Hướng nghiệp cho người đi làm
Hiện không ít người lao động (NLĐ) dù đã đi làm nhiều năm nhưng vẫn loay hoay xác định hướng đi cho mình. Để phân tích về vấn đề này, phóng viên Báo Người Lao Động đã trao đổi với bà Hồ Phụng Hoàng (Phoenix Ho) – đồng sáng lập, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Doanh nghiệp Xã hội Hướng nghiệp Sông An (quận 10, TP HCM).
. Phóng viên: Đâu là vấn đề người đi làm thường gặp phải, vì sao dẫn tới tình trạng này?
– Bà HỒ PHỤNG HOÀNG: Chúng tôi vừa thực hiện khảo sát với người đi làm dưới 30 tuổi. Qua đó cho thấy 3 vấn đề nổi cộm nhất NLĐ đang gặp phải là: mất hứng thú đối với công việc hiện tại và muốn đi tìm động lực nghề nghiệp; gặp trục trặc trong mối quan hệ công sở, gây cản trở quá trình phát triển cá nhân; mặc cảm tự ti khi so sánh thấy sự nghiệp thua kém bạn đồng trang lứa.
Tình trạng này càng bộc lộ rõ hơn trong giai đoạn vừa qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và nguy cơ suy thoái kinh tế. Về cơ bản, lĩnh vực phát triển sự nghiệp ở Việt Nam vẫn còn khá non trẻ. Mãi đến chương trình giáo dục phổ thông 2018, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp mới trở thành hoạt động giáo dục bắt buộc.
Trước đó chỉ có những hiệu trưởng tâm đắc hoặc những trường được phụ huynh yêu cầu, đề xuất thì mới có nội dung này. Thêm nữa, dù chương trình mới đã triển khai, song hiệu quả và chất lượng chưa có số liệu đánh giá cụ thể.
Thấu hiểu bản thân, tìm kiếm giải pháp nhờ các hoạt động hướng nghiệp. Ảnh: MÂY TRINH
. Thực tế, nhiều người chưa thật sự đề cao vai trò của hướng nghiệp. Bà đánh giá vấn đề này như thế nào?
– Không ít người xem nhẹ hướng nghiệp, có người biết hướng nghiệp là quan trọng nhưng không dễ hành động và thay đổi. Khi gặp khó khăn về phát triển sự nghiệp, thay vì tìm câu trả lời, đa số lại bình thường hóa vấn đề. Họ cho rằng không chỉ bản thân mà nhiều người xung quanh cũng vậy, nên dù mất hứng thú với việc đang làm, khó hòa hợp với sếp và đồng nghiệp, thậm chí sợ tới công ty nhưng vẫn bám trụ. Cùng lắm, họ chỉ than thở với bạn bè, sau đó tiếp tục trở lại guồng quay công việc.
Đơn cử như khi bị đau đầu, họ chỉ uống thuốc giảm đau và phớt lờ nó. Tuy nhiên, cơn đau lặp lại liên tục trong thời gian dài có thể là dấu hiệu nghiêm trọng cho sức khỏe. Tương tự, cảm giác không vui thường xuyên tại nơi làm việc có khả năng tiềm ẩn những bất ổn về sức khỏe nghề nghiệp. Khi bản thân không tìm thấy hạnh phúc thì khó nỗ lực hết mình cho tổ chức. Điều này về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới hiệu suất làm việc của tập thể và kéo theo nhiều hệ lụy khác.
. Nếu phát hiện sức khỏe nghề nghiệp có vấn đề, NLĐ cần bắt đầu từ đâu?
– NLĐ cần bắt đầu từ việc thay đổi thái độ đối với hướng nghiệp, dành thời gian cho bản thân để nhìn nhận, suy nghĩ nghiêm túc thực tế đang đối mặt. Thị trường lao động luôn biến đổi, do đó đánh mất đam mê công việc theo đuổi nhiều năm không phải là điều đáng xấu hổ.
Khi ở ngã ba đường sự nghiệp, loay hoay giữa lựa chọn đi hay ở, NLĐ cần chuẩn bị kỹ lưỡng nguồn lực bên trong và bên ngoài trước khi bắt đầu con đường mới. Nguồn lực bên trong được hiểu là năng lực hành nghề, động lực, niềm tin vào chính mình cũng như khả năng thích nghi với sự thay đổi. Nguồn lực bên ngoài gồm dự phòng tài chính, sự ủng hộ, hỗ trợ từ người thân, cơ hội phát triển và mở rộng nghề nghiệp đang cân nhắc.
Lưu ý rằng quá trình chuyển đổi này phải được đánh giá cẩn trọng và có thể mất từ 3 – 4 năm. Ngoài ra, người đi làm cũng cần tự trang bị kiến thức về hướng nghiệp, có thể tham khảo thông tin từ các trắc nghiệm nghề nghiệp; tìm tới các chuyên viên hướng nghiệp, chuyên gia uy tín để gỡ rối, qua đó có sự lựa chọn sáng suốt nhất nếu chuyển việc.