Tuyển dụng ngày càng khắt khe

Trái ngược với sự sụt giảm chung của thị trường lao động, một số ngành như bán lẻ, du lịch, thương mại điện tử, công nghệ thông tin (IT)… vẫn có nhu cầu tuyển dụng tăng. Trong đó, doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh tuyển dụng các vị trí kinh doanh, bán hàng, IT, marketing (tiếp thị), truyền thông, quảng cáo.

Việc tìm người

Năm 2023 được dự báo là năm phục hồi của ngành bán lẻ sau dịch COVID-19. Sức mua tăng, dẫn đến nhu cầu cao về mặt nhân lực.

Ông Trần Quốc Thịnh, Giám đốc nhân sự Công ty CP GROUPE SEB Việt Nam (cung cấp đồ gia dụng, văn phòng tại quận 10, TP HCM), cho biết công ty đang tìm kiếm ứng viên làm việc với các vị trí: nhân viên bán hàng, trưởng cửa hàng, quản lý cửa hàng. Tuy nhiên, dù số lượng ứng viên dồi dào nhưng DN vẫn mất nhiều thời gian mới tìm được người phù hợp.

“Trong quá trình trao đổi, không ít ứng viên còn mơ hồ với nghề nghiệp mình muốn làm. Thậm chí khi đến phỏng vấn, chúng tôi nhận thấy họ có những tố chất phù hợp với vị trí khác nên đã định hướng, tư vấn thay đổi lựa chọn công việc khác” – ông Thịnh nhận xét.

Ông Nguyễn Hoàng Thanh Chương, Giám đốc Tuyển dụng toàn quốc Adecco Việt Nam, cho rằng sau dịch COVID-19, ý thức về sức khỏe và nhu cầu thăm khám của người dân tăng lên, nhờ thế nhu cầu nhân lực ngành dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng được đẩy cao. Năm 2023 cũng chứng kiến sự tăng nhẹ về nhu cầu nhân sự trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

“Thực tế này xuất phát từ sự phổ biến của xu hướng việc làm “xanh” trên thế giới và khu vực. Trong khi Chính phủ hiện có nhiều chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, hướng tới phát triển bền vững” – ông Chương lý giải.

Ghi nhận tại TP HCM cho thấy để phát triển thị trường, nhiều DN cũng tích cực mở rộng kênh tuyển dụng để thu hút nhân tài. Không chỉ đẩy mạnh quảng bá trên các nền tảng việc làm trực tuyến, nhiều DN còn hiện diện tại nhiều ngày hội tuyển dụng để tìm người. Các vị trí cần tuyển là nhân viên hành chính, chuyên viên quản lý chất lượng, chuyên viên pháp lý, trưởng phòng phát triển kinh doanh, lập trình viên…

Để chuẩn bị cho mùa cao điểm du lịch, nhiều DN thuộc ngành này đang đẩy mạnh tuyển người. Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc điều hành khách sạn Silverland (quận 1, TP HCM), cho hay công ty đang có nhu cầu tuyển mới 500 người, nhằm bù đắp lượng nhân sự thiếu hụt.

Tuyển dụng vẫn sốt nóng, chọn kỹ hơn - Ảnh 1.

Đại diện một doanh nghiệp công nghệ thông tin (bên trái) đến cơ sở đào tạo tìm ứng viên phù hợp

Chỗ nâng tiêu chí, nơi mở rộng đối tượng

Tuy nhiên, theo ông Mẫn, trước đây, 80% nhân sự du lịch là lao động lành nghề thì nay số lượng chỉ chiếm 20%, 80% còn lại là sinh viên mới ra trường. Do đó, việc tìm kiếm những ứng viên tay nghề cao, có thể làm việc ngay không hề dễ dàng.

Bà Nguyễn Hà Vân Anh, quản lý bộ phận nhân sự tại một công ty chuyên nhập khẩu bơ sữa (quận 1, TP HCM), thừa nhận dù nhu cầu tuyển dụng tăng gần 10% so với năm 2022 nhưng chủ trương của DN giai đoạn này phải kỹ khi tuyển dụng bằng cách nâng cao các tiêu chuẩn với ứng viên. “Thời điểm hiện tại, công ty không đủ nguồn lực để đào tạo, hướng dẫn người mới. Vì thế, chúng tôi sẽ tập trung chọn lọc nhân sự lành nghề, đã có kỹ năng cần thiết trong công việc” – bà Vân Anh nói.

Nhằm mở rộng khả năng tuyển được nhân sự phù hợp, nhiều DN cho biết luôn tạo cơ hội cho các nhân sự làm trái ngành. “Hằng năm chúng tôi đều tham gia khảo sát lương của các tổ chức lớn, từ đó có được cái nhìn tổng quát về mức lương của nhiều vị trí, lĩnh vực trên thị trường. Việc đàm phán lương luôn dựa trên giá trị của ứng viên và khả năng đáp ứng của DN, chứ không có chuyện “ép lương” – ông Trần Quốc Thịnh bày tỏ.

Theo ông Thịnh, điều quan trọng, ứng viên phải hiểu rõ mình có thể đóng góp gì vào sự phát triển chung của công ty. Đối với những nhân sự chuyển đổi ngành nghề, chấp nhận trải nghiệm thử thách, môi trường mới.

Nhóm ngành IT có mức lương cao nhất

TopCV vừa công bố kết quả khảo sát mức lương trong 10 ngành nghề thì IT có mức cao nhất đối với nhân sự cùng thâm niên. Kết quả dựa trên số liệu được thống kê từ 300.000 tin tuyển dụng trên nền tảng này trong thời gian qua. Theo đó, phân theo cấp bậc, mức lương thấp nhất đối với ngành IT phần mềm thuộc về vị trí thực tập sinh (khoảng 3-5 triệu đồng/tháng). Xếp trên có các vị trí nhân viên (12-25 triệu đồng/tháng), trưởng chi nhánh (20-25 triệu đồng/tháng), trưởng nhóm (23-40 triệu đồng/tháng). Với vị trí trưởng, phó phòng có mức lương từ 23-40,7 triệu đồng/tháng; vị trí quản lý – giám sát có mức lương 23-46 triệu đồng/tháng; phó giám đốc, giám đốc khoảng 60 triệu đồng/tháng.

Nếu theo số năm kinh nghiệm thì với những nhân sự dưới 1 năm kinh nghiệm sẽ nhận mức lương từ 7-16,5 triệu đồng/tháng; nhân sự từ 1-3 năm kinh nghiệm sẽ nhận 15-30 triệu đồng/tháng; 3-5 năm kinh nghiệm nhận 23-40 triệu đồng/tháng và trên 5 năm kinh nghiệm sẽ nhận mức 30-50 triệu đồng/tháng.

G.Nam