Đào tạo nghề cho lao động mất việc

Theo Cục Thống kê TP HCM, tính đến hết tháng 8-2023, thành phố đã tiếp nhận 99.206 trường hợp nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN), ban hành quyết định hưởng TCTN cho 93.877 người lao động (NLĐ). So với cùng kỳ năm ngoái, số hồ sơ đề nghị hưởng TCTN tăng 2.787 trường hợp, số người được hưởng TCTN tăng 2.960 người.

Đi cũng dở, ở chẳng xong

Thực trạng NLĐ mất việc làm, giảm giờ làm đang ngày một gia tăng trong bối cảnh thị trường lao động việc làm chưa thật sự khởi sắc khiến nhiều chuyên gia cho rằng cần thiết phải có một gói an sinh xã hội để giúp NLĐ mất việc vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Rảo quanh các KCN trên địa bàn huyện Bình Chánh và quận Bình Tân hơn 1 tháng nay nhưng anh Hà Văn Đức (36 tuổi, quê Cà Mau) vẫn chưa tìm được việc làm. Kể từ khi quyết định đưa 2 con lên TP HCM gần 10 năm nay, anh Đức chưa bao giờ rơi vào khó khăn như thời điểm này.

Tám năm làm công nhân cơ khí, thu nhập gần 20 triệu đồng/tháng nên anh Đức tạm đủ nuôi các con ăn học. Mất việc đột ngột khiến gia đình anh rơi vào khốn khó. Tiền TCTN chỉ đủ trang trải một phần chi phí sinh hoạt trong khi 2 con anh đã tựu trường với nhiều khoản chi. “Tôi không biết xoay xở ra sao để lo cho các con ăn học khi tiền dành dụm cứ cạn dần. Tôi chỉ mong sớm có việc làm để lo cho các con” – anh Đức bộc bạch.

Đào tạo nghề cho lao động mất việc - Ảnh 2.

Nâng cao tay nghề cho người lao động là cách để giúp họ sớm quay lại thị trường việc làm

Còn với chị Hồ Thị Quý (34 tuổi, quê Bình Phước), kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 năm nay của chị khác mọi năm bởi hết lễ nhưng chị không quay lại thành phố. Sau 3 tháng thất nghiệp, chị đã quyết định về quê phụ gia đình làm vườn bởi rất khó để tìm việc mới trong khi mọi chi phí đang tăng nhanh.

Hơn 8 năm làm việc, từ công nhân đứng máy rồi đến KCS (kiểm tra chất lượng sản phẩm) nhưng công ty hết đơn hàng nên chị Quý thất nghiệp. “Tôi cứ nghĩ với kinh nghiệm của mình sẽ dễ kiếm việc nhưng rong ruổi mấy tháng liền vẫn lực bất tòng tâm. Hết tiền, tôi đành phải về quê chứ không thể trụ lại thành phố được nữa” – chị Quý lo lắng.

Rơi vào hoàn cảnh đi cũng dở, ở không xong nên anh Nguyễn Phước Sang (28 tuổi, quê Trà Vinh) chọn làm bảo vệ theo ca, chạy xe ôm công nghệ để mưu sinh dù có bằng cử nhân thương mại điện tử. “Trước đây tôi đi làm công ty, lương cũng khá nhưng tháng 5 vừa qua công ty cắt giảm hơn một nửa nhân sự nên tôi thất nghiệp. Tìm việc hoài không được nên tôi xin đi làm bảo vệ thời vụ, lúc rảnh thì chạy xe ôm công nghệ. Làm 2 công việc rất vất vả nhưng thu nhập chỉ vừa đủ trang trải chi phí sinh hoạt” – anh Sang nói. Anh Sang cho biết đã nộp hồ sơ một số nơi nhưng ít nhận được phản hồi.

Tăng khả năng thích ứng

Thị trường lao động những tháng cuối năm 2023 vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, chủ yếu do các doanh nghiệp (DN) thiếu đơn hàng sản xuất. Do đó, tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động tăng, tình trạng lao động buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc vẫn tiếp diễn.

Nhiều chuyên gia cho rằng để giúp NLĐ thất nghiệp có cơ hội tái gia nhập thị trường lao động, bảo đảm cuộc sống, bên cạnh các chính sách hỗ trợ về bảo hiểm thất nghiệp, cần quan tâm đến đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng cho NLĐ. Trước mắt, cần kịp thời có chính sách để đồng hành với NLĐ mất việc hoặc có nguy cơ mất việc để giúp họ ổn định cuộc sống.

Tại chương trình “Dân hỏi – Chính quyền trả lời” với chủ đề “Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm” do HĐND TP HCM phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình thành phố tổ chức cuối tuần qua, bà Huỳnh Lê Như Trang, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP HCM, cho biết việc đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho NLĐ mất việc, theo quy định thì NLĐ mất việc đáp ứng các điều kiện sẽ được hỗ trợ học nghề với mức phí không quá 4,5 triệu đồng/khóa học (nếu khóa học dưới 3 tháng) và hỗ trợ thực tế không quá 1,5 triệu đồng/tháng đối với khóa học từ 3 tháng trở lên.

NLĐ thuộc các đối tượng chính sách như phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo… sẽ được hỗ trợ chi phí đào tạo nghề cao hơn. Cụ thể, cao nhất 6 triệu đồng/người/khóa học dành cho người khuyết tật và thấp nhất 2 triệu đồng/người/khóa học dành cho phụ nữ, NLĐ nông thôn. NLĐ thuộc diện này còn được hỗ trợ tiền ăn hằng ngày và hỗ trợ 1 lần tiền đi lại nếu địa điểm học cách nơi ở từ 15 km trở lên.

Về lâu dài, theo bà Park Mi Hyung, Trưởng phái đoàn của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tại Việt Nam, đầu tư phát triển kỹ năng nghề ở Việt Nam rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Điều đó tăng khả năng tìm việc làm và tăng năng suất lao động, góp phần giúp Việt Nam có chỗ đứng vững chắc hơn trong nền kinh tế thế giới. Đào tạo kỹ năng nghề sẽ giúp cho những NLĐ có tay nghề thấp và lao động di cư cải thiện các kỹ năng thiết yếu như kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm và cả kỹ năng số. Điều này làm giảm khả năng dễ bị tổn thương của họ, giúp họ xác định hướng đi tốt hơn và tăng khả năng thích ứng.

Hỗ trợ người lao động tự tạo việc làm

Bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân (TP HCM), cho biết thời gian qua, ảnh hưởng bởi dịch bệnh và tình hình thế giới, trên địa bàn thành phố nhiều DN phải giảm lao động, trong đó cá biệt có DN trên địa bàn quận Bình Tân phải cắt giảm hơn 9.000 lao động. UBND quận đã lập danh sách lao động bị mất việc làm, phối hợp Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP HCM giới thiệu việc làm cho NLĐ có nhu cầu và đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh quận Bình Tân cho 1.123 người vay vốn với hơn 101 tỉ đồng từ nguồn quỹ quốc gia giải quyết việc làm để họ chuyển hướng kinh doanh, tự tạo việc làm mới cho bản thân và gia đình.

Ngày 21-9, quận Bình Tân dự kiến tổ chức sàn giao dịch việc làm, thu hút 20 – 30 DN và khoảng 1.500 NLĐ tham gia. Chương trình được tổ chức tại Nhà Văn hóa lao động quận; địa chỉ: 168 Trần Thanh Mại, khu phố 2, phường Tân Tạo A.

M.Trinh