Công nhân khó tìm việc

Sau thời gian “ngồi yên việc cũng đến”, hiện nhiều công nhân thất nghiệp do các nhà máy giảm đơn hàng, ngưng tuyển dụng, cắt giảm lao động.

Một tháng qua, anh Thái Văn Đương, 28 tuổi, nộp nhiều hồ sơ vào các nhà máy nhưng chưa được gọi phỏng vấn. Anh Đương hơn 4 năm làm việc tại bộ phận lắp ráp tivi của công ty điện tử ở Khu công nghệ cao (TP Thủ Đức). Từ tháng 5, chuyền của anh giảm đơn hàng nên gần 300 người mất việc. Cuối tháng 7, nam công nhân bị đưa lên phòng ngồi chờ việc, nhận lương căn bản gần 7 triệu đồng.

“Tôi đã nộp hồ sơ vào 6 nhà nhà máy nhưng chưa tìm được việc mới”, nam công nhân quê Bình Định nói. Nhiều nhà máy xung quanh cũng giảm giờ làm, cắt lao động. Một vài công ty có tuyển nhưng số lượng quá ít nên ưu tiên những hồ sơ do chính lao động trong nhà máy giới thiệu. Số khác chỉ nhận lao động thời vụ, làm 1-2 tháng cho nghỉ.

Công nhân làm việc tại nhà máy ở Khu công nghệ cao (TP Thủ Đức). Ảnh: An Phương

Công nhân làm việc tại nhà máy ở Khu công nghệ cao (TP Thủ Đức). Ảnh: An Phương

Không chỉ đến trực tiếp các doanh nghiệp nộp hồ sơ xin việc, anh Đương còn tham gia vào các nhóm tuyển dụng trên mạng để tìm thông tin, tuy nhiên lại gặp các đơn hàng ảo do chính công nhân thất nghiệp lập ra, làm môi giới. “Họ nhận hồ sơ rồi kêu mình nộp vài trăm nghìn đồng nhưng chẳng có nhà máy nào gọi phỏng vấn”, anh Đương nói.

Nam công nhân cho hay số tiền tích lũy lâu nay đã tiêu hết vào đợt dịch. Sau Tết, chưa kịp để dành thì nhà máy lại ít việc, lương giảm hơn 30%. Anh chỉ còn đủ tiền cầm cự đến hết tháng 9, nếu không có việc chắc phải về quê.

Tương tự, chị Trần Thị Thanh, 36 tuổi, thuê trọ ở cư xá Hưng Lợi 2 (thị xã Tân Uyên, Bình Dương) vốn là công nhân may nhưng không thể tìm được việc mới. Chị sinh con trúng đợt dịch thứ 4 bùng phát nên quyết định nghỉ việc. Nữ công nhân quê Thanh Hóa định ra Tết, con cứng cáp sẽ đi làm trở lại. Thế nhưng khi con gái hơn một tuổi, công ty cũ thông báo không nhận người vì giảm đơn hàng. Ba tháng qua, chị đi đến đâu cũng bị từ chối.

“Cuối tuần trước tôi vừa đến cổng một công ty trong cụm công nghiệp Uyên Hưng thì bảo vệ xua tay nói sáng giờ đã từ chối hơn 200 người, đừng hỏi nữa”, chị Thanh kể lại.

Chị Thanh cùng con gái ở khu nhà trọ. Ảnh: Lê Tuyết

Chị Thanh cùng con gái ở khu nhà trọ. Ảnh: Lê Tuyết

Khó tìm việc không chỉ là câu chuyện của chị Thanh, anh Đương trong giai đoạn này. Ông Bùi Văn Lựa, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Hà Giang, nói hơn một nửa lao động do trung tâm giới thiệu đến làm việc tại các nhà máy ở Bình Dương hồi đầu năm đã quay trở về địa phương. Nguyên nhân do doanh nghiệp giảm đơn hàng, ít việc, không còn tăng ca. Công nhân chỉ nhận lương cơ bản nên không đủ sống buộc phải xin nghỉ.

