Gần 30 cuộc ngừng việc tập thể vì lương, thưởng Tết

Trước và sau Tết Nhâm Dần, cả nước xảy ra 28 cuộc ngừng việc tập thể, tranh chấp lao động tại 11 địa phương.

Ngày 16/2, ông Phan Văn Anh, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, cho hay thống kê số cuộc giảm so với cùng kỳ năm 2021, quy mô không lớn song tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp.

Nguyên nhân ngừng việc tập thể, tranh chấp lao động tại các địa phương chủ yếu do người lao động chưa đồng tình với thay đổi hình thức trả lương, nâng lương định kỳ của doanh nghiệp, trả thưởng thấp hơn so với năm trước. Một số cuộc còn khởi phát từ thái độ không đúng mực của quản lý với công nhân, doanh nghiệp đưa ra quy định chưa phù hợp, cứng nhắc với người lao động, chất lượng bữa ăn ca kém…

Lãnh đạo Công ty TNHH Viet Glory (Nghệ An) đối thoại với công nhân tại cổng công ty chiều 10/2. Ảnh: Phương Linh

Lãnh đạo Công ty TNHH Viet Glory (Nghệ An) đối thoại với công nhân tại cổng công ty chiều 10/2. Ảnh: Phương Linh

Ông Phan Văn Anh lấy ví dụ vụ ngừng việc tập thể kéo dài 6 ngày của gần 5.000 công nhân Công ty TNHH Viet Glory ở Diễn Châu (Nghệ An) đề nghị chủ doanh nghiệp tăng lương, phụ cấp, bãi bỏ nhiều quy định khắt khe như phải có mặt trước giờ làm 10 phút, không được sa thải công nhân F0… Công ty này trả lương cho công nhân hơn 3,6 triệu đồng, chỉ cao hơn lương tối thiểu vùng thấp nhất vài trăm nghìn đồng (vùng IV thấp nhất 3,07 triệu đồng).

“Người lao động không có tích lũy, lại liên tiếp chịu ảnh hưởng của dịch khó mà xoay xở với cuộc sống khi vật giá tăng từng ngày, dễ có tâm lý so sánh khi các doanh nghiệp khác có chế độ đãi ngộ tốt hơn”, ông phân tích.

Công đoàn cơ sở, liên đoàn lao động địa phương đã có những phiên thương lượng với giới chủ, đạt được một số thỏa thuận để công nhân sớm đi làm trở lại. Theo đại diện công đoàn, hai năm chịu tác động của dịch, người lao động đã đồng cam cộng khổ với doanh nghiệp như chấp nhận giảm lương, giảm giờ làm, nghỉ luân phiên, thực hiện ba tại chỗ, không về quê đón Tết, tăng ca để đáp ứng tiến độ giao hàng. Khi tình hình sản xuất dần khôi phục, doanh nghiệp có thể chịu thiệt thòi một phần về lợi nhuận trong thời gian đầu để tăng phúc lợi cho công nhân. Lao động yên tâm sản xuất, doanh nghiệp mới có thể phát triển.

Ông nhận định, tiền lương tối thiểu, phụ cấp của công nhân mới đáp ứng một phần nhu cầu cuộc sống. Trong phiên họp của Hội đồng tiền lương quốc gia sắp tới, Tổng liên đoàn sẽ tiếp tục kiến nghị các bên đồng ý tăng lương tối thiểu vùng sau hai năm liên tiếp chưa điều chỉnh. Trong năm nay, các cấp công đoàn sẽ thương lượng với chủ doanh nghiệp về tăng tiền ăn ca cho người lao động, thấp nhất 18.000 – 25.000 đồng trở lên, tùy thuộc từng vùng.

Hôm 7/1, hơn 16.000 công nhân Công ty TNHH Pouchen Việt Nam đóng tại Đồng Nai đã ngừng việc 4 ngày vì doanh nghiệp giảm thưởng 30% so với năm trước đó.

Ngày 7/2, gần 5.000 lao động Công ty TNHH Viet Glory, chuyên sản xuất giày, dép) tại Nghệ An ngừng việc 6 ngày, yêu cầu tăng lương cơ bản, tăng chế độ độc hại, không chấm dứt hợp đồng lao động với công nhân nhiễm Covid-19…

Hôm 11/2, khoảng 5.300 công nhân Công ty TNHH Vienergy đóng tại Ninh Bình ngừng việc, yêu cầu lãnh đạo làm rõ các khoản thu nhập, kiến nghị nghỉ phép năm không trừ tiền phúc lợi như xăng xe, nuôi con nhỏ; quản lý nước ngoài chấm dứt thái độ không đúng mực với công nhân.

Sáng 14/2, hơn 2.000 công nhân Công ty TNHH Cresyn Hà Nội có nhà máy tại Bắc Ninh đã ngừng việc đề nghị tăng lương, phụ cấp, phúc lợi; xét nghiệm Covid-19 định kỳ, cấp phát đồng phục, cơi nới nhà để xe.

Hồng Chiêu