Nhiều doanh nghiệp lớn than ‘khát’ lao động chất lượng cao

Chỉ hơn 26% người lao động đã qua đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ; còn lại phần lớn thiếu kỹ năng, không đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Mở đầu Hội nghị về phát triển thị trường lao động tổ chức trong sáng 20/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Chính phủ luôn cởi mở lắng nghe ý kiến “nói thẳng, nói thật” từ các tập đoàn kinh tế lớn, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động để có giải pháp hiệu quả cho vấn đề này.

Theo báo cáo từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, sau những năm đổi mới, lực lượng lao động đã tăng gấp đôi, từ 27 triệu năm 1986 lên 51,4 triệu, tính hết quý II/2022. Dân số Việt Nam đang ở thời kỳ vàng nhưng chất lượng lao động “chưa vàng” khi tỷ lệ qua đào tạo thấp, chỉ trên 26%, trong khi là nước tiếp nhận nguồn vốn FDI lớn thứ ba khu vực và duy trì ổn định trong nhiều năm.

Thị trường lao động Việt Nam dư thừa người có kỹ năng thấp và thiếu lao động kỹ thuật cao. Hạn chế trình độ khiến lao động Việt gặp khó trước những biến động lớn như đại dịch, xu hướng dịch chuyển việc làm, trong khi lưới an sinh chưa đủ sức đảm đương chống đỡ rủi ro cho người lao động. Nếu không sớm thay đổi đào tạo, bù đắp các kỹ năng cho người lao động, có thể dẫn tới nguy cơ mất tính cạnh tranh.

Chủ trì hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói Chính phủ muốn lắng nghe các hiến kế từ doanh nghiệp, đơn vị về phát triển thị trường lao động, sáng 20/8. Ảnh: VGP

Chủ trì hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói Chính phủ muốn lắng nghe các hiến kế từ doanh nghiệp, đơn vị về phát triển thị trường lao động, sáng 20/8. Ảnh: VGP

Gần bốn tiếng trao đổi, nhiều ý kiến đến từ doanh nghiệp nêu lên thực trạng tay nghề thấp, kỹ năng thiếu khiến lao động Việt Nam khó thích nghi trước những biến đổi. Dẫn những khảo sát mới nhất, ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc vận hành Manpower Group Việt Nam, cho biết chỉ 8,96% lao động Việt Nam có khả năng làm việc từ xa trong bối cảnh doanh nghiệp tăng cường loại hình này sau đại dịch.

Lao động có kỹ năng tay nghề cao chỉ đạt 11,6% và cần cải thiện nhiều kỹ năng mềm lẫn chuyên môn. Chỉ 5% lao động có trình độ tiếng Anh trong bối cảnh hội nhập sẽ là nhiều hạn chế, chưa đủ cạnh tranh với lao động khu vực. Thu nhập bình quân của lao động Việt Nam khoảng 300 USD, tương đương 7 triệu đồng, thấp hơn khá nhiều so với lao động trong khu vực (1.992 USD) và thế giới (2.114 USD).

Ông Sơn nhấn mạnh “giá rẻ” vừa là thu hút lẫn điểm yếu về thích nghi của lao động Việt Nam khi doanh nghiệp nước ngoài đưa công nghệ mới vào sản xuất. Theo khảo sát, khoảng 57% doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân lực chất lượng cao. Trước kia, lương là yếu tố hàng đầu, nhưng giờ là chế độ phúc lợi, chính sách như làm việc linh hoạt thời gian… Doanh nghiệp vì thế cần cải thiện linh hoạt chế độ, môi trường làm việc, cơ hội phát triển kỹ năng để giữ chân người lao động.

Đại diện Manpower Group dẫn nhiều số liệu khảo sát của đơn vị này cho thấy lao động Việt Nam còn thiếu hụt nhiều kỹ năng đáp ứng sự thay đổi của thị trường. Ảnh: VGP

Đại diện Manpower Group dẫn nhiều số liệu khảo sát của đơn vị này cho thấy lao động Việt Nam còn thiếu hụt nhiều kỹ năng đáp ứng sự thay đổi của thị trường. Ảnh: VGP

Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2021 do Liên đoàn Thương mại Công nghiệp Việt Nam VCCI thực hiện cũng phản ánh công nhân lao động phổ thông là nhóm dễ tuyển dụng nhất khi doanh nghiệp tuyển thay thế hoặc mở rộng sản xuất, khoảng 62%. Tiếp đến là nhóm kế toán 42%, cán bộ kỹ thuật 25% và quản lý, giám sát 20%. Giám đốc điều hành là nhóm khó tuyển dụng nhất, khoảng 5%.

Đại diện nhiều doanh nghiệp bày tỏ lo ngại tình trạng thiếu nhân lực chất lượng cao, trong khi đang cần tuyển dụng hàng nghìn vị trí nhân sự khi mở rộng sản xuất.

