Thu hút lao động phi chính thức vào nghiệp đoàn
Trong bối cảnh doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn về đơn hàng phải cắt giảm lao động, làn sóng lao động từ khu vực chính thức chuyển sang khu vực phi chính thức ngày càng nhiều. Chưa kể, sự xuất hiện của mô hình kinh doanh mới (xe ôm công nghệ) cũng thu hút không nhỏ lực lượng lao động tham gia. Để bảo vệ quyền lợi cho các đối tượng này đòi hỏi tổ chức Công đoàn cần đa dạng hóa phương thức tập hợp.
Đại diện LĐLĐ quận Tân Bình, TP HCM, tặng quà cho đoàn viên Nghiệp đoàn May gia công .Ảnh: CAO HƯỜNG
Từ những năm 1990, TP HCM đã là địa phương tiên phong trong việc tập hợp lao động tự do vào nghiệp đoàn (NĐ), với hàng loạt mô hình tiêu biểu gây tiếng vang như NĐ Bốc xếp chợ Mai Xuân Thưởng, NĐ Bốc xếp phường 2 – quận 6, NĐ Tiểu thủ công nghiệp phường 14 – quận 5, NĐ Rác dân lập vệ sinh Gò Vấp.
Thông qua hiệu quả hoạt động của NĐ, hiện tượng “ăn chặn” tiền lương, tiền công, đặc biệt là những vi phạm trong việc thực hiện chính sách đối với NLĐ từng bước bị loại trừ, từ đó đời sống đoàn viên ổn định hơn. Mô hình NĐ cũng tạo sự gắn kết giữa đoàn viên với đoàn viên thông qua hoạt động của các quỹ tương thân tương ái. Tuy nhiên, theo thời gian, cùng với sự thay đổi về cơ cấu kinh tế, hoạt động các NĐ đi vào ngõ cụt và ít hấp dẫn NLĐ.
Nhiệm kỳ 2018-2023 đánh dấu sự khởi sắc của hoạt động NĐ khi LĐLĐ TP HCM đầu tư rất nhiều công sức trong việc tập hợp NLĐ vào Công đoàn. Nhiều mô hình mới như NĐ giáo viên mầm non, NĐ xe ôm công nghệ, NĐ nữ giúp việc nhà… được hình thành đã đáp ứng được nguyện vọng của NLĐ ở khu vực phi chính thức.
Không chỉ hỗ trợ kinh phí hoạt động, các Công đoàn cấp trên cơ sở còn huy động nhiều nguồn lực để chăm lo cho đoàn viên các NĐ, thông qua các hoạt động như hỗ trợ thẻ BHYT, phương tiện đi lại, giới thiệu việc làm và dạy nghề. Được chăm lo đúng mức khi gia nhập NĐ, nhiều NLĐ càng thêm tin tưởng vào tổ chức mà mình tự nguyện gia nhập.
Lao động phi chính thức chiếm tỉ lệ khá lớn trong lực lượng lao động, với đa dạng ngành nghề, đa phần không có chuyên môn, kỹ thuật, việc làm bấp bênh, thiếu ổn định. Đặc biệt khu vực lao động này thường không có hợp đồng lao động, chủ yếu thỏa thuận miệng, thu nhập thấp, không tham gia BHXH, không được hưởng lương cố định. Về an sinh xã hội, lực lượng này rất thiệt thòi. Trong khi đó, thu nhập lại thấp hơn nhiều so với lao động chính thức.
Việt Nam hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới đã kéo theo sự xuất hiện của nhiều ngành nghề mới. Bên cạnh đó, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng làm thay đổi diện mạo bức tranh về lao động – việc làm, với sự gia tăng của lực lượng lao động khu vực phi chính thức. Thực tế này đòi hỏi tổ chức Công đoàn cần có kế hoạch dài hơi, bài bản trong việc tập hợp NLĐ vào tổ chức Công đoàn.
Theo tôi, trước mắt, tổ chức Công đoàn phải khảo sát nhu cầu được chăm lo, bảo vệ của các đối tượng lao động ở các ngành nghề để từ đó xây dựng cách thức vận động họ gia nhập NĐ. Ngoài chăm lo, cần có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho đoàn viên NĐ, ưu tiên lao động lớn tuổi, có hoàn cảnh khó khăn. Nhà nước cũng cần có chính sách tiếp sức cho tổ chức Công đoàn, chẳng hạn như hỗ trợ một phần kinh phí để NLĐ phi chính thức tham gia BHXH, BHYT tự nguyện.