Hơn 1.000 công nhân miền Trung trở lại làm việc

Hơn 1.000 công nhân của hai công ty may mặc ở Nghệ An và Hà Tĩnh quay lại nhà máy, sau khi ngừng việc đòi quyền lợi vào chiều 15/2.

Tại Nghệ An, sáng nay hơn 500 công nhân Công ty TNHH EM – Tech chuyên sản xuất linh kiện điện tử đóng ở TP Vinh trở lại làm việc bình thường, sau một buổi ngừng việc đòi quyền lợi.

Lãnh đạo phường Vinh Tân cho biết nhiều công nhân chấp thuận một số nội dung trả lời của đại diện công ty, trở lại làm việc trong khi chờ tất cả kiến nghị sẽ được giải đáp thời gian tới.

Trước đó, chiều 15/2, hơn 500 công nhân đơn vị này ngừng việc. Họ nêu 4 kiến nghị gồm: Tăng lương; tiền phụ cấp phải công bằng; suất ăn trưa không đảm bảo dinh dưỡng, cần cải thiện; test Covid-19 cho 100% công nhân vào thứ hai hàng tuần.

Công nhân Công ty TNHH Em-Tech lúc tan ca. Ảnh: Nguyễn Hải

Công nhân Công ty TNHH Em-Tech lúc tan ca. Ảnh: Nguyễn Hải

Trong khi đó, chiều 16/2, tại huyện Diễn Châu, lãnh đạo Công ty cổ phần Nam Thuận chuyên về may mặc cho hay hơn 400 công nhân của đơn vị vẫn chưa trở lại làm việc. Các công nhân tập trung trật tự trong khuôn viên để kiến nghị tăng tiền xăng xe, tăng phụ cấp nuôi con nhỏ; tăng khẩu phần ăn và một số phụ cấp khác. Sự việc diễn ra từ hôm qua.

Lãnh đạo công ty đang làm việc với đại diện công nhân để giải quyết. “Một số yêu cầu của công nhân sẽ được chấp thuận, song không phải cùng lúc. Việc tăng các khoản phụ cấp phải có lộ trình cụ thể”, đại diện công ty nói.

Công ty cổ phần Nam Thuận chuyên về may mặc, hoạt động từ năm 2019, quy một khoảng 1.600 người.

Tại Hà Tĩnh, sáng nay, lãnh đạo Công ty Haivina đóng ở cụm công nghiệp Nam Hồng, phường Đậu Liêu (thị xã Hồng Lĩnh) cùng chính quyền địa phương đã có cuộc trao đổi với công nhân trong các phân xưởng, giải thích quyết định của Tổng giám đốc về hướng giải quyết thắc mắc của người lao động.

“Các quyết định được ban lãnh đạo công ty được thông báo lúc 11h. Một số vấn đề công nhân đặt ra được giải quyết ổn thỏa, song vài khía cạnh chúng tôi vẫn chưa hài lòng”, một nữ công nhân nói. Chị này làm việc tại Haivina gần một năm, lương cơ bản 3,4 triệu đồng; nếu làm tăng ca một tiếng mỗi ngày sẽ nhận được tổng lương 4,3 triệu đồng. “Mức thu nhập này khó đủ chi tiêu trong gia đình nên tôi cùng một số người ngừng việc đòi quyền lợi”, chị cho hay.

Trụ sở Công ty Haivina Hồng Lĩnh, lúc 14h ngày 16/2. Ảnh: Đức Hùng

Trụ sở Công ty Haivina Hồng Lĩnh, lúc 14h ngày 16/2. Ảnh: Đức Hùng

Các công nhân Haivina nêu 20 kiến nghị. Tổng giám đốc công ty là ông Bae In Seon ký văn bản trả lời đồng ý tăng 5% tiền lương cơ bản đối với những người làm việc trên 3 năm, giữ nguyên phụ cấp; hỗ trợ duy trì thêm một tháng bảo hiểm y tế đối với trường hợp nghỉ không lương, nghỉ ốm không đủ điều kiện tham gia Bảo hiểm xã hội.

Công ty cũng sẽ điều chỉnh thái độ làm việc của quản lý, ai vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật. Với tiền hỗ trợ dừng việc vì giãn cách phòng chống Covid-19 chưa chi trả, doanh nghiệp đã trình hồ sơ lên tỉnh, khi tiền về sẽ giải ngân.

Một số kiến nghị của công nhân không được chấp thuận như: Đề nghị có thưởng Tết đối với những người vào từ tháng 12; trả thêm tiền thưởng ngày lễ (ngoài ngày Tết); không đồng ý cho công nhân lựa chọn phép năm.

Về kiến nghị công nhân phụ được tính tiền vắt sữa, ban lãnh đạo cho rằng công nhân phụ đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi sẽ được nghỉ 60 phút trong thời gian làm việc mỗi ngày, nhưng không được giảm bớt một giờ làm việc hàng ngày (do không thuộc nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm). Những công nhân phụ đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng đã ra về lúc 15h30 hàng ngày là nghỉ đúng 60 phút để vắt sữa, do đó không được hưởng khoản này nữa, chính sách đang áp dụng là đúng quy định của Luật lao động.

Đại diện công ty (cầm loa) trao đổi với công nhân, sáng 16/2. Ảnh: Hùng Lê

Đại diện công ty (cầm loa) trao đổi với công nhân, sáng 16/2. Ảnh: Hùng Lê

Với kiến nghị “đăng tin tuyển dụng thu nhập của công nhân may từ 5,5 triệu đồng một tháng trở lên nhưng thực tế không như vậy”, theo giải thích của công ty mức thu nhập này hoàn toàn có thể nhận được nếu lao động làm đủ số ngày làm việc trong tháng và tăng ca 1,5h/ngày.

Ông Tôn Quang Ngọc, Phó chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh, cho hay quan điểm của chính quyền là ủng hộ các bên làm theo đúng quy định của pháp luật. “Đa số công nhân đều đồng thuận trước các quyết định, những ai chưa hài lòng thì chúng tôi sẽ tìm hiểu thêm để đưa ra phương án hợp lý”, ông Ngọc nói.

Công nhân của Haivina Hồng Lĩnh được cho tạm nghỉ việc ra về, chiều 15/2. Ảnh:Đức Hùng

Công nhân của Haivina Hồng Lĩnh được cho tạm nghỉ việc ra về, chiều 15/2. Ảnh:Đức Hùng

Chiều 15/2, khoảng 500 công nhân Công ty Haivina tập trung phía trong khuôn viên đề nghị tăng lương, trả tiền hỗ trợ Covid-19 và đảm bảo một số chế độ phụ cấp. Sau khoảng 30 phút, doanh nghiệp đã cho những lao động trên tạm nghỉ việc ra về, tại một số bộ phận khác hoạt động sản xuất diễn ra bình thường.

Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh chuyên sản xuất, kinh doanh sản phẩm gang tay thể thao, gang tay công nghiệp, trang phục thể thao… Doanh nghiệp thành lập tháng 10/2018, 100% vốn Hàn Quốc, quy mô gần 2.300 công nhân, 4 nhà xưởng gần 10 ha. Tổng thu nhập bình quân của công nhân hơn 5 triệu đồng một tháng, theo báo cáo của Liên đoàn Lao động thị xã Hồng Lĩnh.

Nguyễn Hải – Đức Hùng