Núp bóng tuyển dụng xuất khẩu lao động “chui”
Dù không có giấy phép hoạt động dịch vụ XKLĐ do Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cấp, giấy phép hoạt động giáo dục đào tạo nghề nghiệp cũng như các giấy tờ liên quan… nhưng Công ty BPS vẫn tuyển dụng, đăng quảng cáo rầm rộ trên các trang mạng xã hội, website và các hoạt động giao dịch việc làm tại Quảng Nam, Đà Nẵng và các tỉnh, thành khác.
Trao đổi với phóng viên, ông T. – người có kinh nghiệm trong giới tuyển dụng XKLĐ – cho hay chỉ những công ty được cấp phép mới có thể đưa người đi XKLĐ. Đà Nẵng hiện có rất nhiều công ty chưa xin được giấy phép nhưng đã rầm rộ tuyển dụng. Đối với trường hợp như Công ty BPS, có thể đây là đầu mối trung gian tuyển dụng để ăn tiền chênh lệch.
“Người lao động (NLĐ) cần cảnh giác trước những công ty không có khả năng nhưng lại quảng cáo tuyển dụng. Nộp đơn vào đây, NLĐ có thể chịu mức phí cao hơn hoặc trong quá trình đào tạo công ty sẽ gây khó dễ khiến NLĐ nản lòng mà bỏ tiền cọc” – ông T. cho biết.
Lợi dụng được thuê mặt bằng của Trường Cao đẳng Thương mại, Công ty BPS đã quảng cáo “liên kết đào tạo” nhằm tăng thêm uy tín tuyển dụng
Vào cuộc xác minh, ngày 27-9, trong vai người có nhu cầu kiếm việc làm tại Nhật Bản, phóng viên đến văn phòng của Công ty BPS nằm ở tầng 2 Trường Cao đẳng Thương mại. Từ ngoài bước vào, công ty cho treo nhiều pa-nô, tờ rơi quảng cáo khả năng XKLĐ sang Nhật, Đức, thậm chí cả du học Úc, Canada.
Tại đây, phóng viên được một nam nhân viên tên Bình giới thiệu công việc chế biến cơm hộp, bánh mì tại tỉnh Saitama (Nhật Bản) với mức lương thực nhận từ 120.000-185.000 yen/tháng. Ngoài ra, người này còn giới thiệu công việc đầu bếp, điều dưỡng, điều hành cửa hàng… tại Đức với mức lương hấp dẫn, lên đến 3.100 euro/tháng. Để đi Nhật, Công ty BPS lấy phí trọn gói hơn 100 triệu đồng.
Trong khi đó, đi làm việc tại Đức, ứng viên phải chi trả hơn 208 triệu đồng. “Từ tháng 6 đến nay, công ty đã đưa hơn 2.000 lao động đi XKLĐ. Công ty anh rất uy tín, liên kết đào tạo với Trường Cao đẳng Thương mại của Bộ Công Thương là em hiểu rồi. Chưa biết tiếng thì bọn anh sẽ đào tạo luôn, từ 5 đến 8 tháng là đi nước ngoài được” – người này “nổ”, đồng thời xin kết bạn Zalo để gửi hình ảnh của các khóa vừa XKLĐ nhằm tạo niềm tin.
Tuy nhiên, ông Hoàng Trung Dũng, Trưởng Phòng Quản trị cơ sở vật chất Trường Cao đẳng Thương mại, cho hay giữa trường và Công ty BPS chưa từng liên kết hay hợp tác đào tạo. Trường chỉ cho công ty thuê mặt bằng là 2 phòng học với giá 3 triệu đồng/phòng/tháng. Ngày 29-9, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện pháp luật Công ty BPS thừa nhận công ty chỉ là đơn vị trung gian tuyển dụng cho các công ty XKLĐ đủ điều kiện chứ không có chức năng XKLĐ. Về thông tin “đã đưa 2.000 lao động đi XKLĐ”, người này khẳng định nhân viên tên Bình chưa đủ bằng cấp để hoạt động tư vấn XKLĐ và đã “thổi phồng” trong quá trình tư vấn.