TÌM VIỆC LÀM NGÀY CÀNG KHÓ, VÌ SAO? (*): Cải cách toàn diện
Theo kết quả khảo sát nhu cầu chuyển đổi việc làm do vieclamnhamay.vn và Tổ chức Oxfam Việt Nam phối hợp thực hiện mới đây trên 1.000 người lao động (NLĐ) thất nghiệp, cho thấy 77% có nhu cầu hỗ trợ tìm việc làm, đào tạo nghề và chuyển đổi nghề.
Bất cập dạy nghề
Bà Nguyễn Thu Hương, Quản lý chương trình cấp cao của Tổ chức Oxfam tại Việt Nam chỉ ra thực trạng rất nhiều trung tâm đào tạo nghề xây xong để không hoặc cho thuê tổ chức đám cưới, làm sân bóng đá.
Theo bà Hương, mặc dù Việt Nam có nhiều chương trình hỗ trợ NLĐ chuyển đổi ngành nghề nhưng vẫn thiếu sự linh hoạt và hiệu quả. Hơn nữa, cách đào tạo nghề còn theo lối cũ với nhiều nghề thừa, không phục vụ nhu cầu thị trường. “Hiệu quả của việc đào tạo nghề phải được đo lường bằng số người có việc làm đúng ngành nghề sau khi học xong. Đồng thời, chương trình đào tạo phải dựa trên nhu cầu của doanh nghiệp và theo xu hướng mới của thị trường lao động” – bà Hương nói.
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch việc làm (DVVL) TP Hà Nội, cho biết trung tâm đang tổ chức dạy 4 nghề gồm: Kỹ thuật nấu ăn; tin học văn phòng; chế biến món ăn và cắt may công nghiệp. Ngoài 4 nghề này, lao động thất nghiệp còn được tư vấn thêm nhiều nghề ngắn hạn như: học lái ôtô; ngoại ngữ đi xuất khẩu lao động… để có thể lựa chọn. “Chúng tôi liên kết với các cơ sở đào tạo nghề để giới thiệu lao động tham gia học nghề, đồng thời hỗ trợ việc làm cho họ sau khi hoàn thành khóa học” – ông Thành nói.
Dù vậy, hiện lao động thất nghiệp đăng ký học nghề vẫn còn thấp. Năm 2022, trung tâm đã tư vấn giới thiệu cho khoảng 2.000/hơn 5.000 lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp học nghề. Sở dĩ con số này thấp là do nhiều nguyên nhân như phần đông NLĐ thất nghiệp mong muốn được tư vấn, giới thiệu việc làm để quay lại thị trường lao động ngay, không phải học nghề vì mất thời gian. Mặt khác, chương trình dạy chỉ 3 tháng chưa phù hợp với nhiều lao động trẻ.
L’Oreal Việt Nam tổ chức đào tạo nghề miễn phí cho lao động muốn chuyển nghề Ảnh: HỒNG ĐÀO
Là doanh nghiệp (DN) nhiều năm dạy nghề miễn phí cho công nhân – lao động, nhất là lao động nữ, bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh, Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại L’Oréal Việt Nam, cho rằng NLĐ có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp rất lớn nhưng các gói hỗ trợ đào tạo nghề trong bảo hiểm thất nghiệp chưa thực sự hiệu quả.
Từ lâu, dự án “Làm đẹp để sống – Sống để làm đẹp” của L’Oréal Việt Nam đã dạy nghề tóc miễn phí cho hơn 10.000 trường hợp, trong đó rất nhiều người đã có được sinh kế từ nghề làm tóc. Chi phí đào tạo cho mỗi học viên là 30 triệu đồng/người do đơn vị tài trợ. Tháng 5 vừa qua, L’Oreal Việt Nam triển khai dự án thứ 2 là “Nâng cao năng lực số”. Dự án mong muốn nâng cao kiến thức cho 1 triệu phụ nữ Việt Nam trong bối cảnh nhiều lao động nữ gặp khó khăn về việc làm.
Kết nối công – tư
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cho hay thời gian qua, ngoài các phiên giao dịch việc làm (GDVL) định kỳ, ngày hội việc làm chuyên đề, lưu động, phiên GDVL online tại các huyện, xã hoặc liên vùng, liên tỉnh, các lớp đào tạo nghề cũng được tổ chức. Qua đó, nhằm phổ biến, cung cấp thông tin thị trường lao động, cơ hội việc làm, đào tạo nghề đến mọi đối tượng có nhu cầu.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Văn Thanh cho biết hiện cả nước có 83 trung tâm DVVL, gồm: 63 trung tâm do UBND tỉnh, thành phố thành lập do Sở LĐ-TB-XH quản lý; 15 trung tâm thuộc Trung ương Đoàn; 2 trung tâm thuộc Hội LHPN Việt Nam; 3 trung tâm do UBND tỉnh, thành phố thành lập do Ban quản lý KCN-KCX quản lý. Tuy nhiên, hệ thống trung tâm DVVL vẫn còn hạn chế về khả năng tư vấn, giới thiệu việc làm và thu thập thông tin về cung cầu lao động.
