Tạo thuận lợi để công nhân vay vốn

Sáng 26-10, LĐLĐ TP HCM đã tổ chức hội nghị góp ý Dự thảo Chương trình “Công đoàn TP HCM đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ vốn cho đoàn viên – lao động, góp phần tham gia phòng chống tín dụng đen giai đoạn 2023-2028”. Đây là một trong những chương trình trọng tâm của Công đoàn TP HCM trong những năm tới với mục tiêu hỗ trợ vốn cho 1,5 triệu lượt đoàn viên – lao động.

Ôm nợ do vay nóng

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng (huyện Bình Chánh, TP HCM), nhu cầu vay vốn trong công nhân (CN) rất cao. Song, không phải ai cũng có thể tiếp cận các nguồn vốn tín dụng.

Trước đây, khi Công đoàn công ty chưa kết nối với Tổ chức Tài chính vi mô CEP, một bộ phận CN phải vay nóng và nhiều trường hợp mất khả năng thanh toán. Điều đó đã gây ra nhiều hệ lụy: Không chỉ người lao động (NLĐ) kiệt quệ về kinh tế, tinh thần mà cả cán bộ Công đoàn, lãnh đạo công ty cũng bị vạ lây. Để hạn chế tình trạng này, công ty đã hỗ trợ CN vay không lãi suất và trả dần vào lương nhưng vẫn không thể đáp ứng hết nhu cầu của NLĐ.

Từ khi Công đoàn kết nối với CEP cách đây 6 năm, tình trạng CN vay tín dụng đen đã cơ bản được giải quyết. Đến nay, Công đoàn Công ty Đại Dũng đã phối hợp với CEP giải ngân cho 878 lượt CN vay tổng số vốn 24,5 tỉ đồng.

Tạo thuận lợi để công nhân vay vốn - Ảnh 2.

Công nhân khó khăn tại KCX Tân Thuận (quận 7, TP HCM) được hỗ trợ vốn để trả nợ tín dụng đen và phát triển kinh tế gia đình

Theo ông Hùng, chương trình Công đoàn TP HCM tham gia phòng chống tín dụng đen trong CN rất ý nghĩa, bởi tổ chức Công đoàn đang quản lý CEP. Nguồn vốn của CEP phù hợp với CN, không cần thế chấp, lãi suất hợp lý, vì vậy cần được đẩy nhanh, đẩy mạnh hơn nữa để họ tránh rơi vào vòng xoáy tín dụng đen.

Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho biết thời gian gần đây, việc CEP có một số thay đổi về điều kiện, thủ tục, đối tượng cho vay đã khiến NLĐ khó tiếp cận vốn. Cụ thể, CN phải có thời gian làm việc từ 24 tháng trở lên mới được vay. Tiêu chí này đã vô tình thu hẹp đối tượng vay, do vậy CEP cần xem xét lại.

Theo bà Phạm Thị Hồng, Chủ tịch Công ty TNHH Nệm Vạn Thành (quận Tân Phú, TP HCM), thời gian qua, nhiều DN giảm đơn hàng, NLĐ giảm thu nhập nhưng các khoản tiền nhà, tiền xăng xe, ăn uống, học phí cho con vẫn phải lo đủ. Điều đó khiến họ chịu áp lực rất lớn, phải vay nóng bên ngoài.

Tại công ty của bà Hồng, nhiều trường hợp cũng như vậy, chủ nợ thậm chí còn làm phiền lãnh đạo doanh nghiệp. Vì vậy, bà rất mong CEP tạo điều kiện thuận lợi hơn vì với các quy định như hiện tại, nhiều CN khó thể tiếp cận vốn.

Bà Hồng dẫn chứng: “Công ty tôi trả lương cho CN vào ngày 15 và 30 hằng tháng trong khi CEP thu vào ngày 20, dẫn đến một số trường hợp chậm đóng. Thương CN, tôi phải ứng trước để đóng giúp họ và nhận lại sau. Vì vậy, tôi mong rằng thời gian tới, CEP sẽ xem xét về quy trình vay, thời gian trả nợ cũng như tin tưởng vào Công đoàn cơ sở để thuận lợi cho CN”.

Nới lỏng quy định vay

Góp ý về hoạt động trợ vốn cho NLĐ trong 5 năm tới, nhiều cán bộ Công đoàn cho rằng mục tiêu của chương trình là giúp CN tiếp cận nguồn vốn có lãi suất phù hợp thay vì vay nóng bên ngoài. Tuy nhiên, quy trình vay vốn của CEP khiến nhiều CN gặp trở ngại.

Ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức), cho rằng việc CEP yêu cầu người vay chứng minh sử dụng đúng mục đích (ví dụ sửa nhà, mua xe, tiêu dùng…, phải cung cấp hóa đơn) là rất khó. Bởi thực tế, không ít CN cần những khoản vay nhỏ từ 5 – 10 triệu đồng để phụ giúp gia đình nên không thể có hóa đơn chứng từ.

“CEP phải làm sao để CN được dễ dàng tiếp cận vốn vay. Mặt khác, giai đoạn này, NLĐ gặp rất nhiều khó khăn. Tôi mong muốn CEP sẽ xem xét giảm lãi suất để chia sẻ với họ” – ông Hồng bày tỏ.

Trong khi đó, bà Vũ Thế Vân, Chủ tịch Công đoàn KCX-CN TP HCM, cho hay hiện nay, CEP hạn chế giải ngân trước Tết Nguyên đán trong khi đây là thời điểm NLĐ cần vốn nhất để trang trải. Năm nay, nhiều DN gặp khó khăn, tổ chức Công đoàn phải đẩy mạnh chăm lo, trong đó có hoạt động trợ vốn. Đây là cách để thu hút NLĐ gia nhập Công đoàn. Vì vậy, bà đề xuất CEP cân nhắc việc giải ngân trước Tết cho CN.

Ngoài ra, nhiều ý kiến còn cho rằng để chương trình phòng chống tín dụng đen trong CN đạt hiệu quả, cần phải nâng cao kiến thức cho NLĐ, giúp họ hiểu được rủi ro nếu vay nóng mà không thể trả lãi, trả góp đúng hạn.

Liên quan quy trình, thủ tục vay vốn CEP, ông Nguyễn Tấn Đạt, Phó Tổng Giám đốc CEP, cho biết đơn vị này luôn kiên trì mục tiêu giúp NLĐ có thu nhập thấp cải thiện an sinh. CEP luôn nỗ lực để duy trì mức lãi suất cho vay thấp nhất trong số các tổ chức tài chính vi mô.

Việc CEP yêu cầu khách hàng phải chứng minh mục đích sử dụng vốn là theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước. Chưa hết, theo Thông tư 03/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, chỉ hộ nghèo, cận nghèo mới được vay của Tổ chức Tài chính vi mô mà không có CN. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động trợ vốn của CEP.

“Chúng tôi đang cố gắng cùng với tổ chức Công đoàn đề xuất, kiến nghị sửa đổi nhằm nới lỏng các quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng để NLĐ tiếp cận nguồn vốn dễ dàng nhất có thể” – ông Đạt nhấn mạnh.