Lúng túng xử lý hơn 3.200 tỷ đồng ‘nợ xấu’ BHXH

Hơn 3.200 tỷ đồng nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) kéo dài nhiều năm ảnh hưởng hơn 206.000 lao động nhưng cơ quan quản lý kêu “khó thu hồi”.

Tại phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Xã hội Quốc hội chiều 29/9, ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, nói tính đến cuối năm 2021 tổng số nợ BHXH bắt buộc là hơn 10.200 tỷ đồng, 80% là doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Trong đó, gần 30.000 doanh nghiệp mất tích, phá sản, giải thể, chủ là người nước ngoài bỏ trốn, nợ tồn từ nhiều năm “rất khó đòi” với số tiền hơn 3.200 tỷ đồng, trong đó nợ gốc gần 2.300 tỷ đồng, lãi phát sinh gần 930 tỷ đồng.

Người lao động Công ty Mỹ Tú (Bình Dương) ngừng việc tháng 3/2021 để đòi chủ doanh nghiệp đóng hơn 9 tỷ đồng BHXH. Ảnh: Lê Tuyết

Người lao động Công ty Mỹ Tú (Bình Dương) ngừng việc tháng 3/2021 để đòi chủ doanh nghiệp đóng hơn 9 tỷ đồng BHXH. Ảnh: Lê Tuyết

Báo cáo tại phiên họp, cơ quan bảo hiểm cho rằng khó khăn lớn nhất hiện nay trong xử lý nợ đọng là hành vi trốn đóng BHXH. Trong 4 năm, cơ quan BHXH kiến nghị khởi tố 382 vụ nhưng chưa vụ nào bị xử lý. 186 vụ đã bị cơ quan điều tra xác định không khởi tố vì chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng khi sửa Luật Bảo hiểm cần thêm các điều khoản về xử lý nợ xấu và làm rõ hơn các hành vi chậm đóng, trốn đóng, để nợ kéo dài. “Từ ngữ hiện nay còn mập mờ”, ông Dung nói và ví dụ khi cơ quan điều tra đến làm việc với doanh nghiệp nợ bảo hiểm thì nhận được câu trả lời “em chưa có tiền hay khi nào có sẽ đóng, không trốn” nên công an khó xác định được hành vi.

Trong khi đó bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng Nghị quyết 05 của Hội đồng thẩm phán hướng dẫn áp dụng Bộ luật Hình sự về các tội danh trốn đóng, gian lận, nợ BHXH giải thích rất rõ từ ngữ còn nhiều tranh cãi trong thời gian qua. Đặc biệt Nghị quyết đã xác định cơ quan BHXH là bên bị hại nên có quyền đề nghị cơ quan công an điều tra, khởi tố. Công đoàn cũng có thể đề nghị cơ quan thẩm quyền khởi kiện các vụ nợ bảo hiểm.

Theo bà Thúy Anh qua làm việc với cơ quan chức năng, mục tiêu cuối năm nay hoặc đầu năm 2023 phải có một vài vụ nợ BHXH bị khởi tố, đưa tòa xét xử. Việc này sẽ giúp thu hồi nợ, đảm bảo quyền lợi người lao động và răn đe những trường hợp để nợ khác.

Ông Trần Văn Sáu, thành viên Ủy ban Xã hội Quốc hội, đề xuất nên xem xét xử lý dứt điểm các khoản nợ BHXH gần như không thể thu hồi, trong đó có thể tính đến phương án xóa nợ để không dây dưa kéo dài.

Ông Đào Ngọc Dung phát biểu tại phiên họp. Ảnh: An Phương

Ông Đào Ngọc Dung phát biểu tại phiên họp. Ảnh: An Phương

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói rằng rất khó để đòi hơn 3.200 tỷ đồng khoản nợ BHXH kéo dài nhiều năm do đó phải tính toán để có hướng xử lý. Các cơ quan cần đặt hơn 2.300 tỷ đồng nợ gốc trong tổng số một triệu tỷ đồng kết dư các quỹ BHXH và Quốc hội, Chính phủ xem xét, nhìn vấn đề này ra sao.

“Thuế không đòi được thì nhà nước xóa nhưng BHXH là tiền của người lao động nên phải tính toán”, ông Dung nói. Việc xử lý nợ phải đảm bảo được quyền lợi cho người đóng. Cơ quan BHXH cần phân loại cụ thể khoản nợ hơn 3.200 tỷ đồng báo cáo Ủy ban Xã hội trình Quốc hội xem xét. Nguyên tắc nhà nước không thể lấy ngân sách để xóa mà phải sử dụng phần kết dư của các quỹ để bù đắp.

Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị nên tính đến phương án phong tỏa tài khoản của doanh nghiệp để nợ BHXH. Theo kinh nghiệm của Trung Quốc, việc này hiệu quả hơn nhiều tuyên truyền, vận động, thanh tra, kiểm tra, xử phạt hành chính hay khởi kiện ra tòa. “Chỉ một tuần là chủ doanh nghiệp phải mang tiền đến đóng”, ông Dung nói.

Lê Tuyết