Hoạt động của các trung tâm chưa có sự gắn kết trở thành hệ thống kết nối cả nước, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động DVVL chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, tần suất, phạm vi các hoạt động GDVL chủ yếu ở khu vực thành thị, có đông NLĐ… nên một bộ phận thanh niên, nhất là thanh niên nông thôn chưa có cơ hội tiếp cận thông tin việc làm, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, học nghề.
Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, thời gian tới, bộ sẽ cải cách hệ thống trung tâm DVVL toàn diện, đa dạng các hoạt động GDVL, nhất là kết nối trực tuyến liên vùng, toàn quốc. Đồng thời nâng cao năng lực, kỹ năng tư vấn, giới thiệu việc làm của đội ngũ cán bộ tại các trung tâm. “Ngoài đẩy mạnh cơ chế phối hợp, chia sẻ, kết nối dữ liệu công – tư trong thị trường việc làm, bộ sẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong tìm kiếm việc làm, cung cấp thông tin thị trường lao động và hình thành mạng thông tin quốc gia về việc làm” – ông Lê Văn Thanh nói.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cũng thừa nhận các trung tâm DVVL công dù đã có cố gắng rất nhiều nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu. “Khi sửa Luật Việc làm và có hiệu lực, đây sẽ là một trong những nội dung quan trọng để trung tâm DVVL phải đóng vai trò thiết yếu trong cung ứng cũng như dự báo cung cầu lao động” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Để chuyển đổi nghề và việc làm bền vững cho NLĐ mất việc thay vì tạm thời, ông Lê Quốc Việt – điều hành vieclamnhamay.vn cho rằng cần xây dựng cổng kết nối giữa 3 bên: nhà tuyển dụng, NLĐ và cơ sở đào tạo. Qua đó, NLĐ có thể tiếp cận thông tin và được tư vấn về cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp. “Điều quan trọng là triển khai các khóa học, chương trình phù hợp với NLĐ như vừa học vừa làm. Hỗ trợ NLĐ có đủ kinh phí chi trả cho việc đào tạo mới là mấu chốt” – ông Việt nói.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung mong muốn các địa phương quan tâm nhiều hơn về sàn GDVL, trung tâm DVVL, bởi trong sửa đổi Luật Việc làm sẽ có những quy định cụ thể về cơ chế, điều kiện, quy định ràng buộc đối với hệ thống này.
Bà NGUYỄN THỊ VÂN ANH, Giám đốc kinh doanh khu vực miền Nam VietnamWorks:
Đẩy mạnh tuyển dụng trực tuyến
Nhiều năm nay, NLĐ có xu hướng tìm việc qua internet, bao gồm website, app (ứng dụng kết nối việc làm) và mạng xã hội (Facebook, Tiktok, YouTube). Xu hướng này phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam. Tuy vậy, sự bùng nổ internet cũng để lại hậu quả của việc nhiều đối tượng xấu sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, trong đó có lừa đảo về việc làm. Vì vậy, nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ hơn nữa những thông tin tuyển dụng trên internet, đồng thời phân loại để NLĐ nhận biết những đơn vị cung cấp dịch vụ tuyển dụng uy tín, tránh thiệt hại cho người tìm việc, bảo vệ danh dự của DN tuyển dụng.
Hiện có không ít đơn vị cung cấp dịch vụ tuyển dụng và đào tạo nhân sự uy tín để NLĐ nhanh chóng tìm việc làm phù hợp, kết nối cung cầu lao động hiệu quả trong bối cảnh nền kinh tế số đang phát triển nhanh.
Bà PHẠM VIỆT HÀ, Quản lý chương trình đổi mới đào tạo nghề Việt Nam:
Đào tạo nghề cần đi trước một bước
Việc đào tạo nghề phải đi trước một bước, bắt đầu từ khi NLĐ chưa thất nghiệp. Điều này rất quan trọng đối với nhóm lao động nữ ngoài 40 tuổi, bởi cơ hội tìm được việc làm mới của họ rất thấp. Do vậy, nhà nước cần có chính sách đào tạo nghề cho NLĐ từ khi đang có việc làm. Chính sách đó phải hỗ trợ thật tốt để NLĐ nhận thấy vai trò của việc học nghề là cơ hội việc làm bền vững. Từ đó, giúp NLĐ yên tâm vừa học vừa làm, vừa không ảnh hưởng đến thu nhập. Thị trường cũng nhờ vậy có tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề được nâng lên, tăng sức cạnh tranh cho nguồn nhân lực quốc gia.
Đối với những NLĐ đang thất nghiệp, cần khuyến khích học nghề bằng những lớp đào tạo miễn phí, ngành nghề phù hợp với nhu cầu thực tế, nguyện vọng và cam kết việc làm cho họ sau khi hoàn thành khóa học. Bên cạnh đó, cần liên kết với các cơ sở đào tạo nghề, DN để NLĐ không phải di chuyển quá xa cho việc học nghề.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 4-7