Tái thất nghiệp sau xuất khẩu lao động

Sau 7 năm làm việc tại một nhà máy dệt ở Hàn Quốc, anh Trần Đạt trở về quê Hà Tĩnh với vạch xuất phát, hiện mưu sinh bằng nghề phụ hồ, bốc vác.

Năm 2009, anh Đạt bỏ nghề đi biển, vay tiền sang Hàn Quốc làm công nhân nhà máy dệt, lương tháng 800-1.000 USD (14-16 triệu đồng tiền Việt Nam, tính theo giá USD thời đó). Qua thời gian lương tăng dần, nhưng không quá 20 triệu đồng. Mỗi tháng anh trích khoảng 5-7 triệu đồng để sinh hoạt, còn lại gửi về quê nhà xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, để vợ trả nợ, nuôi hai con ăn học.

Sau hai lần gia hạn hợp đồng, anh Đạt về quê vào năm 2016. Trừ các khoản lo cho gia đình, chi tiêu cuộc sống hàng ngày của vợ con, số vốn anh tích lũy được trong quá trình đi xuất khẩu khoảng 500 triệu đồng. Ban đầu anh định tiếp tục nghề đi biển bởi hải sản đánh bắt được nhiều, giá ổn định. Tuy nhiên, sau nhiều năm dốc hết sức làm việc trong nhà máy dệt, cơ thể anh đã quen với guồng quay mới. Trở lại biển, anh bị say sóng, đi khoảng một hải lý đã thấy chóng mặt. Anh muốn theo nghề dệt, nhưng quê không có nhà máy, nếu muốn phải vào Nam.

Giờ anh Đạt đã 49 tuổi, mưu sinh bằng nghề phụ hồ, bốc vác, song vì sức khỏe yếu và công việc không ổn định nên một tuần chỉ làm được 2-3 công. Tiền kiếm không ra, vợ không có việc làm, gia đình thường trích mỗi lần vài triệu trong khoản tiền 500 triệu đồng tích lũy để trang trải. “Sau 4 năm, gia đình tôi tiêu hết tiền tích lũy. Từ năm 2020, Covid-19 xuất hiện khiến cuộc sống gia đình đảo lộn, việc hiếm, thiếu tiền đôi lúc phải đi vay”, anh Đạt nói.

Anh Đạt tâm sự rất buồn bởi mong ước xuất khẩu để đổi đời, nhưng nay vẫn dậm chân tại chỗ. Căn nhà cấp bốn do bố mẹ để lại trước khi lấy vợ vẫn chưa thể xây mới. Bạn bè anh nhiều người sau xuất ngoại cũng loay hoay, không biết bắt đầu từ đâu. Đa số học hành ít, khi đi còn trẻ, lúc trở về tuổi đã trung niên, không thể làm việc nặng, muốn khởi nghiệp cũng khó vì chẳng có kinh nghiệm.

Lao động Việt làm công việc nặng nhọc tại Đài Loan, tháng 8/2022. Ảnh: Hùng Lê

Lao động Việt làm công việc nặng nhọc tại Đài Loan, tháng 8/2022. Ảnh: Hùng Lê

Theo ông Đinh Văn Nam, Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Nghi Xuân – địa phương lao động đi xuất khẩu nhiều nhất tỉnh Hà Tĩnh, với hơn 14.500 người, mỗi năm huyện đưa 1.000 người ra nước ngoài làm việc và đón khoảng 300 trường hợp hết hợp đồng trở về quê.

Lao động trở phân hóa theo hai hướng. Khoảng 70% chuyển đổi nghề nghiệp theo hướng nhàn hạ, thu nhập cao hơn như mở hợp tác xã sản xuất, đầu tư kinh doanh… 30% tiền làm ra vừa đủ trả nợ, xây được nhà, sau đó quay lại nghề cũ như đi biển, làm việc chân tay nặng nhọc. Anh Đạt nằm trong số trường hợp này.

“Hàng năm huyện luôn phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh và các doanh nghiệp thông báo về các xã, nhắc nhở người mới xuất ngoại về đến nghe tư vấn tìm việc. Tuy nhiên, theo cảm nhận chung của các cán bộ tư vấn thì đa số người dân không có nhu cầu, ít mặn mà. Họ tự tìm hiểu qua bạn bè, người thân rồi tự làm, rất ít trường hợp theo định hướng của chính quyền”, ông Nam nói.

Thực tế không phải tất cả lao động xa xứ về nước đều khó tìm việc, vẫn có người biết tích lũy kinh nghiệm, tiền bạc để tự tạo việc làm, vươn lên làm giàu. Nhưng theo các chuyên gia lao động, tỷ lệ đó chỉ chiếm 1/4-1/5 trong hàng trăm nghìn người đi xuất khẩu mỗi năm. Anh Hoàng Minh Thắng, 47 tuổi, quê huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, nằm trong số ít người thành công.

