Bất cập cung – cầu lao động
TP HCM có thị trường lao động lớn nhất nước với hơn 5 triệu người trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thị trường lao động của thành phố vận hành chưa thật sự hiệu quả. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy trong quý II/2023, TP HCM có tỉ lệ lao động mất việc đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau tỉnh Bình Dương. Thị trường lao động, việc làm của TP HCM phát triển không mang tính bền vững, công việc của người lao động (NLĐ) không ổn định, điều kiện làm việc không bảo đảm và thu nhập thấp.
Dạt về tỉnh tìm cơ hội
Một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng thiếu việc làm, tỉ lệ thất nghiệp cao chính là việc điều phối nhu cầu và nguồn cung lao động chưa hiệu quả. Tại hội thảo khoa học “Chiến lược lao động và việc làm trên địa bàn TP HCM giai đoạn 2023-2025 và tầm nhìn đến năm 2030” do Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM (HIDS) tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia đã chỉ ra nghịch lý: Trong khi NLĐ không tìm được việc làm, thì nhiều doanh nghiệp (DN) tuyển không ra lao động.
Theo TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng HIDS, thị trường lao động – việc làm tại TP HCM đang có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến chiến lược phát triển chung của thành phố. Thực trạng này đòi hỏi TP HCM cần có chính sách mang tính đột phá để phát huy hết lợi thế của hệ thống kết nối cung cầu lao động, đặc biệt là hoạt động tuyển dụng trực tuyến. Điều cần cải thiện sớm nhất chính là đưa thông tin nhiều hơn, kịp thời hơn đến NLĐ và DN, làm sao để cả 2 nhanh chóng gặp nhau khi có nhu cầu.
Người lao động điền thông tin cá nhân để phỏng vấn tìm việc làm tại một doanh nghiệp ở Bình Dương Ảnh: GIANG NAM
Minh chứng cho việc kết nối cung – cầu lao động tại TP HCM chưa hiệu quả là xu hướng NLĐ dạt ra vùng ven thành phố để tìm kiếm cơ hội việc làm. Bình Dương, Long An và Tây Ninh là những điểm đến của NLĐ mất việc trong thời gian qua. Phiên giao dịch việc làm trong ngày 18-9 vừa qua do Trung tâm Dịch vụ việc làm – Giáo dục nghề nghiệp tỉnh Tây Ninh tổ chức, anh em ruột Đậu Ngọc Thành và Đậu Ngọc Đạt (quê Gia Lai) đã được một DN tại Trảng Bàng tuyển dụng. Anh Thành cho biết cả hai đều làm cho một công ty ở huyện Nhà Bè (TP HCM) và mất việc mấy tháng nay. “Khi thấy thông tin Tây Ninh tổ chức phiên giao dịch việc làm trên Facebook, hai anh em đã quyết định đến tham dự và may mắn có việc làm” – anh Thành vui mừng.
Nhóm 8 nữ công nhân (CN) may (quê Cà Mau) cũng vừa chuyển xuống Long An tìm việc sau hơn 2 tháng thất nghiệp. Chị Hà Thị Bích Liên, đại diện nhóm, cho biết họ mất việc từ tháng 7 sau hơn chục năm bám trụ tại Bình Tân (TP HCM) nhưng không ai tìm được việc. Gần đây, nghe bạn bè thông tin các DN ở Long An có nhu cầu tuyển dụng nhiều nên cả nhóm quyết định về đây tìm cơ hội. “Chúng tôi có tay nghề và kinh nghiệm nên nhanh chóng được tuyển. Lương ở đây cũng tương đương TP HCM nhưng chi phí trọ và sinh hoạt thấp hơn” – chị Liên cho biết.
Nhiều nơi tăng tuyển dụng
“Cả nhà ơi, Bowker Việt Nam đã tuyển dụng trở lại rồi nè! Lần này là số lượng lớn để đáp ứng cho lượng đơn hàng cao luôn đó nha”. Đó là thông báo tuyển dụng trên Fanpage chính thức của Công ty TNHH May mặc Bowker Việt Nam (KCN Đồng An, tỉnh Bình Dương). Công ty này đang tuyển 500 CN, 7 trưởng chuyền và 10 nhân viên kho. Công ty này được đánh giá có mức lương khá, chế độ phúc lợi tốt. Tuy nhiên, sau 2 tuần đăng tuyển trên nhiều hình thức, đến nay, công ty vẫn chưa tuyển đủ số lượng.
Cũng tại Bình Dương, Công ty TNHH Vision International (KCN Việt Nam – Singapore, TP Thuận An) cũng đang ráo riết tuyển 1.000 lao động phổ thông. Công ty sẽ tổ chức đào tạo tay nghề miễn phí, lương khởi điểm khoảng 8 triệu đồng/tháng. Theo dự báo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, nhu cầu tuyển dụng toàn tỉnh từ nay đến cuối năm vào khoảng 20.000 lao động. Trong đó, lao động có tay nghề và lao động phổ thông khoảng 15.000 người, còn lại là lao động có chuyên môn cao.
Tại TP HCM, nhiều DN sản xuất cũng bắt đầu tăng tuyển dụng. Công ty CP Thực phẩm Cholimex (KCN Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh) vừa thông báo tuyển 150 lao động cho nhu cầu sản xuất kinh doanh cuối năm và thay thế nhân sự biến động tại nhà máy ở TP HCM. Công ty này cũng cần tuyển 350 lao động để chuẩn bị cho nhà máy tại Long An sắp vận hành.
“Ngoài thu nhập khởi điểm từ 6 đến 11 triệu đồng/tháng, CN còn được hưởng nhiều khoản phụ cấp và ưu đãi khác. Tiêu chí tuyển dụng cũng không quá gắt song đến nay chúng tôi vẫn chưa tuyển đủ người” – bà Lê Thị Kim Liên, phụ trách tuyển dụng Công ty CP Thực phẩm Cholimex, cho hay.
Trong khi đó, tại phía Bắc, nhiều DN đang tuyển hàng ngàn đến hàng chục ngàn lao động. Công ty TNHH Green Precision Components Việt Nam (Bắc Ninh) dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ tuyển thêm ít nhất 500 – 1.000 lao động. Công ty TNHH Biel Crystal Việt Nam (Bắc Ninh) cần khoảng 3.500 lao động phổ thông và hơn 100 công nhân có chuyên môn kỹ thuật.
Công ty TNHH Luxshare – ICT (Bắc Giang) cho biết những tháng qua và trong thời gian tới, công ty này tăng tuyển trên 30.000 lao động, bên cạnh trên 65.000 lao động đang sản xuất. Bà Đinh Thị Trang, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty TNHH Biel Crystal Việt Nam, cho biết từ tháng 6 đến nay, việc tuyển dụng khó khăn do các công ty điện tử khác đều có đơn hàng, bắt đầu sản xuất cao điểm. Do vậy, công ty thiếu nhiều lao động phổ thông cũng như lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật để sản xuất kính màn hình.