Tránh bẫy mạo danh lừa đảo việc làm
Tập đoàn Masan vừa đưa ra cảnh báo về hiện tượng mạo danh doanh nghiệp (DN) này để tuyển dụng cộng tác viên (CTV) nhằm chiếm đoạt tài sản. Theo đó, kẻ xấu sử dụng các tài khoản mạng xã hội với chức danh như giám đốc chi nhánh, trưởng phòng tài vụ, nhân viên quyết toán… của công ty và hướng dẫn ứng viên (ƯV) thực hiện nhiệm vụ rồi chiếm đoạt tiền của họ.
Chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng
Theo thông báo của Masan, trước mỗi lần cược, đối tượng yêu cầu ƯV chuyển tiền “rót vốn” vào tài khoản cá nhân được chỉ định và nhận bản cam kết bảo hiểm đầu tư. Khi CTV không rút được số tiền đã “rót vốn” và hoa hồng như cam kết, đối tượng tiếp tục yêu cầu CTV chuyển thêm phí “xác minh”, “nâng cấp tài khoản VIP”, “thuế thu nhập”, “mở khóa tài khoản” để có thể rút tiền. Tuy nhiên, sau khi CTV nộp tiền vào thì đối tượng khóa tài khoản và chiếm đoạt số tiền này.
Đã có hàng trăm trường hợp phản ánh bị lừa đảo theo hình thức này với số tiền bị chiếm đoạt từ vài chục triệu lên hàng trăm triệu đồng. Đây không phải là DN đầu tiên lên tiếng về hiện tượng mạo danh, sử dụng trái phép thông tin công ty để tuyển dụng, dụ dỗ người có nhu cầu tìm việc làm rồi chiếm đoạt tài sản trái phép.
Người dùng nên áp dụng nguyên tắc “không tin bất kỳ ai” mọi lúc mọi nơi khi hoạt động trên không gian mạng. Ảnh: GIANG NAM
Tập đoàn FPT và các công ty thành viên cũng cảnh báo những hình thức lừa đảo của các đối tượng như hẹn gặp ƯV ngay tại chân tòa nhà văn phòng của FPT sau giờ hành chính để phỏng vấn, nhắn tin tư vấn các vị trí FPT đang tuyển dụng trên các website việc làm để mời ƯV ứng tuyển. Một số đối tượng còn gửi các đường dẫn (link), hướng dẫn ƯV đăng nhập rồi nạp tiền làm nhiệm vụ… Thậm chí, còn sử dụng hình ảnh giám đốc nhân sự tập đoàn và lãnh đạo các công ty thành viên FPT để tăng thêm lòng tin cho các ƯV tham gia phỏng vấn, đóng tiền trước khi đi làm…
Ông Chu Quang Huy, Giám đốc nhân sự Tập đoàn FPT, cho biết từ cuối năm 2022, DN này đã nhận được thông tin các đối tượng lừa đảo mạo danh FPT đăng thông báo tuyển dụng lên các kênh thông tin đại chúng, sau đó thu tiền của ƯV và chiếm đoạt khoản tiền này. “FPT đã đăng thông tin cảnh báo lên website và các trang mạng xã hội của tập đoàn. Mọi người cần tìm hiểu kỹ quy trình tuyển dụng của FPT để tránh trường hợp bị lừa đảo. Chúng tôi không thu tiền của bất kỳ ƯV nào khi ứng tuyển làm việc tại đây” – ông Huy khẳng định.
Cẩn thận khi giao dịch trực tuyến
Theo ghi nhận của phóng viên, đối tượng sử dụng nhiều chiêu trò rất tinh vi, thậm chí ngụy tạo thư mời, website tuyển dụng chuyên nghiệp. Chúng tạo ra những Fanpage, website y hệt như của các đơn vị kể trên để thu hút “con mồi”. Nếu cẩn trọng và tìm hiểu kỹ, chúng ta sẽ nhận ra sự mập mờ của những kẻ giả mạo.
Đơn cử như trường hợp của chị Hà Thị Kiều Vy (28 tuổi, quê Nghệ An). Chị Vy kể sau khi đăng tải hồ sơ xin việc và công khai số điện thoại trên một số nền tảng tuyển dụng trực tuyến chị nhận được cuộc gọi của một người tự xưng là chị Linh, phụ trách nhân sự của Công ty CP Phần mềm TTC (TTC Solutions). Người này nói rằng TTC Solutions đang tìm kiếm vị trí nhân viên hành chính nhân sự và mời chị Vy tham gia ứng tuyển.
Tiếp đó, đối tượng gửi thư mời phỏng vấn cho chị Vy qua email, đính kèm bản mô tả công việc đóng dấu đỏ của công ty. “Nội dung thư ghi rõ quá trình tuyển dụng và được trình bày khá chuyên nghiệp nên lúc đầu tôi không nghi ngờ. Nhưng khi ấn vào đường dẫn website công ty phía dưới email tôi mới phát hiện đó là website giả mạo, vì tên công ty có khác một chữ cái so với website thật. Nếu không để ý chắc chắn tôi đã bị lừa” – chị Vy nói.
Chuyên gia Ngô Minh Hiếu, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia Việt Nam, khuyến cáo thời gian gần đây, hành vi lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng rất tinh vi và phức tạp, có chiều hướng gia tăng. Bằng các thủ đoạn đánh vào lòng tham, nhu cầu tìm việc, kiếm thêm thu nhập của người lao động để lừa đảo, chiếm đoạt tiền. Do đó, người dân cần chủ động bảo vệ mình trước các hình thức lừa đảo trong kỷ nguyên số.
Luật sư Nguyễn Minh Tâm, Trưởng Văn phòng Luật sư Đắc Nhân Tâm (quận 7, TP HCM), cho biết hành vi mạo danh đơn vị, tổ chức hay cá nhân để lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị xử lý hình sự và bị xử phạt tùy vào mức độ vi phạm. Theo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi 2017) thì người nào dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Cần loại bỏ tài khoản rác
Theo luật sư Nguyễn Minh Tâm, lừa đảo trực tuyến vẫn diễn ra mạnh là do tài khoản ngân hàng không chính chủ (tài khoản rác). Trên thị trường chợ đen, tài khoản rác có thể mua với giá 2-3 triệu đồng. Đây có thể là tài khoản người dùng đăng ký nhưng không sử dụng và bán lại, hoặc do các tổ chức chuyên thuê những người nhẹ dạ đăng ký thay. Vì vậy, nếu giải quyết được tài khoản rác, lừa đảo trực tuyến sẽ giảm mạnh.