Người tìm việc Trung Quốc ‘vỡ mộng’, đối mặt với thực tế khắc nghiệt

Stella Zhang, người tốt nghiệp từ một trong những trường đại học danh tiếng nhất của Trung Quốc tại Bắc Kinh vào năm ngoái, cho biết niềm tin lâu nay của cô rằng “học trong một ngôi trường tốt sẽ dẫn đến tương lai tươi sáng” đã bị tan vỡ trước thực tế khắc nghiệt của thị trường việc làm.

“Tôi đã từ bỏ tất cả những kỳ vọng về công việc lý tưởng. Giờ đây, công việc đơn giản là cách để tôi có một cuộc sống ổn định”, cô gái 24 tuổi đã trải qua hơn 6 tháng thất nghiệp kể từ khi tốt nghiệp.

Zhang là một trong vô số người trẻ tìm việc ở Trung Quốc đang phải vật lộn với “sự vỡ mộng” trong thị trường việc làm ảm đạm, nơi tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (độ tuổi 16 – 24, không bao gồm sinh viên) đã lên tới 15,3% vào tháng 2 năm nay, tăng so với mức 14,6% của tháng trước.

Người tìm việc Trung Quốc 'vỡ mộng', đối mặt với thực tế khắc nghiệt - Ảnh 1.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong độ tuổi 16 – 24 ở Trung Quốc đạt 15,3% trong tháng 2, tăng từ mức 14,6% trong tháng 1. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Trong khi chính phủ liên tục triển khai các biện pháp hỗ trợ nhằm củng cố thị trường việc làm – yếu tố được coi là then chốt để duy trì ổn định xã hội và thúc đẩy niềm tin tiêu dùng, Trung Quốc vẫn phải đối mặt với áp lực thất nghiệp gia tăng trong bối cảnh kinh tế chưa ổn định.

Suy thoái đang diễn ra trên thị trường bất động sản, đầu tư giảm mạnh và tình trạng nợ đọng kéo dài khiến các doanh nghiệp tư nhân – vốn là động lực tạo việc làm lớn nhất – buộc phải cắt giảm nhân sự. Tất cả đều đang gây sức nặng lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

“Có những điểm yếu trong việc đảm bảo đời sống của người dân, với áp lực lớn nhằm ổn định việc làm”, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia cho biết trong kế hoạch công việc của năm nay được công bố tại các kỳ họp của Quốc hội đầu tháng này.

“Trong khi một số người đang vật lộn để tìm việc, thì một số vị trí cũng đang phải đối mặt với khó khăn gia tăng trong tuyển dụng nhân sự”, báo cáo đề cập thêm.

Cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu Trung Quốc cũng nhấn mạnh đến sự gia tăng đáng kể của lực lượng lao động và một số điều chỉnh cơ cấu, chẳng hạn như di cư lao động nông thôn, đang dẫn đến nhu cầu tạo việc làm thậm chí còn lớn hơn.

Điều này buộc chính phủ phải nâng mục tiêu tạo hơn 12 triệu việc làm mới ở khu vực thành thị trong năm nay, sau khi tuyên bố đã tạo ra 12,44 triệu việc làm vào năm ngoái.

Tuy nhiên, con số kỷ lục 11,79 triệu sinh viên đại học sẽ tốt nghiệp trong năm 2024, dự kiến sẽ làm trầm trọng thêm những khó khăn về việc làm ở đất nước tỷ dân.

“Các nhà tuyển dụng đang tìm kiếm những cử nhân mới ra trường có cả nền tảng học vấn tốt và kinh nghiệm làm việc”, Zhang nói, và thừa nhận rằng cô hối hận vì đã tập trung quá nhiều vào việc học mà không dành thời gian cho các khoá thực tập.

Người có kinh nghiệm cũng chật vật tìm việc

Khi những sinh viên mới ra trường như Zhang đang phải chịu đựng nỗi đau bị từ chối vì thiếu kinh nghiệm, những người dày dạn kinh nghiệm cũng nhận thức rõ bản thân không đáp ứng được thị trường việc làm ngày càng tồi tệ.

