Sinh viên Trung Quốc đổ xô đi làm công nhân nhà máy dịp nghỉ hè, tiền tích cóp nhiều hơn cả thực tập ngân hàng

10 giờ rưỡi tối là lúc mà Lin Feng, một sinh viên sắp lên năm thứ ba ở Trung Quốc mới kết thúc một ngày làm công nhân trong đợt nghỉ hè. Ngay khi kỳ nghỉ hè còn chưa bắt đầu, Lin Feng đã rục rịch đi tìm việc làm thêm. Anh đã tìm thử các công việc như gia sư, thực tập ở ngân hàng, nhưng cuối cùng lại chọn vào làm ở một nhà máy đóng gói tại Thâm Quyến. Công việc bao ăn, bao ở, tiền lương là 19 NDT/giờ (khoảng 60.000 đồng/giờ).

Zou Yu, một sinh viên khác đến từ Hà Nam, Trung Quốc, cũng chọn công việc tại một dây chuyền lắp ráp sau khi thấy các bạn cùng lớp đổ xô đi làm thêm hè trong nhà máy. Với mức lương kỳ vọng là 5.000 NDT (khoảng 16,5 triệu đồng), mục tiêu của cô là kiếm được một chiếc iPad sau hai tháng hè. Zou Yu cho biết, hầu như các công việc trong thành phố là làm tiếp tân hay rửa bát đĩa ở các nhà hàng, tiền lương rơi vào khoảng 3.500 NDT, tiền thuê nhà và sinh hoạt tốn hết 800-1.000 NDT, như thế chẳng tiết kiệm được là bao, làm trong nhà máy vẫn tốt hơn.

Vì sao sinh viên Trung Quốc đổ xô đi làm thêm hè ở nhà máy?

Tại Trung Quốc, để có được một công việc thực tập “đẹp hồ sơ” ở công sở, sinh viên phải trải qua một cuộc cạnh tranh vất vả với những đòi hỏi rất cao về thành tích học tập. Nhiều vị trí còn không bao ăn, bao ở nên cuối tháng cũng chẳng tích cóp được bao nhiêu.

Đi làm ở các nhà máy lại khác: yêu cầu đầu vào thấp, làm một lúc là quen tay, lại còn có bao ăn, bao ở. Đối với những sinh viên có kinh tế gia đình bình thường, thành tích học tập không quá xuất sắc, đi làm công nhân ở nhà máy trong kỳ nghỉ hè là lựa chọn tuyệt vời và là xu hướng được hưởng ứng mạnh mẽ.

Các nhà máy điện tử là nơi thường hay tuyển dụng lao động tạm thời, nhất là khi ngoài mùa cao điểm. Chuỗi cung ứng của Apple do Foxconn làm đại diện là một ví dụ điển hình. Trong các kỳ nghỉ, nhà máy điện tử, kho hậu cần và các nhà máy sản xuất quy mô nhỏ thường tuyển sinh viên làm lao động chủ lực.

Các công việc này thường có lương từ 16 NDT/giờ, ngày làm từ 10 đến 12 tiếng, tháng nghỉ bốn ngày, bao ăn bao ở. Cuối tháng, một sinh viên có thể kiếm được gần 5.000 NDT (khoảng 16,5 triệu đồng). Sau khi trừ đi các chi phí sinh hoạt cần thiết thì có thể tích cóp được 4.000 NDT (khoảng 13 triệu đồng).

Nghỉ hè, sinh viên Trung Quốc đổ xô đi làm công nhân nhà máy, mục tiêu mua được iPad sau 2 tháng - Ảnh 1.

Không làm công nhân, còn có thể làm trung gian tuyển dụng

Sinh viên Trung Quốc đi làm thêm ở nhà máy theo hai dạng. Một là làm trực tiếp với một nhà máy cụ thể, công việc cố định, nơi ăn chốn ở cũng trong nhà máy luôn. Hai là được bên trung gian sắp xếp nơi ở cùng những người đang tìm việc khác, công việc được phân công theo từng ngày và không làm cố định cho một nhà máy duy nhất. Theo đó, mỗi người phải trả phí ăn ở cho bên trung gian từ 10 đến 20 NDT/ngày.

Khi việc đi làm công nhân trong kỳ nghỉ hè của sinh viên Trung Quốc trở thành xu hướng, các đầu việc tuyển dụng trung gian cũng nhiều lên. Li Yang, một sinh viên mới xong năm nhất cũng vào làm ở một công ty đại lý lao động. Li Yang dùng mạng xã hội để tuyển dụng. Năm nay, anh đã tuyển được hàng chục sinh viên vào làm ở các nhà máy. Với mỗi giờ lao động của một người, anh nhận được từ 1 đến 3 NDT.

Vất vả nhưng lại là bài học đầu đời cần thiết

Tuy nhiên, làm công nhân trong nhà máy hoàn toàn không phải việc nhẹ, lương cao. Mặt bằng tiền lương ở Trung Quốc năm nay đã giảm so với các năm trước do số lượng sinh viên đi xin việc trong mảng này tăng vọt. Nếu tiền lương tối thiểu mỗi giờ ở các nhà máy điện tử trong các năm trước là 20-30 NDT thì nay chỉ còn khoảng 18 NDT. Nhiều nhà máy kín chỗ, các sinh viên thậm chí còn phải thi phỏng vấn. 

Công việc trong nhà máy cũng rất vất vả. Cô sinh viên Zou Yu chia sẻ: “Bên trung gian nói công việc dán nhãn đơn giản, dễ làm, hợp với nữ giới. Nhưng vào làm rồi tôi mới biết cường độ công việc trong này không phân biệt nam nữ gì hết. Tôi đến nhà máy vào lúc 6 giờ 30 tối, nộp điện thoại di động và trình chứng minh thư. 8 giờ tối bắt đầu làm việc cho tới 8 giờ sáng hôm sau. Tôi ngủ đến hơn 5 giờ chiều rồi lại dậy thu dọn và đi làm ngay”.

Ngoài ra, nhà máy nơi Zou Yu đang làm ưu tiên ca ngày cho những người lao động không phải sinh viên. Do đó, những người như Zou Yu thường phải làm ca đêm nên càng mệt mỏi.

Những sinh viên không tìm được việc làm cố định tại một nhà máy cụ thể mà phải chờ bên trung gian phân công đôi khi bị “mắc kẹt” luôn trong sự chờ đợi, không những không có việc để làm mà còn phải trả chi phí ăn ở cho trung gian.

Nghỉ hè, sinh viên Trung Quốc đổ xô đi làm công nhân nhà máy, mục tiêu mua được iPad sau 2 tháng - Ảnh 2.

Mặc dù mỗi người mỗi khác, nhưng việc làm công nhân trong nhà máy vào kỳ nghỉ hè đã trở thành những bài học đầu đời đối với nhiều sinh viên đại học. Có người sau đó đã lên kế hoạch tương lai rõ ràng hơn, ví dụ như học lên thạc sĩ hoặc nâng cao kỹ năng còn thiếu. Có người tự nhủ mình sẽ chịu đựng gian khổ tốt hơn người khác vì đã trải qua cuộc sống vất vả trong nhà máy. Cuộc sống cần có nhiều trải nghiệm và người trẻ thì không nên phí thì giờ sống mãi trong vùng an toàn, quen thuộc và nhàn hạ. 

Tham khảo từ: Sina


Thùy An