Năm 1994, gia đình bán 6 con bò để anh Thắng đi Hàn Quốc, theo nghề đánh bắt xa bờ. Hết hợp đồng hai năm, anh về nước, rồi tiếp tục sang Hàn Quốc thêm hai chuyến, gồm 3 năm đánh bắt xa bờ, 5 năm phục vụ nghề biển trong bờ. Năm 2004, anh Thắng về nước, mang theo chút vốn liếng, kỷ luật lao động của xứ người và ý chí vươn lên thoát nghèo. “Nguồn vốn đưa về ít nhưng rất có giá trị. Vì có số vốn này mình mới mạnh dạn vay thêm để mở trang trại, chứ vay toàn bộ thì trả lãi không nổi”, anh Thắng kể lại.

Hiện anh sở hữu trang trại rộng 6 ha, trong đó 3,5 ha nuôi tôm, còn lại là trang trại lợn khép kín, có dàn lạnh nuôi 50 heo nái, 300 heo thịt. Trang trại tạo việc làm cho gần 10 lao động địa phương, mang lại lợi nhuận khoảng 1,5 tỷ đồng. Đầu tháng 8, anh Thắng là một trong hai nông dân của tỉnh được vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022”.

Anh Hoàng Minh Thắng trong trang trại tôm. Ảnh: Quang Hà

Anh Hoàng Minh Thắng trong trang trại tôm. Ảnh: Quang Hà

Tại một hội nghị về xuất khẩu lao động tổ chức giữa tháng 8, bên cạnh một số mặt tích cực, nhiều chuyên gia chỉ ra thực trạng 90% người đi làm việc ngoài nước thuộc nhóm tay nghề thấp, hạn chế về chuyên môn, ngoại ngữ. Tỷ lệ lao động kỹ thuật bậc cao, chuyên gia không quá 10%. Đây chính là nguyên nhân khiến họ khó có cơ hội phát triển khi về nước và dễ rơi vào vòng luẩn quẩn khó tìm việc làm, thậm chí thất nghiệp.

Nhận định này cũng phù hợp với khảo sát của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) với những thực tập sinh làm việc tại Nhật Bản. Đến tháng 6/2021, khoảng 200.000 thực tập sinh kỹ thuật Việt Nam đang học tập tại Nhật Bản, chiếm 63,8% số học viên quốc tế được đào tạo nghề tại quốc gia này. Đây được coi là nguồn lao động cho các công ty FDI Nhật Bản, liên doanh Việt – Nhật, văn phòng đại diện Nhật Bản tại Việt Nam.

Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, tỷ lệ thực tập sinh Việt Nam về nước tìm được việc làm thấp nhất, chỉ 26,7%, trong khi Trung Quốc, Thái Lan, Philippines hơn 50%. Tỷ lệ thực tập sinh kỹ thuật của Việt Nam trở về làm công việc tương tự như ở Nhật Bản thấp. “Đây là sự lãng phí kinh nghiệm của nguồn nhân lực, không đáp ứng mục đích ban đầu của chương trình thực tập sinh kỹ thuật là chuyển giao kỹ năng”, JICA đánh giá.

Về lý do không tìm được việc, khảo sát 341 doanh nghiệp Nhật Bản và hơn 40 nhà tuyển dụng cho thấy thực tập sinh chủ yếu làm việc trong lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp, dịch vụ và công nghệ thông tin, nhưng ngoài khả năng tiếng Nhật thì kinh nghiệm làm việc trong quá khứ của họ không có nhiều giá trị. Nhiều doanh nghiệp cho biết phạm vi làm việc của thực tập sinh hạn chế. Họ chỉ được trải nghiệm một loại máy và có thể máy đó không được sử dụng ở Việt Nam.

Ngoài ra, 47% công ty đánh giá thu nhập là rào cản lớn khi tuyển người học tập từ Nhật trở về. Hàng tháng, bình quân thu nhập ở Nhật của họ 1.000-1.500 USD, cao gấp 3-4 lần mức trung bình của công nhân mới vào nghề trong nước.

Để giải quyết bài toán việc làm hậu xuất khẩu, ông Nguyễn Xuân Lanh, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Esuhai, TP HCM – doanh nghiệp có kinh nghiệm hơn 10 năm đưa lao động đi Nhật Bản, cho rằng người lao động phải thay đổi tâm thế khi đi. Mới trong độ tuổi 20-30, nhưng phần lớn lại nghĩ “hết cửa”, xuất khẩu để giải quyết nhu cầu ngắn hạn về thu nhập, việc làm. Hệ lụy của suy nghĩ đó là không có định hướng dài hạn cho cuộc đời, không có nhu cầu tiếp thu cái mới, không tự chuẩn bị cơ hội cho tương lai sau khi về nước.

Chuyên gia nhấn mạnh 3-5 năm ở nước ngoài là thời gian bản lề đối với cuộc đời một lao động xuất khẩu. Dù làm việc giản đơn cũng cần học ngoại ngữ. Nếu chỉ đơn giản nhận chỉ thị từ người quản lý, không trao đổi được khi cần thì dễ dẫn đến xung đột. Giao tiếp xã hội của họ cũng bị hạn chế, chủ yếu co cụm trong nhóm đồng hương người Việt nên không học được gì, ý chí vươn lên dần bị mai một. Lao động không chịu học thì doanh nghiệp phái cử cũng khó đào tạo.

Đức Hùng – Hoàng Táo – Hồng Chiêu