Thưởng vàng để giữ công nhân

TP HCMHai lần nhận vàng từ công ty, chị Trịnh Thị Thủy, 46 tuổi, công nhân nhà máy Longrich Việt Nam (TP Thủ Đức) để dành làm của hồi môn cho con gái, quà cưới tặng con dâu.

Chị Thủy có hơn 24 năm gắn bó với Tập đoàn Dean Shoes (Đài Loan) khi làm việc tại hai nhà máy trực thuộc là Freetrend (Khu chế xuất Linh Trung I) và Longrich (Khu chế xuất Linh Trung II). Đánh dấu mốc 10 năm, chị được ban giám đốc gửi thư cảm ơn và tặng một chỉ vàng. Phần thưởng tăng lên một chỉ rưỡi khi chị đi được chặng đường 20 năm với doanh nghiệp.

Chị Trịnh Thị Thủy khoe hai 2 chỉ rưỡi vàng nhận được từ nhà máy. Ảnh: An Phương

Chị Trịnh Thị Thủy khoe hai 2 chỉ rưỡi vàng nhận được từ nhà máy. Ảnh: An Phương

“Tôi không bán mà để tặng lại cho con, để chúng biết đó là thanh xuân của mẹ”, chị Thủy xúc động. Gần 25 năm trước, bố mẹ vay khắp họ hàng 2 triệu đồng làm lộ phí cho chị rời Nghệ An vào Nam đi làm công ty. Chị và 3 người bạn góp tiền thuê phòng trọ chưa đến 9m2 ở phường Linh Xuân với giá mỗi tháng hơn 300.000 đồng. Chị bắt đầu ở bộ phận may giày, lương hơn 600.000 đồng, nếu tính cả tăng ca và phụ cấp mỗi tháng chưa đến một triệu đồng. Thời gian đầu, nữ công nhân gửi nửa lương về quê trả nợ và phụ giúp bố mẹ nuôi các em ăn học.

“Có những giai đoạn rất khó khăn nhưng tôi quyết không từ bỏ”, chị Thủy nhớ lại. Vốn ham học hỏi lại nhanh nhẹn, chị được cất nhắc qua nhiều vị trí như trợ lý chuyền, tổ trưởng, chuyền trưởng và hiện quản lý hiện trường với mức lương cơ bản mỗi tháng hơn 10 triệu đồng. Nữ công nhân thấy may mắn khi chọn đúng nơi để làm việc, được ghi nhận và có cuộc sống ổn định. Vợ chồng chị đã mua được căn nhà ở TP Dĩ An (Bình Dương), cách nhà máy chưa đầy 5 km. Phòng trọ chật chội giờ đây với chị “chỉ còn là kỷ niệm”.

Bà Nguyễn Thị Thùy Vân, Chủ tịch công đoàn Công ty Longrich, nói hàng năm trong tiệc tất niên ban giám đốc có một phần lễ tuyên dương, cảm ơn người lao động đạt dấu mốc 10 năm, 20 năm. Đến nay đã có hơn 500 chỉ vàng được công ty tặng cho người lao động gắn bó lâu dài. “Một chỉ vàng không nhiều nhưng là sự cam kết về chính sách giữ chân lao động lớn tuổi”, bà Vân nói.

Hơn 20 năm đầu tư vào Việt Nam, các nhà máy thuộc Tập đoàn Dean Shoes duy trì trả lương theo thời gian. Hàng năm công nhân được tăng lương cơ bản lên 5%, những người gắn bó từ ngày đầu đến nay thu nhập mỗi tháng hơn chục triệu đồng. Ngoài ra, có những giai đoạn thị trường lạm phát, giá cả tăng cao, công ty chủ động tăng vượt mức đảm bảo người lao động thu nhập đủ sống. Công nhân thâm niên, có tay nghề được sắp xếp làm vị trí phù hợp sức khỏe, kỹ năng.

