Thời của “kỹ năng xanh”
Gần đây, “việc làm xanh”, “kỹ năng xanh” được nhắc đến nhiều tại các diễn đàn, hội thảo, phương tiện truyền thông. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thanh Hương, Giám đốc Nhân sự toàn quốc ManpowerGroup Việt Nam.
. Phóng viên: “Việc làm xanh”, “kỹ năng xanh” được định nghĩa như thế nào?
Bà NGUYỄN THANH HƯƠNG
– Bà NGUYỄN THANH HƯƠNG: Dựa trên xu thế và nhu cầu nhân lực hiện đại, khái niệm “việc làm xanh” ngày nay đã mở rộng hơn rất nhiều so với những định nghĩa cơ bản đã từng được công bố. Nghiên cứu “Tăng tốc lực lượng lao động bền vững” của chúng tôi cho thấy từ những vai trò “xanh” truyền thống, khái niệm “việc làm xanh” đã được mở rộng với các vai trò xanh+ (hiện đại hóa theo xu thế hiện tại) và xanh ngọc (các việc làm thuộc lĩnh vực kinh doanh, kỹ thuật, lãnh đạo) sẽ thúc đẩy sự bền vững tại các doanh nghiệp (DN) thuộc nhiều ngành khác nhau.
Bên cạnh đó, “kỹ năng xanh” là một phần không thể tách rời khi bàn đến “việc làm xanh”. Trung tâm Phát triển đào tạo nghề của châu Âu (CEDEFOP) định nghĩa “kỹ năng xanh” là những kiến thức, khả năng, giá trị và thái độ cần thiết để sống, phát triển, hỗ trợ một xã hội bền vững và sử dụng tài nguyên hiệu quả. Tôi tin rằng nhân lực với những “kỹ năng xanh” phù hợp là chìa khóa để hiện thực hóa các cam kết phát triển bền vững của DN.
. Người lao động (NLĐ) kỳ vọng gì với các DN có cam kết phát triển bền vững?
– NLĐ kỳ vọng các DN có quan điểm rõ ràng về những vấn đề xã hội, môi trường và làm những điều đúng đắn cho cộng đồng. Nghiên cứu của IBM (một trong các tập đoàn công nghệ thông tin có quy mô hàng đầu thế giới) cho thấy 70% NLĐ được khảo sát cho rằng các chương trình bền vững khiến nhà tuyển dụng trở nên hấp dẫn hơn. 80% nhân sự muốn đồng hành cùng công ty đạt được các mục tiêu về giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu, hay các mục tiêu ESG (phát triển bền vững và ảnh hưởng đến cộng đồng của DN).
Theo báo cáo xu hướng lao động năm 2023 của ManpowerGroup, lực lượng lao động trẻ rất quan tâm đến sự đa dạng, bình đẳng, hòa nhập và gắn kết tại môi trường làm việc (DEIB). Có 88% NLĐ thế hệ Gen Z (sinh từ năm 1997 – 2002) cho biết dịch COVID-19 đã làm thay đổi những mong muốn về việc làm của họ; có 56% lao động trẻ sẽ từ chối vị trí việc làm nếu DN không có đội ngũ lãnh đạo đa dạng.
Để phát triển “kỹ năng xanh”, “việc làm xanh”, doanh nghiệp cần đẩy mạnh đào tạo công nghệ và ngoại ngữ cho người lao động. Ảnh: HỒNG ĐÀO
. Để phát triển “kỹ năng xanh”, việc làm bền vững, DN và NLĐ cần làm gì?
– Tôi cho rằng DN cần tập trung vào những điều cấp thiết liên quan chiến lược ESG, mà cả DN lẫn NLĐ quan tâm. Chìa khóa để thúc đẩy phát triển bền vững đến từ bảo đảm đủ nguồn nhân lực sẵn sàng cho những vai trò mới liên quan đến “kỹ năng xanh”. Ngoài ra, DN cần xây dựng chiến lược hoạch định và quản trị nhân tài. Trong đó, đưa tầm nhìn ESG vào phát triển của DN, giúp tăng tính nhận diện thương hiệu và hỗ trợ tuyển dụng, giữ chân nhân tài, nhất là với lực lượng lao động trẻ, bởi họ rất quan tâm đến những giá trị bền vững.
Bên cạnh đó, NLĐ cần được liên tục đào tạo nâng cao “kỹ năng xanh” trong xu thế hiện đại với những ứng dụng của công nghệ mới. Để đạt hiệu quả, NLĐ cần chú ý cải thiện những kỹ năng mềm, như khả năng sử dụng ngoại ngữ, để giao tiếp với các chuyên gia nước ngoài về “kỹ năng xanh”. Theo khảo sát xu hướng tuyển dụng tại Việt Nam quý III và quý IV/2022, có đến 24% DN tiết lộ chỉ có 10% – 50% tổng số nhân viên sử dụng được tiếng Anh và 30% đơn vị thừa nhận chưa đến 10% nhân viên có kỹ năng này.