Tết ‘sum vầy online’ của gia đình công nhân

TP HCMNhìn con trai khoe bộ quần áo mới, quấn quýt bên bà nội gói bánh chưng qua điện thoại, chị Giang rớm nước mắt vì hai cái Tết cả nhà chỉ gặp mặt online.

Sóng điện thoại chập chờn nên phải mất gần 5 phút chị Nguyễn Thị La Giang, đang thuê trọ tại phường Thạnh Lộc (quận 12) mới kết nối cuộc gọi video với con trai ở Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). “Mẹ ơi, bộ đồ siêu nhân của con đẹp không”, cậu bé 4 tuổi cầm vạt áo kéo lên màn hình, giọng hào hứng. Chiếc điện thoại lia nhanh qua bà nội đang gói bánh chưng, chú út cong lưng kéo chậu đào vào sân.

“Năm nay lại thất hứa với con”, chị Giang bộc bạch. Năm 2020, khi đợt dịch đầu tiên ghi nhận vài ca nhiễm, một số trường dừng giữ trẻ, anh chị quyết định gửi con về quê. Tết năm ngoái, vợ chồng xách hành lý ra tới bến xe thì nhận được thông báo phường Thạnh Lộc phát hiện ca nhiễm liên quan chùm bệnh sân bay Tân Sơn Nhất. Gần nơi anh chị ở ghi nhận F1 nên cả hai phải về phòng trọ. Năm nay, đợt dịch thứ 4 bùng phát mạnh, công ty may nơi chị Giang làm việc phải dừng sản xuất. Chồng chị làm thợ xây cũng “treo” bay.

Chị Giang mỉm cười khi con trai khoe áo Tết. Ảnh: Lê Tuyết

Chị Giang mỉm cười khi con trai khoe áo Tết. Ảnh: Lê Tuyết

Thành phố nới giãn cách, vợ chồng chị đi làm trở lại nhưng thu nhập giảm. 27 tháng Chạp chị Giang vẫn chưa nhận được thưởng Tết dù trước đó công ty thông báo sẽ có. Tiền bạc eo hẹp nên anh chị không dám nghĩ đến chuyện về quê, đành đón Tết với con qua điện thoại.

Chị Giang có 8 anh em thì đến 6 người vào Nam lập nghiệp. Tết này không có gia đình nào về quê. Ngày tất niên các nhà hẹn nhau đến phòng trọ của anh cả liên hoan. Bố mẹ ở Hà Tĩnh làm mâm cơm cúng ông bà rồi gọi video lên nhóm gia đình, làm cuộc họp mặt trực tuyến.

“Tết 2023 gia đình tôi sẽ được sum họp trực tiếp”, chị Giang nói và cho biết bản thân đang mang bầu tháng thứ 5. Chị dự định giữa năm nay sẽ về quê sinh con, hết kỳ thai sản vừa đúng sang năm mới.

Cũng lo ngại dịch phức tạp nên chị Cẩm Vân, 39 tuổi, quê Nghệ An, công nhân Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân) không thể gặp con trai 15 tuổi vào Tết này. Nửa tháng trước, vừa nhận được tiền thưởng tháng 13, chị gửi về cho con 2 triệu đồng để sắm áo quần mới. Cậu bé ra chợ chọn đồ rồi chụp hình gửi qua tin nhắn nhờ mẹ tư vấn. Khi bà ngoại gói bánh chưng, ông nhặt lá đào, hai mẹ con lại gọi video.

Tắt điện thoại, chị Vân chảy nước mắt vì nhớ con. Vợ chồng ly hôn khi con trai vừa lên 2 tuổi, không nghề nghiệp, chị đành gửi con cho bố mẹ để vào Nam tìm việc. 13 năm xa con, đây là lần thứ hai mẹ con không được gặp nhau ngày Tết.

Lần đầu cách đây gần chục năm, không điện thoại, chẳng có cách nào kết nối với con, đêm giao thừa, một mình trong phòng trọ, chị Vân khóc ướt gối. Khi đó nữ công nhân đã viết một bức thư dài 3 trang giấy, tâm sự nỗi nhớ con để ra Tết gửi về quê. Mấy năm trước chị đi bước nữa với một người đồng hương, có một con gái gần 2 tuổi. Để con lớn bớt thiệt thòi, năm nào cả nhà cũng sắp xếp về Tết.

Thế nhưng năm nay dù được công ty tổ chức xe đưa đón miễn phí, vợ chồng chị lại chần chừ. Ông bà ở quê gọi vào thông báo cán bộ xã yêu cầu người ở tỉnh khác về phải cách ly ít nhất 7 ngày. Chưa kể hàng xóm cũng e ngại các trường hợp đi làm ăn xa nên mẹ chị khuyên “thôi đừng về”.

“Điều an ủi duy nhất của tôi là còn có điện thoại, không như 10 năm trước”, chị Vân nói. Con trai thường xuyên gọi video mỗi khi ông bà chuẩn bị Tết đã giúp chị vơi bớt nỗi nhớ quê. Cả nhà hẹn nhau tới kỳ nghỉ hè, anh hai sẽ vào miền Nam thăm em.

Gia đình chị Giang, chị Vân là hai trong hơn một triệu lao động ở lại TP HCM dịp Tết. Trong đó có hơn 420.000 công nhân làm việc ở các nhà máy, tăng hơn 30% so với năm trước. Một số đơn vị có công nhân không về quê đông như các khu chế xuất, khu công nghiệp hơn 98.000 người, quận Bình Tân hơn 55.000 người, quận 12 hơn 35.000 người…

Tiệc tất niên được ông Lê Thành Tâm, chủ nhà trọ ở Thạnh Lộc (quận 12) tổ chức cho công nhân. Ảnh: Lê Tuyết

Tiệc tất niên được ông Lê Thành Tâm, chủ nhà trọ ở quận 12 tổ chức cho công nhân. Ảnh: Lê Tuyết

Bà Huỳnh Thị Ngọc Liên, Trưởng ban Nữ công (Liên đoàn lao động TP HCM), cho hay áp lực chi phí y tế, học hành, tăng ca, nhiều công nhân đến thành phố làm việc phải gửi con cái ở quê nhờ ông bà chăm sóc. Thấu hiểu sự thiệt thòi đó, công đoàn luôn tạo điều kiện để các gia đình họp mặt ngày Tết như tặng vé xe, tàu, tổ chức xe đưa đón. Năm nay dịch bệnh, nhiều người mất việc, giảm thu nhập, e ngại quy định cách ly ở quê nên chọn ở lại thành phố, không ít gia đình chỉ “sum họp qua điện thoại”.

Để tạo không khí vui Xuân đầm ấm cho người lao động xa quê, công đoàn thành phố chi hơn 700 tỷ đồng thực hiện nhiều chương trình như phối hợp công viên Đầm Sen tổ chức cho hơn 10.000 gia đình công nhân đến vui chơi vào những ngày nghỉ Tết. Thành phố tổ chức họp mặt, chúc Tết 10.000 gia đình công nhân khó khăn, không có điều kiện về quê. Nhiều chủ nhà trọ, tổ công nhân tự quản, các công ty tổ chức tất niên, họp mặt để công nhân vơi bớt nỗi nhớ nhà.

Lê Tuyết