Gia đình chị Hiền có 5 thành viên thì 3 người đang làm ở nhà máy Pousung. Ảnh: An Phương

Gia đình chị Hiền có 5 thành viên thì 3 người đang làm ở nhà máy Pousung. Ảnh: An Phương

Cách nhà máy Longrich hơn 35 km, Công ty TNHH Pousung Việt Nam, khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) cũng có chính sách tặng vàng để khuyến khích người lao động gắn bó. Ông Lê Nhật Trường, Chủ tịch công đoàn công ty, cho biết đến nay doanh nghiệp đã tặng hơn 3.000 chỉ vàng cho những công nhân đủ thâm niên 15 năm.

Là một trong những người mới nhận vàng từ Công ty Pousung, nữ công nhân Trần Thị Hiền, 43 tuổi, kể năm 2006 chị được nhận vào bộ phận may giày với mức lương căn bản mỗi tháng gần 800.000 đồng. Sau 15 năm gắn bó, mỗi năm tăng lương 5%, cộng thêm các khoản phụ cấp, tăng ca giờ đây thu nhập mỗi tháng của chị được hơn 20 triệu đồng.

Thấy được sự đối đãi của công ty với lao động lớn tuổi, chị Hiền đã vận động chồng, con vào làm việc. Hiện chồng chị làm ở bộ phận đế giày, con gái làm ở phòng xuất nhập khẩu. Con trai 19 tuổi đang học cao đẳng ngành công nghệ da giày dự định tốt nghiệp sẽ xin vào nhà máy.

Theo ông Lê Nhật Trường, tặng vàng là một dấu mốc ghi nhận sự đóng góp của người lao động đối với sự phát triển của doanh nghiệp, cam kết đảm bảo việc làm bền vững và giúp họ xóa bỏ tâm lý lo lắng bị đào thải khi lớn tuổi. Đặc biệt, mỗi năm người lao động sẽ được tăng lương căn bản lên 5%, kéo dài suốt 17 năm làm việc. Công nhân càng làm lâu năm lương càng cao.

Vị cán bộ công đoàn nói rằng chính sách này không chỉ phát huy tác dụng trong bối cảnh thiếu lao động phổ thông mà còn góp phần kéo giảm tâm lý nghỉ việc để chờ nhận bảo hiểm xã hội một lần của công nhân. “Nghỉ là mất thâm niên, nếu muốn quay trở lại phải bắt đầu lại từ đầu với mức lương mỗi tháng chỉ gần 5 triệu đồng”, ông Trường nói.

Bà Trần Thị Thanh Hà, Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng liên đoàn lao động Việt Nam) nói giữa lúc không ít nhà máy tìm cách cho lao động lớn tuổi nghỉ việc với lý do năng suất giảm, chi phí lương cao, chính sách tặng vàng cho công nhân thâm niên thể hiện tính nhân văn, đối đãi có trước sau của doanh nghiệp.

Người lao động nhà máy Pousung làm đủ 15 năm nhận vàng từ công ty. Ảnh: An Phương

Người lao động nhà máy Pousung làm đủ 15 năm nhận vàng từ công ty. Ảnh: An Phương

Thực tế, sau các đợt bùng phát dịch, những cuộc hồi hương ồ ạt, lao động rời các thành phố lớn gây nên tình trạng thiếu hụt nhân công ở nhiều nhà máy. Những nhà máy chú trọng chính sách giữ chân công nhân sẽ tránh được tình trạng này. Lao động lớn tuổi thường có kỹ năng làm những khâu khó, có tiếng nói trong tổ, chuyền và hiếm khi “nhảy việc” hoặc dễ từ bỏ khi gặp khó khăn như lao động trẻ.

Theo bà Hà, vài năm trở lại đây, các nhà máy ý thức được tình trạng thiếu hụt lao động nên đề ra nhiều chính sách như tăng lương, thưởng và phú lợi đề giữ chân công nhân. Bên cạnh phát triển thị trường, giữ chữ tín với đối tác, doanh nghiệp cũng chú trọng xây dựng thương hiệu là nơi có việc làm ổn định, doanh thu tốt, hỗ trợ chỗ ở, cho vay vốn để người lao động an cư, gắn bó lâu dài.

Lê Tuyết