Tạo việc làm bền vững cho người lao động
Theo nhiều chuyên gia, hệ lụy của làn sóng rút BHXH một lần là sự bất ổn của thị trường lao động dẫn đến niềm tin của người lao động (NLĐ) vào vị trí việc làm bị lung lay, khiến cuộc sống của họ thường xuyên bị đảo lộn, gặp khó khăn, bế tắc.
Không thể trách người lao động
Là doanh nghiệp (DN) công nghệ cao và chỉ sử dụng 120 lao động, thế nhưng 5 tháng đầu năm nay, Công ty TNHH Fuji Im-pulse Việt Nam (KCX Linh Trung I, TP Thủ Đức, TP HCM) có khoảng 30% lao động xin nghỉ việc.
Ông Huỳnh Kim Khoa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Fuji Impulse Việt Nam, cho biết qua tìm hiểu, lý do nghỉ việc phần đông NLĐ lo lắng chính sách BHXH sẽ thay đổi trong thời gian tới. Vì vậy, những lao động làm việc lâu năm, trong đó có nhiều lao động kỹ thuật xin nghỉ để rút BHXH một lần. Cũng không ít NLĐ nghỉ việc quay về quê hoặc chọn các nghề tự do (chạy xe ôm công nghệ, bán hàng online…) để kiếm sống, không muốn bị gò bó với công việc ở nhà máy.
Điều này sẽ đẩy bất lợi về phía DN bởi thiếu hụt lao động có tay nghề cao, kinh nghiệm làm việc lâu năm. “Hoạt động trong ngành cơ khí chính xác nên công ty phải mất cả năm, thậm chí vài năm để đào tạo một lao động lành nghề. Do vậy, việc lao động có tay nghề xin nghỉ việc khiến DN gặp khó khăn trong sản xuất” – ông Khoa cho hay.
Ở góc độ NLĐ, anh Lê Ngọc Đức (36 tuổi, ngụ Bình Chánh, TP HCM), cho rằng chẳng ai muốn rời bỏ công ty nếu có việc làm ổn định, thu nhập tốt. Anh Đức bắt đầu sự nghiệp tại một công ty cơ khí ở KCN Tân Bình (Tân Phú, TP HCM) khi mới học hết THPT. Trong quá trình làm việc, anh được công ty cử đi học cao đẳng nghề, sau đó tiếp tục học lên để có bằng kỹ sư chế tạo khuôn mẫu. “Khởi điểm với mức lương 3,8 triệu đồng/tháng nhưng hiện mức lương của tôi gấp 10 lần. Tôi may mắn khi được làm việc trong môi trường mà NLĐ được tạo điều kiện nâng cao tay nghề” – anh Đức nói.
Công ty TNHH Lập Phúc hiện có 180 lao động, chủ yếu là CN có tay nghề với thu nhập khá cao (từ 10-40 triệu đồng/người/tháng), tùy vị trí công việc. Ông Nguyễn Văn Trí, Tổng Giám đốc công ty, cho biết từ sinh viên thực tập đến CN, ai có nhu cầu học tập nâng cao trình độ đều được ban giám đốc hỗ trợ. “Hỗ trợ NLĐ cải thiện kỹ năng nghề là cách giúp họ trụ vững trong thị trường lao động và đó cũng là cách để DN nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh” – ông Trí bày tỏ.
Nâng cao tay nghề, tạo việc làm bền vững cho người lao động được Công ty TNHH Lập Phúc đặt lên hàng đầu. Ảnh: HUỲNH NHƯ
Cấp thiết đào tạo nghề
Từ trường hợp của anh Lê Ngọc Đức mới thấy vai trò quan trọng của DN trong việc ổn định nguồn nhân lực. Khi DN chú trọng con người, đưa NLĐ vào trọng tâm phát triển, trong đó chú trọng đào tạo, nâng cao tay nghề cho họ, chi trả lương thưởng tương xứng với năng lực thực tế thì không phải lo chuyện NLĐ rời đi. Từ đó, thị trường lao động cũng sẽ ổn định và bền vững.
Mới đây, tại tọa đàm “Thanh niên CN tiên phong áp dụng chuyển đổi số vào chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả lao động sản xuất – kinh doanh”, anh Ngô Văn Cương, Bí thư Trung ương Đoàn, cho rằng khoảng 15 triệu CN Việt Nam, cả những kỹ sư, thợ lành nghề, người trực tiếp sản xuất, cung ứng dịch vụ… là lực lượng quan trọng cần thích nghi với quá trình chuyển đổi số. Do đó, DN cần tạo lập môi trường để NLĐ nâng cao tay nghề, tiếp cận khoa học công nghệ và ứng dụng chuyển đổi số vào công việc hằng ngày. Từ đó nâng chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công việc trong kỷ nguyên số.
TS Nguyễn Xuân Hải, Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), cho rằng Việt Nam đang thiếu nhiều lao động tay nghề để thúc đẩy các ngành sản xuất trong nước, đồng thời DN cũng gặp nhiều khó khăn để tìm kiếm lao động có tay nghề phù hợp. Trong khi đó, khả năng đào tạo tại chỗ, đào tạo lại chưa như kỳ vọng dù có nhiều chính sách lớn hỗ trợ vấn đề này.
Theo TS Hải, về tổng quan thì việc làm không thiếu, chỉ thiếu NLĐ không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Nhiều DN nước ngoài không thể tìm được nhân sự trong nước, mới tuyển nhân sự từ các nước khác đến Việt Nam làm việc. Do đó, nếu không được đào tạo nghề, không chịu nâng cao tay nghề thì NLĐ Việt Nam sẽ thua ngay trên sân nhà khi làn sóng đầu tư từ nước ngoài vào nước ta đang diễn ra mạnh mẽ.
“Quan trọng nhất hiện nay là xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Trong đó cấp thiết nhất là đào tạo nghề cho NLĐ chưa có nghề, nâng cao tay nghề cho NLĐ có tay nghề thấp và cần một chính sách lớn về giáo dục nghề nghiệp (GDNN)” – TS Hải nói.
Ưu tiên ngân sách giáo dục nghề nghiệp
Ban Bí thư vừa có Chỉ thị về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chỉ thị yêu cầu phải tạo đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Phấn đấu đến năm 2030 thu hút 50%-55% học sinh trung học vào hệ thống GDNN; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 50% lực lượng lao động. Đến năm 2045, đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của nước phát triển, đạt trình độ tiên tiến của thế giới. Nhằm đẩy nhanh lộ trình phổ cập nghề cho thanh niên, CN, nông dân và NLĐ, Ban Bí thư yêu cầu tăng cường nguồn lực, ưu tiên ngân sách nhà nước cho GDNN.