Công nhân Công ty TNHH Nobland Việt Nam ngừng việc phản đối cách tính lương mới
Sáng ngày 24-12, Xưởng F2 Công ty TNHH Nobland Việt Nam có khoảng 1.000 công nhân vào xưởng nhưng không làm việc. Đây là công ty chuyên về may mặc, có tổng số 2.500 lao động, đóng tại KCN Tân Thới Hiệp, quận 12, TP HCM. Số công nhân ngồi tại xưởng nhưng không làm việc khoảng 750 công nhân và có 250 công nhân xuống sân công ty ngừng việc.
Công nhân Công ty TNHH Nobland Việt Nam ngừng việc phản đối chính sách tính lương mới của công ty
Nguyên nhân ngừng việc do công ty thay đổi hình thức trả lương, từ trả lương theo thời gian qua trả lương theo sản phẩm và yêu cầu công nhân ký vào bản thỏa thuận chấp nhận nhận lương sản phẩm.
Theo phản ảnh của công nhân, công ty gọi lên văn phòng từng nhóm 5 người và yêu cầu ký vào biên bản thỏa thuận. Nếu công nhân nào không đồng ý sẽ bị yêu cầu ngồi lại trong phòng đến 18 giờ mới cho về.
Do vậy, công nhân bức xúc và mong muốn công ty ra thông báo cụ thể trong trường hợp công nhân không đồng ý hình thức trả lương theo sản phẩm, công ty phải đưa ra phương án giải quyết cụ thể. Vì công ty chưa đưa ra phương án và chưa ra thông báo chính thức bằng văn bản nên công nhân ngừng việc.
Công nhân yêu cầu công ty phải đưa ra phương án và thông báo chính thức cho công nhân biết về cách giải quyết
Tổ công tác gồm Phòng Quản lý Lao động các KCX-KCN TP HCM (Hepza), Công đoàn các KCX-KCN TP, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội quận 12, An ninh quận 12 đã trao đổi với đại diện doanh nghiệp, Công đoàn cơ sở.
Tổ công tác yêu cầu công ty xem lại quy trình lấy ý kiến người lao động khi thay đổi hình thức trả lương và công ty nên xác định rõ ràng trong việc lấy ý kiến người lao động hay biên bản thỏa thuận về hình thức trả lương. Nếu xác định lấy ý kiến người lao động về hình thức trả lương, đề nghị công ty hủy bỏ biên bản thỏa thuận đang thực hiện đối với người lao động.
Trong trường hợp sử dụng biên bản thỏa thuận về thay đổi hình thức trả lương, đề nghị công ty ra thông báo cụ thể về phương án xử lý khi hai bên không đạt được nội dung thỏa thuận.
Đến 16 giờ cùng ngày, công nhân ra về theo ca làm việc của công ty (ca làm việc từ 7g00 đến 16g00).
Công nhân cho biết cách tính lương mới sẽ thiệt thòi cho họ
Các công nhân cho biết công ty thay đổi hình thức trả lương sẽ thiệt thòi cho họ. Nhiều người làm việc hơn 10 năm với thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng, nếu chuyển đổi hình thức trả lương sản phẩm thì chỉ còn khoảng 4,9 triệu đồng/tháng.
“Dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến đời sống công nhân. Với cách lương mới, công nhân thiệt thòi. Đặc biệt, cách tính lương mới ảnh hưởng đến mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp”- một nữ công nhân phản ánh.