đó không thể thiếu sự đầu tư của tư nhân.

“Bộ LĐ-TB-XH đang tích cực triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu GDVL gắn với cơ sở dữ liệu dân cư qua đó kết nối, đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu từ 63 trung tâm DVVL với cơ sở dữ liệu toàn quốc. Khi xây dựng xong, sẽ tiến tới hoàn thiện hệ thống GDVL toàn quốc, bảo đảm sự thống nhất của thị trường lao động Việt Nam” – ông Bình thông tin.