Thiếu nhân lực chất lượng cao cho các ngành trọng điểm
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước cho rằng chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam thời gian qua mặc dù đã được quan tâm nhưng vẫn còn rất hạn chế, đặc biệt là thiếu nhân lực trong các ngành kinh tế mũi nhọn và các ngành phục vụ kinh tế số. Cơ cấu các ngành đào tạo hiện nay cũng chưa bám sát nhu cầu của thị trường lao động, nhất là lao động trong các ngành kinh tế mới.
Thiếu lao động chất lượng cao tác động đến tốc độ tăng năng suất lao động được đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đề cập.
Báo cáo của Chính phủ cho thấy năng suất lao động bình quân năm 2021 – 2023 tăng 4,36 – 4,69%, thấp hơn mức 6,26% của 3 năm 2016 – 2018.
Thực tế, năng suất lao động của Việt Nam còn khoảng cách khá lớn so với một số nước trong khu vực và các nước phát triển, trong khi việc đẩy mạnh tốc độ tăng năng suất lao động có ý nghĩa quyết định đối với năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.
Qua giám sát cho thấy Chính phủ đã có nhiều đổi mới trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Tuy nhiên, tỉ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ và bằng cấp còn rất thấp. Điều này chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế đáp ứng yêu cầu phát triển mới, kinh tế tri thức.
Nhân lực ngành bán dẫn thu hút sự quan tâm của Chính phủ, cử tri và đại biểu
Dự báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy trong thời gian tới, ngành công nghiệp bán dẫn cần từ 50.000 – 100.000 nhân lực từ nay đến năm 2030. Nhân lực bán dẫn chia thành nhiều trình độ, nhóm chuyên môn khác nhau, song ưu tiên cho nhóm nhân lực trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn.
Hiện nay, có 35 cơ sở giáo dục đào tạo đại học của Việt Nam đang đào tạo lĩnh vực trực tiếp, hoặc gần với ngành bán dẫn. Các lĩnh vực gần như công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông là những lĩnh vực có thể tiến hành bổ túc, chuyển đổi để bổ sung ngay nhân lực.
Dự kiến trong năm 2024 sẽ tuyển sinh đào tạo trên 1.000 nhân lực trực tiếp trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn và các lĩnh vực liên quan sẽ tuyển trên 7.000. Số lượng tuyển sinh sẽ tăng dần, dự kiến từ 20 – 30% mỗi năm, để đáp ứng yêu cầu nhân lực ngành bán dẫn theo đúng kế hoạch đặt ra.
Tập đoàn FPT hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và Tổ chức chuyên gia công nghệ Mỹ thành lập Trung tâm đào tạo bán dẫn.
Cụ thể, các bên tham gia hợp tác sẽ cùng đóng góp nguồn lực góp phần hiện thực hóa mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư trong lĩnh vực bán dẫn theo Đề án Phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao cho lĩnh vực công nghệ bán dẫn Việt Nam.
Trung tâm Đào tạo bán dẫn được thành lập sẽ góp phần thúc đẩy quá trình đào tạo nhân lực bán dẫn trong nước và tài trợ sản xuất cho các dự án bán dẫn, tạo cơ hội cho các dự án thiết kế vi mạch từ ý tưởng đi vào thực tiễn. Từ đó, từng bước hiện thực hóa định hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành một đối tác tin cậy trong hệ sinh thái bán dẫn khu vực và toàn thế giới, nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu và hiện đại hóa nền kinh tế.