Vì sao chốt đề xuất tăng lương tối thiểu từ 1/7?

Hội đồng tiền lương quốc gia tính toán tăng lương từ ngày 1/7 vì thời điểm này nền kinh tế, sản xuất và kinh doanh bắt đầu phục hồi.

Tại phiên họp lần hai hôm 12/4, Hội đồng tiền lương quốc gia thống nhất, từ ngày 1/7, lương tối thiểu dự kiến tăng 6%, tức thêm 180.000-260.000 đồng so với hiện nay. Nếu được Chính phủ thông qua, lương tối thiểu vùng 1 sẽ là 4,68 triệu đồng; vùng 2 lên 4,16 triệu; vùng 3 đạt 3,64 triệu và vùng 4 là 3,25 triệu đồng.

Hai hôm sau, 8 hiệp hội ngành nghề có số lượng nhân công đông nhất nước cùng kiến nghị Chính phủ lùi thời điểm tăng lương tối thiểu vùng đến ngày 1/1/2023. Lý do các hiệp hội đưa ra, việc tăng lương vào đầu tháng 7, các doanh nghiệp khó xoay xở kịp do thời điểm đã đến quá gần.

Trong khi đó, trả lời báo chí sau phiên họp, ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia, nói điều chỉnh lương tối thiểu vùng từ 1/7 và kéo dài 18 tháng, dù không theo thông lệ 12 tháng như các năm trước nhưng không trái quy định chung.

Khi Covid-19 dần được kiểm soát, việc áp dụng lương tối thiểu mới trong khoảng thời gian một năm rưỡi được Hội đồng tiền lương quốc gia tính toán nhằm tạo sự ổn định cho người lao động và kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Căn cứ để Hội đồng tiền lương quốc gia “chốt” thời điểm ngày 1/7 là dựa vào quy định của Bộ luật lao động, xem xét nhiều yếu tố, đặc biệt phải kịp thời đảm bảo mức sống tối thiểu người lao động.

Cụ thể, theo thông lệ, hơn 10 năm qua, việc điều chỉnh lương tối thiểu luôn thực hiện vào ngày 1/1 hàng năm và chu kỳ mỗi năm một lần. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch, lương tối thiểu đã hai năm tạm hoãn. Theo nhận định của Bộ phận kỹ thuật, mức lương tối thiểu hiện hành được áp dụng từ ngày 1/1/2020 đến nay, sau hơn 2 năm, nếu kéo dài sau 1/7/2022 sẽ gây nhiều khó khăn cho người lao động.

Ngoài lương tối thiểu không đáp ứng được mức sống thấp nhất của lao động từ năm 2022, lý do khác theo Bộ phận kỹ thuật là kinh tế, đời sống, xã hội đã chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, sản xuất, kinh doanh, lao động, việc làm đã bắt đầu trong giai đoạn phục hồi.

Từ những yếu tố này, Bộ phận kỹ thuật đề xuất ba phương án tăng lương tối thiểu vùng và đều lấy mốc từ 1/7 với mức tăng 3,3-6,08%, kèm đánh giá tác động.

Với phương án một, thời gian điều chỉnh 12 tháng, bắt đầu từ 1/7 đến 1/7/2023. Mức tăng 100.000-150.000 đồng, bình quân tăng 3,3%. Phương án này ít tác động đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhưng chỉ đảm bảo được mức sống tối thiểu đến hết tháng 7/2023.

Phương án hai, thời gian điều chỉnh 18 tháng, bắt đầu từ 1/7 đến hết năm 2023. Mức tăng 160.000-240.000 đồng, bình quân tăng 5,3%, đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động và dự kiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng bình quân 0,4–0,5%, trong đó dệt may, da giày tăng 1–1,1%.

Phương án ba cũng có thời gian điều chỉnh từ 1/7 đến hết năm 2023. Mức tăng 190.000-260.000 đồng, bình quân tăng 6,08%, đảm bảo mức sống tối thiểu đến hết năm 2023 (tăng 5,3%) và cải thiện tiền lương thêm 0,78%. Với phương án này, dự kiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng bình quân khoảng 0,5-0,6%, riêng dệt may, da giày tăng 1,1–1,2%.

Công nhân nhà máy Công ty 3/2 ở Bình Dương. Ảnh: Đình Trọng

Công nhân nhà máy Công ty 3/2 ở Bình Dương. Ảnh: Đình Trọng

Trong khi đó, tại phiên họp này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đồng tình tăng lương trong khoảng 3-5%, song mong muốn thời điểm thực hiện vào đầu năm 2023. Còn Tổng liên đoàn Lao động đề nghị tăng từ 1/7 với mức 7-8,16%. Trong đó vùng 1 (TP HCM, Hà Nội…) tăng 330.000 đồng, mức lương tối thiểu mới đạt 4,75 triệu đồng.

Sau nhiều cuộc thảo luận, Hội đồng tiền lương quốc gia đã bỏ phiếu thống nhất về mức đề xuất cũng như thời điểm áp dụng tăng lương. Phần lớn thành viên đều đồng ý mức tăng 6% so với lương tối thiểu hiện hành.

Về thời điểm đề xuất tăng, 15/17 thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia đồng thuận tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7, áp dụng đến hết năm 2023, 2/17 thành viên chọn phương án tăng lương từ 1/1/2023. Nguyên tắc quyết định theo đa số, Hội đồng tiền lương quốc gia đã thống nhất đề xuất thời điểm tăng từ 1/7, áp dụng tới 31/12/2023.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động, Phó chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia, nói rằng mức tăng 6% không được như kỳ vọng nhưng công đoàn đồng thuận để chia sẻ khó khăn với giới chủ. Tuy nhiên thời điểm tăng buộc phải từ 1/7, “không thể lùi được nữa” vì đã tạm hoãn từ rất lâu.

Lãnh đạo Tổng liên đoàn cho rằng phải nhìn nhận thực tế mức lương của người làm công ăn lương đang rất thấp. Theo công bố của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân mỗi tháng năm 2020 chỉ 6,645 triệu đồng, giảm gần 100.000 đồng so với năm 2019. Năm 2021, thu nhập bình quân tháng khoảng 6,6 triệu đồng/tháng, giảm 45.000 đồng so với năm 2020.

“Nếu trì hoãn tăng lương, người lao động sẽ tiếp tục rời bỏ doanh nghiệp”, ông Hiểu nói và dẫn chứng tỷ lệ thất nghiệp của lao động năm 2021 trong độ tuổi là 3,22% tăng 0,54%, nhưng doanh nghiệp vẫn thiếu, khó tuyển lao động. Việc sớm tăng lương nhằm giữ chân lao động ở lại nhà máy.

Theo Bộ luật Lao động, Hội đồng tiền lương quốc gia được thành lập từ năm 2013, là cơ quan tư vấn cho Chính phủ về mức lương tối thiểu và chính sách tiền lương cho người lao động. Từ đó đến nay, Chính phủ đã 7 lần điều chỉnh lương tối thiểu vùng dựa trên khuyến nghị của cơ quan này, trong đó gần nhất là Nghị định 90, thực hiện từ ngày 1/1/2020 với mức tăng 150.000-240.000 đồng/tháng.

Lê Tuyết