Tiền lương không còn là ưu tiên số 1 của ứng viên khi tìm việc?

Anh Trần Toàn Thắng (Cầu Giấy, Hà Nội) vừa nghỉ việc tại một công ty công nghệ với mức lương 30 triệu đồng/tháng và đang tìm kiếm công việc mới ở vị trí kỹ sư phát triển phần mềm. Nói về tiêu chí tìm việc làm mới, anh Thắng cho biết, ngoài mức lương, điều anh quan tâm đầu tiên là cơ hội phát triển, thăng tiến, chế độ phúc lợi cho nhân viên.

Tiền lương không còn là ưu tiên số 1 của ứng viên khi tìm việc? - Ảnh 1.

Người lao động và doanh nghiệp kết nối tại phiên giao dịch việc làm tại Hà Nội ngay sau Tết Nguyên đán.

“Ở giai đoạn này tôi đặt ra những mục tiêu phát triển bản thân riêng, mức lương về cơ bản đã có sàn chung của thị trường lao động, với cùng trình độ, thì sự chênh lệch giữa các doanh nghiệp không nhiều. Nếu đó là một môi trường có thể học hỏi để phát triển bản thân, thăng tiến tốt tôi vẫn sẽ lựa chọn ngay cả khi mức lương chỉ ở mức tương đương hoặc thấp hơn một chút. Ngành công nghệ thông tin vốn đã rất căng thẳng, nên việc lựa chọn môi trường phù hợp, có chế độ phúc lợi, chăm sóc nhân viên tốt, cũng sẽ có nhiều động lực để gắn bó hơn”, anh Thắng chia sẻ.

Chị Phạm Thị Tâm (Hoàng Mai, Hà Nội) đã nghỉ việc được 6 tháng nay và đang tìm kiếm việc làm mới. Chị Tâm chia sẻ, trước đây chị từng làm quản lý tại một công ty chuyên về sản xuất linh kiện ô tô của Nhật Bản, mức lương hàng tháng khoảng 18 triệu đồng. Vì nhiều lý do khác nhau, sau khi cân nhắc kỹ, chị Tâm vẫn quyết định nhảy việc ở tuổi 40.

“Chuyển việc ở độ tuổi này tôi gặp không ít khó khăn, khi hầu hết các doanh nghiệp đều ưu tiên các ứng viên trẻ. Ngoài mức lương kỳ vọng tương đương công ty cũ, tôi mong muốn tìm công việc có thể làm theo giờ hành chính, gần nhà để tiện chăm lo con cái”, chị Tâm chia sẻ.

Giống như chị Tâm, anh Nguyễn Đình Phúc (Thường Tín, Hà Nội) cũng đang loay hoay tìm việc. Anh Phúc cho biết, anh từng làm kỹ sư bảo dưỡng, vận hành máy tại một doanh nghiệp của Nhật Bản. Tuy nhiên do tình hình sản xuất khó khăn, công ty sa thải bớt lao động, anh buộc phải nghỉ việc.

Hiện tại anh Phúc hy vọng có thể tìm được công việc với mức lương tương đương công ty cũ, công việc ổn định ít có sự biến động về nhân sự.

Tham gia vào sàn giao dịch việc làm online khu vực phía Bắc ngay sau kỳ nghỉ Tết, bà Nguyễn Thị Lan, Phó Giám đốc Công ty Quản lý khai thác tòa nhà VNPT cho biết, doanh nghiệp này đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 60 chỉ tiêu ở các vị trí gồm kỹ thuật viên, lễ tân, quản lý. Đến nay mới nhận được khoảng 50% hồ sơ.

Bà nguyễn Thị Lan đánh giá, so với những năm trước, thị trường lao động đầu năm 2024 có một số thay đổi nhất định như tỷ lệ người lao động “nhảy việc” giảm mạnh, các tiêu chí để lựa chọn công việc của các ứng viên cũng có nhiều thay đổi.

Tiền lương không còn là ưu tiên số 1 của ứng viên khi tìm việc? - Ảnh 2.

Người lao động kết nối với doanh nghiệp qua sàn giao dịch việc làm online

“Theo quan sát, năm 2023, tỷ lệ nhân sự luân chuyển giữa các doanh nghiệp, hay còn gọi là “nhảy việc” giao động từ 15-20%, nhưng năm nay con số này chỉ vào khoảng 5%. Sở dĩ tỷ lệ lao động nhảy việc giảm do doanh nghiệp đã xác định rõ môi trường làm việc, quyền lợi của người lao động. Về phía người lao động cũng tính đến tính ổn định, an toàn của công việc nhiều hơn.

So với trước đây khi tiếp xúc và phỏng vấn người lao động, tôi thấy sự khác biệt khá rõ. 3 năm nước, khoảng 90% ứng viên luôn đặt câu hỏi mức lương nhận được là bao nhiêu, công việc và chế độ đãi ngộ ra sao. Nhưng khoảng 1 năm trở lại đây, đa số người lao động hỏi về lộ trình thăng tiến, cơ hội làm việc tại các doanh nghiệp ra sao’, bà Lan cho biết.

Theo bà Lan, đây cũng là tín hiệu đáng mừng cho các doanh nghiệp khi bản thân người lao động hiểu rõ hơn về cơ hội, từ đó xác định rõ mức độ cống hiến cho công việc.

Để thu hút người lao động, đặc biệt là lao động chất lượng cao, bà Nguyễn Thị Lan cho biết, doanh nghiệp này sau khi tuyển dụng đã đưa ra lộ trình thăng tiến rõ ràng cũng như các yêu cầu về trình độ, năng lực tương đương. Doanh nghiệp cũng chú trọng công tác đào tạo để người lao động có những cơ hội tốt hơn.

Còn theo bà Đặng Quỳnh Mai Anh, chuyên viên tuyển dụng Công ty Cổ phần Quốc tế Home Farm cũng cho rằng, các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn trong việc tuyển dụng sau Tết. Theo đó, với nhóm lao động phổ thông cần tuyển số lượng lớn, doanh nghiệp sẽ khó tìm nguồn ứng viên. Đối với nhóm nhân viên văn phòng, nhân sự quản lý sẽ vấp phải sự cạnh tranh lớn giữa các doanh nghiệp liên quan đến thu nhập, đặc điểm công việc…

Bà Mai Anh cũng cho rằng, xu hướng chung hiện nay, ngoài mức lương, nhân sự sẽ quan tâm nhiều đến môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến.

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, dù thị trường lao động đang có những dấu hiệu hồi phục tích cực, song cũng có những khó khăn tiềm ẩn. Ông Thành lưu ý đối với người lao động khi lựa chọn một công việc mới cần cân nhắc các yếu tố. Thậm chí trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn cũng cần chia sẻ, đồng hành, gắn bó để cùng nhau vượt qua. Trong trường hợp bất khả kháng, thu nhập giảm sâu, thì có thể cân nhắc tìm kiếm công việc mới, song cần tìm hiểu kỹ các các vị trí việc làm, tính chất công việc, chế độ đãi ngộ, để việc làm mới đảm bảo được các tiêu chí đã đưa ra, sớm ổn định cuộc sống.


Theo Nguyễn Trang