Vì sao 2.000 chỉ tiêu tuyển sinh có thể gây ra cuộc khủng hoảng ngành y rúng động cả Hàn Quốc: Khi lợi ích khiến gần 10.000 bác sĩ để bệnh nhân trở thành “con tin”
Khoảng 70% bác sĩ nội trú và thực tập sinh ngành y Hàn Quốc – tương đương khoảng 9.000 người, đã đình công kể từ ngày 20/2, dẫn đến gián đoạn một số dịch vụ y tế và cấp cứu .
Cuộc đình công khởi xướng bởi Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc (KMA) nhằm phản đối quyết định của chính phủ về việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào trường y hàng năm – từ 3.058 lên 5.058 sinh viên, bắt đầu từ năm 2025.
Trong khi các bác sĩ phản đối kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành y mà họ cho rằng không cần thiết, thì chính phủ kiên quyết không nhượng bộ và đưa ra “tối hậu thư” để yêu cầu các bác sĩ quay trở lại làm việc. Chính phủ đã ra hạn cho các bác sĩ đình công quay trở lại làm việc trước thứ Năm tuần trước (29/2), nếu không sẽ bị đình chỉ giấy phép hành nghề và truy tố. Tuy vậy, cho đến nay, cảnh báo vẫn chưa có tác dụng nhiều trong việc đưa họ trở lại làm việc.
Hiện lập trường hai bên đều đang rất gay gắt và chưa có sự thương lượng nào để giải quyết vấn đề.
Bước đi cấp thiết bị phản đối kịch liệt
Theo một số liệu thống kê, Hàn Quốc hiện có 2,1 bác sĩ trên 1.000 dân – thấp hơn nhiều so với mức trung bình là 3,7 ở các nước khối OECD. Vì lẽ đó, chính phủ Hàn Quốc điều chỉnh quy mô tuyển sinh cho ngành y hơn 2.000 người nhằm bù đắp số lượng sinh viên ngành y đã giảm xuống còn 7.000 người. Đây sẽ là lần đầu tiên nước này tăng chỉ tiêu sinh viên y khoa kể từ năm 2006 – một động thái mà chính phủ cho là rất quan trọng đối với một xã hội đang già đi nhanh chóng.
Hàn Quốc có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Tỷ lệ này còn giảm hơn nữa trong năm 2023 xuống còn 0,72 ca sinh trên mỗi phụ nữ, theo số liệu thống kê của chính phủ công bố ngày 28/2. Đây là tỷ lệ thấp hơn nhiều so với mức cần thiết là 2,1 để duy trì dân số.
Nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này được dự báo sẽ trở thành một “xã hội siêu già” vào năm 2025, nghĩa là những người từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm hơn 20% dân số. Tỷ lệ đó dự kiến sẽ tăng lên 25,5% vào năm 2030 và 46,4% vào năm 2070.
Một nghiên cứu gần đây của Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc dự đoán với tốc độ này, quốc gia này sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu tới 27.232 bác sĩ vào năm 2035. Bên cạnh đó, nhân lực y tế cũng đang già đi và nhiều bác sĩ dự kiến sẽ nghỉ hưu.
Đó là lý do khiến Chính phủ Hàn Quốc muốn tăng số lượng tuyển sinh ngành y.
Đình công vì lợi ích
Thế nhưng, quyết định của Chính phủ Hàn Quốc lại vấp phải phản đối dữ dội từ các bác sĩ và thực tập sinh. Họ cho rằng việc tăng 2.000 chỉ tiêu tuyển sinh vào trường y là không cần thiết do dân số đang giảm và Hàn Quốc vốn đã dễ dàng tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế. Tỷ lệ chăm sóc ngoại trú cho mỗi người ở nước này là 14,7 lần/năm, cao hơn mức trung bình của OECD là 5,9, theo thống kê năm 2020.
Những người biểu tình lo ngại các sinh viên y khoa được tuyển thêm có thể sẽ chọn theo học các ngành phổ biến và được trả lương cao hơn như phẫu thuật thẩm mỹ và da liễu. Điều đó có nghĩa là tình trạng thiếu bác sĩ kéo dài của đất nước trong các khoa thiết yếu nhưng lại có mức lương thấp hơn như khoa nhi, khoa sản và cấp cứu sẽ không thay đổi.
Những người phản đối cho rằng chính phủ trước tiên nên giải quyết vấn đề tiền lương và điều kiện làm việc trong môi trường y khoa trước khi tăng số lượng bác sĩ.
Các bác sĩ nội trú cho biết họ bị trả lương thấp, làm việc quá sức và không được lắng nghe . Nhiều người phải làm việc hơn 80 giờ mỗi tuần, vượt quá giới hạn là 52 giờ một tuần.
Người dân Hàn Quốc gay gắt vì “bị bắt làm con tin”
Cuộc biểu tình của các bác sĩ hiện nay không nhận được sự ủng hộ của công chúng. Một cuộc thăm dò của Gallup Korea gần đây cho thấy 76% số người được hỏi ủng hộ kế hoạch mở rộng chỉ tiêu trường y của chính phủ.
