Sinh viên làm thêm: Được gì, mất gì?
Từ tháng 2-2023, bạn Nguyễn Thụy Mỹ Linh (quê quán Tiền Giang), sinh viên năm 3, Đại học Tài chính- Marketing, làm thu ngân và tư vấn sản phẩm cho khách hàng tại một tiệm bánh. Chia sẻ về mục đích công việc, Linh cho biết muốn có cơ hội giao lưu, tiếp xúc với nhiều đối tượng khác nhau để nâng cao kiến thức, vốn sống cho bản thân. “Tôi không đặt nặng yếu tố thu nhập, bởi tích lũy kinh nghiệm và học hỏi mới là mục tiêu hướng đến khi làm thêm. Đó cũng sẽ là hành trang sau này khi tôi tốt nghiệp và gia nhập thị trường lao động” – Linh chia sẻ.
Thực tế, sau gần nửa năm gắn bó với công việc, Linh thấy bản thân thay đổi rất nhiều. Từ một người vụng về, ngại ngùng khi tiếp xúc với người khác, giờ đây Linh đã tự tin hơn trong giao tiếp và có thể xử lý tốt các vấn đề phát sinh trong quá trình làm việc. Mỹ Linh chia sẻ thêm, yếu tố để cho sinh viên cống hiến hết mình chính là môi trường làm việc năng động. Linh cảm thấy may mắn khi được quản lý nơi bạn làm việc tạo cơ hội để phát huy hết khả năng, đồng thời lắng nghe và kịp thời hỗ trợ giải quyết các vấn đề phát sinh.
Nguyễn Tuấn Huy với công việc chạy xe ôm công nghệ
Từ năm 2, Từ Kim Yến- sinh viên một trường Đại học tại TP HCM đã bắt đầu công việc làm gia sư. Theo Yến, quá trình làm thêm là một trải nghiệm đầy thú vị, giúp bạn ôn lại kiến thức cũng như tích lũy nhiều kinh nghiệm cho tương lai. “Thu nhập từ việc dạy kèm không cao nhưng giúp tôi trang trải một phần chi phí sinh hoạt, đỡ một phần nào gánh nặng cho cha mẹ. Tôi rất vui khi khi chứng kiến học trò của mình đạt thành tích cao trong học tập” – nữ sinh viên này chia sẻ.
Công việc hằng ngày của Mỹ Linh là giới thiệu sản phẩm đến khách hàng
Với mong muốn tự chủ trong chi tiêu, Nguyễn Tuấn Huy, sinh viên năm 3 trường Đại học Văn Lang đã đăng ký chạy xe ôm công nghệ. Thời gian đầu, việc phải chạy ngoài trời trong thời gian dài khiến sức khỏe Huy giảm sút. Chạy được một thời gian, Huy tự rút ra được nhiều kinh nghiệm để vẫn có thể tiếp tục đi làm mà không ảnh hưởng đến việc học. Huy chia sẻ: “Tiền có nhiều cỡ nào thì cũng không quan trọng bằng sức khoẻ. Do vậy, tôi cố gắng điều tiết công việc phù hợp sao cho vừa có thu thu nhập, vừa không để việc học bị gián đoạn”.
Ý thức được sự vất vả của ba mẹ khi phải lo cho con ăn học nên bạn Ngô Hành Khải, sinh viên năm 3, Đại học Ngoại ngữ- Tin học TP.HCM) xem công việc làm thêm là để san sẻ với song thân. Công việc của một nhân viên pha chế nước đã giúp Khải rèn giũa cho bản thân những kỹ năng mềm như: xử lý sự cố phát sinh, nắm bắt nhu cầu khách hàng, quản lý chi tiêu,… Có thời điểm, do áp lực công việc nên Khải có ý định dừng lại. Thế nhưng, khi nghĩ đến gia đình thì Khải lại gạt bỏ những suy nghĩ tiêu cực để tiếp tục với công việc.
Bạn Từ Kim Yến kỹ lưỡng soạn giáo trình trước mỗi buổi dạy
Giải thích cho việc vì sao sinh viên vẫn quyết định đi làm thêm mặc dù phải chịu nhiều áp lực, Khải cho rằng yếu tố thu nhập chính là vấn đề tiên quyết. Sinh viên, đặc biệt là với sinh viên xa nhà, phần lớn sẽ có cuộc sống khá khó khăn, đi kèm với đó là chi phí sinh hoạt đắt đỏ ở các thành phố lớn, nếu chỉ trông cậy vào ba mẹ là sẽ không đủ. Chính lý do này đã đặt nặng lên sinh viên trách nhiệm về một công việc làm thêm.
Theo Khải, lợi ích từ việc làm thêm mang lại không chỉ tạo dựng môi trường để thử sức, học tập và gia tăng trải nghiệm mà đây cũng là cơ hội tốt nhằm giảm bớt tình trạng dựa dẫm vào thu nhập của gia đình. “Vì tiền kiếm ra rất khó, mà giữ còn khó hơn nên mình muốn làm mọi cách để hỗ trợ ba mẹ hết mức có thể”- Khải thổ lộ.
Theo Luật sư Đặng Anh Đức, Đoàn Luật sư TP HCM, khi đi làm thêm, sinh viên cần tìm hiểu kỹ công việc và mức lương được trả để tự bảo vệ quyền lợi của bản thân. Từ ngày 1-7-2022, Nghị định 38/2022/NĐ-CP (quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động) chính thức có hiệu lực. Theo Nghị định này, lần đầu tiên lương tối thiểu giờ được ấn định trong thực tế.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định này, mức lương tối thiểu vùng từ ngày 1.7.2022 được chia thành mức lương tối thiểu theo tháng và mức lương tối thiểu theo giờ, quy định cho theo 4 vùng.
Về mức lương tối thiểu theo tháng: Vùng I: 4.680.000 đồng/tháng; vùng II: 4.160.000 đồng/tháng; vùng III: 3.640.000 đồng/tháng; vùng IV: 3.250.000 đồng/tháng. Mức lương tối thiểu nêu trên tăng từ 180.000 đồng – 260.000 đồng (bình quân 6%) so với mức lương tối thiểu hiện hành).
Về mức lương tối thiểu theo giờ: Vùng I: 22.500 đồng/giờ; vùng II: 20.000 đồng/giờ; vùng III: 17.500 đồng/giờ; vùng IV: 15.600 đồng/giờ.