Thị trường lao động phục hồi mạnh mẽ
Là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ như: TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu… đang trong giai đoạn phục hồi sản xuất mạnh mẽ nên nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh, số lao động có việc làm tăng cao. Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), số lao động có việc làm trong độ tuổi lao động của vùng Đông Nam Bộ trong quý III/2022 là 9,7 triệu người, tăng 1,6 triệu người (tương ứng 19,5%) so với cùng kỳ năm trước.
Ráo riết tuyển dụng
Bước vào giai đoạn tăng tốc sản xuất – kinh doanh cuối năm, nhu cầu tuyển dụng lao động tại TP HCM rất lớn. Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố đang có nhu cầu tuyển khoảng 70.000 lao động để phục vụ kinh doanh cuối năm.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, TP HCM đã thu hút và giải quyết việc làm cho hơn 241.000 lao động (tăng 36,18% so với cùng kỳ năm ngoái), số chỗ việc làm mới tạo ra trên 107.000 chỗ (tăng gần 31%). Khảo sát nhu cầu nhân lực tại hơn 23.500 DN, có 89% DN cho biết sẽ chủ động đẩy mạnh tuyển dụng tùy theo quy mô và nhu cầu để tránh bị động khi nền kinh tế phục hồi.
Ổn định nhân sự giúp Tổng Công ty CP May Nhà Bè (TP HCM) hoàn thành mọi kế hoạch kinh doanh. Ảnh: GIANG NAM
Tại Bình Dương, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh, cho biết trong 9 tháng đầu năm 2022, địa phương có gần 14.000 lao động bị ảnh hưởng việc làm do nhiều nhà máy thiếu đơn hàng. Tuy nhiên, qua tháng 10, các DN gặp nhiều thuận lợi hơn về đơn hàng nên nhu cầu tuyển dụng đã tăng trở lại. Thống kê sơ bộ cho thấy nhiều DN trong tỉnh đang có nhu cầu tuyển khoảng 50.000 lao động.
Tương tự, tại Bà Rịa – Vũng Tàu, ông Trần Quốc Khánh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh này, cho hay từ nay đến cuối năm, nhiều DN trong tỉnh cần tuyển thêm khoảng 15.000 lao động. “Nhằm bảo đảm việc làm ổn định cho người địa phương, sắp tới chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể tuyển dụng, đào tạo và giới thiệu việc làm cho họ. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường nhiều chính sách thu hút lao động ngoại tỉnh đến làm việc và ổn định cuộc sống” – ông Khánh nói.
Trong khi đó, hàng trăm DN tại tỉnh Đồng Nai cũng đang ráo riết tuyển gần 18.000 lao động để bổ sung vào kế hoạch sản xuất – kinh doanh cuối năm và chuẩn bị nhân lực cho năm sau. Đáng chú ý, nhiều DN đăng ký tuyển dụng hàng ngàn lao động. Đơn cử như Công ty TNHH Elite Long Thành (huyện Long Thành) có nhu cầu tuyển dụng hơn 2.000 lao động với yêu cầu khá đơn giản như: người lao động (NLĐ) có tuổi từ 18-40, chưa có tay nghề được đào tạo miễn phí có hưởng lương; trình độ chỉ cần biết đọc, viết, có sức khỏe sẽ được nhận vào làm việc với mức thu nhập trên dưới 15 triệu đồng/tháng.
“Ngoài lương, NLĐ còn được khám sức khỏe định kỳ 2 lần/năm, miễn phí bảo hiểm tai nạn 24/24 giờ cho bản thân và gia đình, được tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định” – bà Văn Thị Hiền, phụ trách tuyển dụng công ty, cho biết.
Lo thiếu nhân lực
Nhiều chuyên gia nhận định bên cạnh nhu cầu tuyển dụng với số lượng lớn, một số địa phương cũng đang đứng trước thách thức thiếu nguồn cung lao động.
Theo Hiệp hội DN TP HCM (HUBA), nhiều DN đang rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động, đặc biệt là các DN trong lĩnh vực may mặc, giày da và các công việc dịch vụ kho bãi, giao nhận, xuất nhập khẩu, kinh doanh… liên tục tuyển dụng bằng nhiều hình thức nhưng vẫn chưa tuyển đủ số lượng theo nhu cầu.
HUBA cho rằng nhiều lao động về quê chưa quay lại thành phố làm việc hoặc đã tìm được việc làm phù hợp ở quê nhà. Trong khi đó, vật giá leo thang kéo theo chi phí sinh hoạt tăng nên một bộ phận NLĐ chưa muốn quay lại làm việc. Mặt khác, dịch COVID-19 đã khiến nhiều lao động chuyển đổi nghề nghiệp như: buôn bán trực tuyến, kinh doanh nhỏ lẻ, sản xuất hàng thủ công, làm kinh tế hộ gia đình… Nhiều lao động cũng đang tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề… nên chưa có nhu cầu quay trở lại ngay thị trường lao động.
Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Da giày TP HCM, cho biết nhiều DN đã có đơn hàng đến cuối năm nhưng không cung cấp đủ sản phẩm cho đối tác do thiếu lao động. Có 70%-80% đơn hàng giày da của Việt Nam là gia công nên cần rất nhiều lao động. “Chúng tôi đang rất lo vì sắp tới, các DN phải hoàn thiện đơn hàng cuối năm và ký đơn hàng mới cho năm sau. Nếu tình trạng thiếu lao động kéo dài, nhiều DN sẽ mất mối làm ăn và mất thị trường xuất khẩu” – ông Khánh lo lắng.
Tại TP HCM, ngoài thiếu lao động phổ thông, DN còn “đỏ mắt” tìm lao động đã qua đào tạo. Để chủ động nguồn nhân lực, giữ chân NLĐ, nhiều DN đang đẩy mạnh liên kết với các trường nghề để đào tạo lao động cấp tốc; tăng lương, hỗ trợ chỗ ở, ăn uống…
Theo ông Phạm Văn Tuyên, Bình Dương đang nỗ lực thu hút NLĐ quay trở lại làm việc. Để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các DN, địa phương tiếp tục có những chính sách hỗ trợ NLĐ như: đào tạo, nhà ở, di chuyển… Ngoài ra, tỉnh còn đang đẩy mạnh thiết lập hệ thống dự báo, cung cấp thông tin thị trường lao động đầy đủ, chính xác nhằm kết nối cung – cầu lao động.
Thất nghiệp ít
Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung, nhìn tổng quát cho thấy lực lượng lao động của Việt Nam phục hồi nhanh. Nếu cách đây 1 năm khi dịch COVID-19 diễn ra, có gần 3 triệu người di chuyển từ TP HCM về các địa phương. Do vậy, nỗi lo đứt gãy chuỗi cung ứng lao động được đề cập nhưng đến giờ không xảy ra.
“Thị trường lao động nước ta đã trở lại bình thường, phục hồi nhanh hơn so với dự báo của các tổ chức quốc tế và dự tính của chúng ta. Đến nay, quy mô lao động cả nước đã đạt 51,9 triệu người, tỉ lệ lao động tham gia vào thị trường lao động đạt 68,7%, tỉ lệ thất nghiệp trong quý III/2022 và gần hết tháng 10 là 2,28%. Như vậy, có thể thấy Việt Nam thuộc các quốc gia có tỉ lệ thất nghiệp thấp” – bộ trưởng đánh giá.
Kỳ tới: Thu hút công nhân bằng đãi ngộ