Hơn 2,2 triệu lao động bỏ thành phố về quê

Khoảng 2,2 triệu người hồi hương do ảnh hưởng của đợt dịch thứ tư kéo dài, theo số liệu của ngành thống kê tới 15/12/2021.

Thông tin Tổng cục Thống kê công bố sáng 6/1, khoảng 447.000 người trở về từ Hà Nội, 524.000 người về từ TP HCM; 600.000 người trở về từ các tỉnh thành phía Nam và hơn 676.000 người từ các địa phương khác.

Số người trở về chủ yếu là lao động tự do, lực lượng chịu ảnh hưởng ngay của các đợt giãn cách theo Chỉ thị 15, 16. Song vẫn có khoảng 839.000 người từ 15 tuổi trở lên thuộc lực lượng lao động, phần lớn đang làm việc hoặc đã thất nghiệp.

Đoàn người từ phía Nam được CSGT Thừa Thiên Huế dẫn đường từ chân đèo Hải Vân ra Quảng Trị để tiếp tục về quê, chiều 3/8/2021. Ảnh:Võ Thạnh

Đoàn người từ phía Nam được CSGT Thừa Thiên Huế dẫn đường từ chân đèo Hải Vân ra Quảng Trị để tiếp tục về quê, chiều 3/8/2021. Ảnh: Võ Thạnh

Ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Thống kê Dân số và Lao động, nhận định làn sóng dịch chuyển về quê dẫn tới một số ngành thiếu hụt lao động như dệt may, da giày. Lực lượng này về quê gặp khó khăn khi tìm việc mới, vì vậy, các cơ quan cần có chính sách quy hoạch tổng thể về việc làm, phục hồi thị trường lao động.

Theo đại diện Tổng cục Thống kê, công tác quy hoạch vùng tới thời điểm này chưa thực sự tốt. Đơn cử như Đồng bằng sông Cửu Long đang gặp thách thức nghiêm trọng về vấn đề di cư, dân số, việc làm, trong khi đây là vùng nông nghiệp của cả nước, sản lượng thủy sản chiếm khoảng 70%. Lực lượng lao động khu vực này di dân tới thành phố lớn làm việc ngày càng tăng, dân số sụt giảm, ảnh hưởng an ninh quốc phòng, an ninh lương thực và sự phát triển của các địa phương trong vùng.

Thị trường lao động cuối năm có dấu hiệu phục hồi khi số người có việc làm, thu nhập bình quân tháng tăng, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm so với quý III. Kết quả ghi nhận sau khi bao phủ vaccine mũi hai và nới lỏng cách ly xã hội, chuyển sang thích ứng an toàn với dịch.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 49,1 triệu người, tăng hơn 1,8 triệu so với quý trước. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 3,56%, so với 3,98% quý trước. Ngược lại, thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng thêm 130.000 đồng, đạt 5,3 triệu đồng.

Nhìn chung, thu nhập bình quân của người lao động năm nay sụt giảm nghiêm trọng so với năm 2020, xuống còn 6,5 triệu đồng so với 7,03 triệu đồng của năm 2020, giảm hơn 624.000 đồng. Theo đại diện Tổng cục Thống kê, Chính phủ và các địa phương vẫn cần có những chính sách an sinh, bố trí công ăn việc làm và thu hút lại lao động thời gian tới.

Trong Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã đưa ra hàng loạt giải pháp nhằm thu hút lao động ngoại tỉnh quay lại thành phố làm việc, như: Hỗ trợ chi phí sinh hoạt tối thiểu, đi lại, y tế, hỗ trợ tiền mặt trực tiếp hoặc sắp xếp nơi ở tạm thời…

Kỳ họp bất thường của Quốc hội khóa XV đang bàn về chương trình tổng thể phục hồi kinh tế – xã hội, trong đó có chính sách đảm bảo an sinh và hỗ trợ việc làm cho lao động.

Hồng Chiêu