Lao động TP HCM thu nhập cao nhất nước trong quý I

Người lao động TP HCM đạt thu nhập bình quân quý I/2022 cao nhất cả nước với 8,9 triệu đồng/tháng, kế đó là Bình Dương, Đồng Nai lần lượt 8,6; 8,5 triệu đồng.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê ngày 12/4 cho thấy thị trường lao động quý I/2022 dần sôi động trở lại ở nhiều ngành kinh tế khiến thu nhập của người lao động được cải thiện.

Lao động tại TP HCM thu nhập bình quân mỗi tháng 8,9 triệu đồng, tăng 36,5%, tương đương 2,4 triệu đồng so với quý trước. Lao động tại Bình Dương thu nhập bình quân mỗi tháng 8,6 triệu đồng, tăng 54%, tức tăng 3 triệu đồng so với quý trước. Tại Đồng Nai, thu nhập bình quân mỗi tháng của lao động đạt 8,5 triệu đồng, tăng gần 33%, tức tăng khoảng 2,1 triệu đồng.

Đông Nam Bộ – khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt dịch Covid-19 thứ tư, lại hồi phục mạnh mẽ và có mức thu nhập bình quân tháng cao nhất cả nước, khoảng 8,3 triệu đồng, tăng 36% so với quý trước; đồng bằng sông Hồng đạt 7,4 triệu đồng; thấp nhất là Tây Nguyên 4,6 triệu đồng.

Tính chung cả nước, thu nhập bình quân lao động mỗi tháng trong quý I đạt 6,4 triệu đồng, tăng gần một triệu so với quý trước. Do ảnh hưởng của dịch, mức thu nhập bình quân từng giảm sâu kỷ lục, xuống 5,2 triệu đồng hồi quý III/2021.

Ông Nguyễn Trung Tiến, Tổng cục phó Thống kê, nhận định đây là kết quả chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, tăng độ phủ vaccine. Các địa phương dù ghi nhận nhiều ca nhiễm mới, thị trường lao động vẫn hồi phục mạnh.

Công nhân làm việc tại xưởng Công ty May mặc Dony, quận Tân Bình, TP HCM, ngày 21/10/2021. Ảnh: Quỳnh Trần

Công nhân làm việc tại xưởng Công ty May mặc Dony, quận Tân Bình, TP HCM, ngày 21/10/2021. Ảnh: Quỳnh Trần

Nối tiếp đà phục hồi từ quý IV/2021, bức tranh lao động việc làm quý này tiếp tục khởi sắc khi số người chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch giảm sâu. Tỷ lệ thiếu việc làm giảm mạnh và đang dần trở lại trạng thái trước khi đại dịch xảy ra.

So với quý trước, số người từ 15 tuổi trở lên chịu tác động tiêu cực của dịch giảm 7,8 triệu, xuống còn 16,9 triệu người, là mức thấp nhất ghi nhận kể từ thời điểm chịu tác động của Covid-19. Số người thất nghiệp cũng giảm gần nửa triệu so với quý trước, xuống còn 1,1 triệu. Tỷ lệ thất nghiệp còn 2,46% trong khi quý trước là 3,56%.

Ngược lại, số người từ 15 tuổi trở lên có việc đã tăng hơn 1 triệu, cán mốc 50 triệu lao động. Dịch vụ là khu vực phục hồi mạnh mẽ nhất khi lao động chiếm tỷ trọng 38,7%, tương đương 19,4 triệu người. Điều này phù hợp trong bối cảnh du lịch mở cửa, các địa phương dần khôi phục nhiều hoạt động kinh doanh, dịch vụ.

Tổng cục Thống kê kiến nghị cần có nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, triển khai chính sách hỗ trợ người lao động.

Chính phủ triển khai gói 6.600 tỷ đồng từ 1/4, hỗ trợ lao động đang thuê trọ, làm việc trong khu công nghiệp, chế xuất, vùng kinh tế trọng điểm và người quay trở lại thị trường. Mức hỗ trợ 1,5-3 triệu đồng mỗi tháng, tối đa ba tháng. Gói hỗ trợ với mục đích “kéo” lao động quay lại các thành phố lớn trong bối cảnh thị trường lao động đứt gãy, các nhà máy thiếu nhân lực sau Tết Nguyên đán.

Hồng Chiêu