Ông Lựa cho rằng cung – cầu lao động đã đảo chiều, không còn “khát” lao động như trước. Từ cuối năm ngoái đến nửa quý 2 năm nay, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp phía Nam tăng cao. Các công ty về tận địa phương đề nghị hỗ trợ tìm người và chi trả tất cả chi phí đi lại, ăn ở ban đầu, cam kết thu nhập 10-15 triệu đồng mỗi tháng. Tuy nhiên từ tháng 5, số doanh nghiệp chủ động liên hệ tuyển lao động bắt đầu giảm dần, đến nay gần như không có.

Trong khi đó, nguồn lao động ở địa phương vẫn còn chưa kể lao động thất nghiệp quay về muốn tìm việc mới. Giai đoạn này, Trung tâm phải chủ động liên hệ các doanh nghiệp để đưa người vào. Theo ông Lựa, một vài nhà máy vẫn nhận nhưng không có khoản hỗ trợ nào và không tăng ca. Hiện, Trung tâm phải chuyển hướng, tư vấn để giới thiệu lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Ghi nhận của Liên đoàn lao động Bình Dương, từ quý 2 đến nay có hơn 330 doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn gặp khó khăn phải cắt giảm, tạm hoãn hợp đồng, cho công nhân nghỉ không hưởng lương. Tổng số lao động bị ảnh hưởng lên đến hơn 41.000 người. Ngoài ra, nhiều nhà máy còn cho công nhân nghỉ dồn phép năm, giảm số ngày làm việc trong tuần…

Trong khi đó, tại TP HCM, khảo sát 6 tháng đầu năm của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM với trên 5.000 doanh nghiệp sử dụng gần 113.000 lao động, hơn 60% doanh nghiệp cho hay vẫn còn ảnh hưởng bởi dịch. Trong đó, trên 42% gặp khó khăn trong tìm kiếm khách hàng, tiêu thụ sản phẩm, gần 28% khó khăn về vốn, hơn 13% thiếu vật tư, nguyên liệu sản xuất, gần 17% cần hỗ trợ từ các chính sách của nhà nước và một số lý do khác.

Về số lao động mất việc, theo số liệu của Trung tâm dịch vụ việc làm TP HCM, trong tháng 8, đơn vị tiếp nhận 14.590 người đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp nâng tổng hồ sơ 8 tháng lên gần 106.000, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2021.

Công nhân xem thông tin tuyển dụng ở Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7). Ảnh: An Phương

Công nhân xem thông tin tuyển dụng ở Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7). Ảnh: An Phương

Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM (HUBA) Trần Việt Anh nói nếu xét về quy mô sản xuất, nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày, điện tử, gỗ… vẫn thiếu lao động nhưng giai đoạn này ngưng tuyển dụng. Đơn hàng giảm mạnh, hàng sản xuất ra không bán được… nên việc duy trì đủ giờ làm cho công nhân hiện hữu đã là thách thức. Do đó, lao động tìm việc giai đoạn này sẽ gặp nhiều khó khăn hơn đầu năm.

Ông Phạm Quang Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần quốc tế Dony (quận Tân Bình), cho hay từ tháng 7 doanh nghiệp đã không còn đăng tuyển công nhân nhưng nhiều người đọc các mẫu tuyển dụng cũ vẫn tìm đến nộp hồ sơ.

“Không giống như trước, bộ phận nhân sự phải đỏ mắt tìm người, nay lao động đã tự đến”, ông Quang Anh nói và cho rằng khi nguồn cung dồi dào là cơ hội để doanh nghiệp sàng lọc lao động có tay nghề, ý thức làm việc. Ngay tại Dony, những chuyền làm việc hiệu quả luôn được ưu tiên giữ nguyên giờ làm, tổ chức tăng ca, duy trì tốt nhất các chính sách phúc lợi, đảm bảo thu nhập.

“Khan hiếm công việc là dịp người lao động thay đổi thái độ, suy nghĩ về việc làm lâu dài, ổn định trong những năm tới”, Giám đốc Công ty Dony cho biết.

Theo ông Quang Anh, đầu năm các nhà máy “khát” lao động, cơ hội việc làm đa dạng, công nhân chỉ thích làm thời vụ để dễ “nhảy việc”, doanh nghiệp thuyết phục vào chính thức nhưng họ từ chối. Khi đơn hàng giảm, việc đầu tiên các nhà máy là cắt lao động thời vụ để đảm bảo giờ làm cho công nhân chính thức bởi nguyên tắc những người gắn bó lâu dài luôn được ưu tiên.

Lê Tuyết