“Bằng cử nhân của tôi không còn phù hợp với yêu cầu của thị trường việc làm nữa. Hầu hết các công ty lớn hiện nay yêu cầu ứng viên có bằng thạc sĩ từ một trường đại học uy tín”, Ding Lin, 29 tuổi, người tìm việc đến từ tỉnh Hồ Nam cho biết.

Ding đã mất công việc trong lĩnh vực bất động sản cách đây 9 tháng do một đợt cắt giảm nhân sự quy mô lớn. Kể từ đó, cô chỉ nhận được 5 phản hồi từ hơn 500 đơn xin việc, trong đó có 2 đơn bị từ chối ở giai đoạn tuyển chọn cuối vì lý do tuổi tác.

“Thư mời làm việc mà tôi nhận được vào lúc này thậm chí còn trả lương ít hơn công việc đầu tiên của tôi, nhưng tôi không thể kén chọn mà muốn có việc làm càng sớm càng tốt”, Ding chia sẻ. “Khoảng thời gian không có việc làm của tôi quá dài khiến tôi vô cùng lo lắng. Nhiều người ở độ tuổi của tôi đang phải đối mặt với áp lực phải thế chấp tài sản. Vì vậy giữa lý tưởng và thực tế, ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là tồn tại”.

Người tìm việc Trung Quốc 'vỡ mộng', đối mặt với thực tế khắc nghiệt - Ảnh 2.

Người tìm việc xếp hàng tham gia chương trình tuyển dụng của một công ty ở thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc. (Ảnh: SCMP)

Tỷ lệ thất nghiệp nhóm tuổi 25 – 29 ở Trung Quốc đạt mức 6,4% trong tháng 2, tăng nhẹ so với mức 6,2% trong tháng 1.

Tuần trước, Bộ Tài chính nước này cho biết sẽ chỉ đạo các tổ chức tài chính do chính phủ hậu thuẫn ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp thâm dụng lao động nhằm giải quyết những thách thức về việc làm.

Bộ này cho biết: “Chúng tôi dự kiến tận dụng thêm khoản vay 1.300 tỷ nhân dân tệ (180 tỷ USD) vào năm 2024, để ổn định hơn 12 triệu vị trí và thúc đẩy tạo ra hơn 600.000 việc làm mới”.

Tuy nhiên, trong khi chính phủ đang cố gắng giảm bớt áp lực lên việc làm, những người trẻ tìm việc cũng đang vật lộn để tìm lối thoát.

Maxie Wu, một lập trình viên 28 tuổi ở Thâm Quyến, đã nghỉ việc vào tháng trước do lịch trình công việc dày đặc, nhưng cuối cùng lại nhận ra khó có thể tìm được công việc mới, nếu có thì mức lương cũng ít hơn khoảng 30% công việc trước đây.

“Nếu biết thị trường khó khăn đến vậy, tôi thà ở lại công ty cũ và làm việc đến 11 giờ đêm”, Wu than thở.

Anh cho biết thêm: “Tôi thực sự lo lắng, chủ yếu là về việc liệu có nên tiếp tục làm lập trình viên hay không. Ngay cả khi tôi tìm được việc lần này, thì trong 2 hoặc 3 năm nữa, tôi vẫn phải đối mặt với nguy cơ bị thay thế bởi các lập trình viên trẻ tuổi, những người có mức lương thấp hơn nhưng nhiều năng lượng hơn”.

Wu đang cân nhắc xem có nên chuyển hướng theo đuổi một nghề nghiệp ít cạnh tranh hơn, chẳng hạn như thợ điện, dù những công việc như vậy ít được xã hội công nhận.

“Tình trạng của tôi còn tốt hơn nhiều sinh viên mới ra trường, vì ít nhất tôi cũng có kinh nghiệm. Nhiều sinh viên mới ra trường cho tôi biết họ đã thất nghiệp 6 tháng, thậm chí cả năm”, anh nói.


Theo Hoa Vũ/VTC