Các cuộc đình công đã khiến nhiều bệnh viện phải hủy bỏ nhiều ca phẫu thuật đã lên lịch và các phương pháp điều trị y tế khác. Đỉnh điểm, một cụ bà 80 tuổi bị ngừng tim được cho là đã chết sau khi 7 bệnh viện từ chối nhận chữa trị với lý do thiếu nhân viên y tế hoặc các lý do khác liên quan đến cuộc đình công.
Ông Kim, 61 tuổi và đứng đầu Hội đồng Quyền của Bệnh nhân Ung thư Hàn Quốc, nói với Washington Post rằng: “Hôm nọ, tôi nhận được cuộc gọi từ một bệnh nhân ung thư đang hấp hối. Người đó nói với tôi rằng cuộc hẹn điều trị của mình sẽ bị trì hoãn vô thời hạn. Làm sao họ có thể mong đợi đất nước hoặc những bệnh nhân như tôi ủng hộ cuộc bãi công của họ khi họ để chúng tôi chết?”, ông Kim nói.
Andrew Eungi Kim, giáo sư xã hội học và văn hóa tại Đại học Hàn Quốc ở Seoul, cho biết: “Chúng ta sẽ trở thành một siêu già. Hơn bất kỳ nhóm tuổi nào khác, người cao tuổi cần được chăm sóc y tế nhiều hơn, tức là cần có nhiều bác sĩ hơn”.
Giáo sư Kim cũng cho rằng các bác sĩ đình công có thể xuất phát từ nỗi lo về mức lương và địa vị xã hội của họ sẽ bị giảm so với hiện tại.
Ông nói: “Nếu số lượng bác sĩ tăng gấp đôi trong vòng 10 năm tới, điều đó sẽ làm giảm vị thế của họ như một trong những nghề được kính trọng và được trả lương cao nhất trong nước. Tôi chắc chắn các bác sĩ đang nghĩ về điều đó. Họ muốn tận hưởng địa vị đặc biệt đó.”
Trong số các nước OECD, bác sĩ Hàn Quốc có thể kiếm được mức lương cao nhất so với mức lương trung bình quốc gia. Theo báo cáo năm 2023 của Bộ Y tế Hàn Quốc, thu nhập trung bình của bác sỹ tại nước này là khoảng 255 triệu won (4,7 tỷ VND)/một năm.
Nhà Xanh không khoan nhượng
Trước tình cảnh hiện tại, Chính phủ đã cảnh báo sẽ không khoan nhượng đối với những người không dừng đình công. Theo số liệu do Bộ Y tế công bố, mới chỉ có 565 trong số 9.000 bác sĩ đình công quay trở lại làm việc.
Để đối phó với các cuộc đình công đang diễn ra, chính phủ đã mở bốn phòng tình huống dành riêng cho các dịch vụ y tế khẩn cấp vào thứ Hai. Các phòng này nhằm mục đích cải thiện quá trình giám sát và quản lý việc chuyển tuyến bệnh nhân cấp cứu hoặc cần chăm sóc đặc biệt.
Ngoài ra, chính phủ đã phân bổ khoảng 120 tỷ won (90 triệu USD) vào quỹ được dành để bù đắp cho các bác sĩ vẫn tiếp tục làm việc trong bệnh viện, tuyển dụng các chuyên gia y tế thay thế và kéo dài thời gian hoạt động của các bệnh viện công.
Cụ thể, chính phủ yêu cầu phòng cấp cứu tại 409 cơ sở cấp cứu trên toàn quốc vận hành 24/24 giờ, đảm bảo không để xảy ra trở ngại nào đến tình trạng khám chữa bệnh. Các cơ sở y tế công sẽ vận hành hệ thống khám điều trị khẩn cấp. Ngoài ra, 97 bệnh viện công sẽ kéo dài thời gian thăm khám trong ngày thường, cũng như triển khai khám chữa bệnh vào cuối tuần và ngày nghỉ lễ. 12 bệnh viện quân y cũng sẽ mở cửa để khám và điều trị cho người dân thường, phòng cấp cứu và mở rộng thăm khám cho bệnh nhân ngoại trú trong trường hợp cần thiết.
Chính phủ có kế hoạch sẽ cho phép việc khám chữa bệnh từ xa trong thời gian đội ngũ bác sĩ nội trú nghỉ việc tập thể, để các bệnh nhân mắc bệnh mãn tính và bệnh nhân nhẹ không gặp khó khăn trong việc tiếp cận với cơ quan y tế.
Trong khi đó, Chính phủ Hàn Quốc cũng đang tiến hành các bước đi để rút giấy phép hàng nghìn bác sĩ và thực tập sinh không chịu trở lại làm việc sau hạn chót mà nhà chức trách đưa ra. Khoảng 7.000 bác sĩ, thực tập sinh ngành y được cho sẽ bị tước giấy phép mãi mãi.
Nguồn: Tổng hợp
Theo Nhịp sống thị trường
Copy link
Lấy link!
https://markettimes.vn/vi-sao-2-000-chi-tieu-tuyen-sinh-co-the-gay-ra-cuoc-khung-hoang-nganh-y-rung-dong-ca-han-quoc-khi-loi-ich-khien-gan-10-000-bac-si-de-benh-nhan-tro-thanh-con-tin-52121.html