Ông Nguyễn Việt Quang, Tổng giám đốc Vin Group, cho hay hai năm tới, doanh nghiệp này cần khoảng 100.000 người, trong đó 20% là nhân sự cao cấp đã qua đào tạo tối thiểu đại học. Ông đề nghị cấp ngành có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong tuyển dụng, đào tạo nhân sự chất lượng cao. Về lâu dài, doanh nghiệp thông qua hệ thống giáo dục sẵn có lẫn hoạt động sản xuất kinh doanh trải dài khắp nước sẵn sàng hỗ trợ đào tạo nhân sự.

Đại diện PouYuen, doanh nghiệp sản xuất giày thể thao xuất khẩu đông công nhân nhất TP HCM, kêu khó trong tuyển dụng khi thâm hụt khoảng 5% lao động sau dịch. Ông Thái Văn Tông, Tổng giám đốc PouYuen, nói thời gian tới sẽ đẩy mạnh tự động hóa sản xuất và số hóa dữ liệu, doanh nghiệp và quá trình này sẽ cần tuyển dụng số lượng lớn lao động bản địa có kỹ năng, tay nghề cao trong các lĩnh vực kỹ thuật khuôn mẫu, tự động hóa, công nghệ thông tin…

Trong bối cảnh khan hiếm lao động, ông mong Chính phủ tạo điều kiện kết nối với các trường đào tạo nghề, đầu tư thêm nguồn lực vào các tỉnh phía Nam để tạo ra nguồn lao động có kỹ năng, tay nghề cao.

Giờ tan ca của công nhân PouYuen, TP HCM, tháng 6/2021. Ảnh: Hữu Khoa

Giờ tan ca của công nhân PouYuen, TP HCM, tháng 6/2021. Ảnh: Hữu Khoa

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Nguyễn Văn Thân đặt vấn đề nhu cầu thị trường lớn, nguồn nhân lực các trường đào tạo ra cũng không hề nhỏ, vì sao hai khâu này không thể “khớp” với nhau?

Ông đề nghị cấp có thẩm quyền nghiên cứu chế độ tiền lương không chỉ cho lao động bình thường mà còn nhóm cao cấp, bởi nên có những đãi ngộ với người tay nghề cao, tư duy đột phá. Nếu không, lực lượng này dễ “chạy” sang nước ngoài hoặc là đổ vào doanh nghiệp FDI, công ty nước ngoài khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ hụt càng thêm thiếu lao động.

“Mỗi lần ra sân bay, trông thấy những thanh niên trẻ, khỏe đi xuất khẩu lao động, tôi thấy buồn khi nhẽ ra nguồn nhân lực này phải làm việc trong nước. Nhưng vì tiền lương vài chục triệu mỗi tháng mà họ phải bước chân đi nước ngoài”, ông nói.

Lắng nghe gần 20 phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh những ý kiến chất lượng của doanh nghiệp, địa phương và chuyên gia. Ông cho rằng thị trường lao động dư thừa có thể gây mất ổn định kinh tế, trật tự xã hội và ngược lại nếu chất lượng lao động giảm sút thì mất dần tính cạnh tranh. Vì vậy, hai mặt này cần hài hòa, làm sao để thị trường lao động phát triển tạo công ăn việc làm, nâng cao khả năng hội nhập của Việt Nam với thế giới.

“Vì sao một bộ phận lao động chất lượng cao đào tạo ở nước ngoài chưa về nước làm việc? Vì sao có xu hướng nghỉ việc nhà nước dịch chuyển ra khu vực tư nhân? Vì sao lao động xuất khẩu có mức thu nhập cạnh tranh thấp so với lao động các nước khác? Vì sao người dân một số địa phương phải xa gia đình, con nhỏ, bố mẹ già, bỏ đất đai ruộng vườn đi làm việc nơi khác? Vì sao kỹ năng lao động Việt Nam còn thấp…”, Thủ tướng nêu hàng loạt trăn trở, cho rằng những vấn đề này cần sớm có biện pháp giải quyết.

Thủ tướng giao Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tiếp thu các ý kiến để sớm soạn thảo một nghị quyết của Chính phủ về phát triển thị trường lao động đúng hướng, hiệu quả, linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập. Trong đó, tập trung vào các giải pháp nâng cao nhận thức về thị trường; coi lao động là hàng hóa đặc biệt để có cơ chế, chính sách phù hợp; có những thay đổi trong chính sách tiền lương để người lao động gắn bó, cống hiến cho doanh nghiệp; quan tâm tới dịch chuyển lao động, việc làm theo địa lý, đảm bảo phân bổ hợp lý và cuối cùng đổi mới toàn diện hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp.

Hồng Chiêu