Sang châu Phi làm việc: Phải “chọn mặt gửi vàng”
Vài năm gần đây, châu Phi cũng là một trong những thị trường thu hút lao động Việt Nam sang làm việc. Tuy không sôi động như khu vực Đông Bắc Á, châu Âu hay Úc, lục địa này có những ngành nghề rất phù hợp với người lao động (NLĐ) Việt Nam. Nhiều lao động cho biết châu Phi có nhiều việc làm, thu nhập khá, chi phí sinh hoạt thấp, tuy nhiên cũng nhiều rủi ro.
Vẫn còn may nhờ rủi chịu
Đầu năm 2023, sau gần 8 năm làm việc ở Hàn Quốc, anh Đinh Quang Sự (35 tuổi, quê Nghệ An) với 3 người bạn cùng quê sang Algeria làm việc trong ngành xây dựng. Bốn lao động này được một doanh nghiệp (DN) dịch vụ phái cử lao động uy tín trong nước đưa sang làm việc cho một công ty xây dựng có chủ là người Ý.
Theo anh Sự, tuy thu nhập ở Algeria không cao bằng Hàn Quốc nhưng hơn ở Việt Nam, trong khi chi phí sinh hoạt rẻ, chi phí để sang làm việc chỉ hơn 40 triệu đồng/người. “Chúng tôi có hợp đồng làm việc, visa lao động trước khi xuất cảnh. Sau 3 tháng học tiếng và hòa nhập, thêm 3 tháng làm việc trực tiếp, hiện chúng tôi đều làm quản lý đội nhóm, trực tiếp hướng dẫn thợ thi công. Môi trường làm việc tuy nặng nhọc nhưng an toàn theo chuẩn châu Âu” – anh Sự nói.
Xây dựng là ngành tiềm năng tại châu Phi dành cho lao động Việt Nam
Trong khi đó, 2 anh em Nguyễn Văn Lập và Nguyễn Văn Luận (33 và 31 tuổi, quê Hà Tĩnh) lại gặp nhiều khó khăn sau gần 4 năm làm việc tại Cộng hòa Angola. Cũng làm trong ngành xây dựng nhưng 2 anh em thường xuyên phải đổi chủ, có lúc bị nợ lương, quỵt lương khiến nhiều năm làm việc cật lực nhưng không có dư.
Anh Luận cho biết nhiều nhà thầu lớn đang chiếm lĩnh thị trường xây dựng Angola nhưng nhóm lao động Việt Nam chủ yếu làm cho thầu phụ có chủ đa phần đến từ Trung Quốc. Họ không chú trọng an toàn lao động, chăm lo đời sống công nhân nên gần như ai cũng bị bệnh sốt rét nhưng không được đưa đến cơ sở y tế. “Chúng tôi ráng làm để lấy giấy tờ, lộ phí sang nước khác chứ ở đây không ổn” – anh Luận bày tỏ.
Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab), thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cho biết 2 năm qua, cơ quan này đã chấp thuận cho 8 DN đủ điều kiện đưa lao động đi làm việc tại 4 nước châu Phi với 5 ngành nghề như: xây dựng, thợ hàn, điện, đốc công, thuyền viên. Trong đó có 5 DN được phép đưa lao động sang Algeria làm việc trong ngành xây dựng, gồm Công ty CP Nhân lực – Thương mại Vinaconex, Công ty CP Phát triển Nhân lực – Thương mại Việt Nam, Công ty CP Đầu tư – Hợp tác quốc tế Thăng Long (Thăng Long OSC), Công ty CP Phát triển – Xúc tiến thương mại Việt Nam (cùng TP Hà Nội) và Công ty CP Đầu tư quốc tế Việt Nam (tỉnh Bắc Ninh).
Tại Cộng hòa Djibouti, chỉ có Công ty CP quốc tế VXT (Hà Nội) đăng ký hợp đồng cung ứng lao động trong ngành xây dựng. Trong khi đó, Công ty TNHH MTV Cung ứng nhân lực và dịch vụ – VNSteel (Hà Nội) được phép đưa NLĐ sang Cameroon làm thợ hàn, thợ điện và đốc công. Còn ở Cộng hòa Seychelles, Công ty CP Vận tải và Đầu tư – Thương mại An Thái (TP Hải Phòng) được chấp thuận cung ứng lao động nghề thuyền viên.
Tránh bị lừa đảo
Ông Nguyễn Thanh Vân, Giám đốc thị trường Công ty Thăng Long OSC, đánh giá thị trường lao động tại châu Phi có tiềm năng nhưng phải có sự chọn lọc kỹ lưỡng. Nhiều nước tại lục địa này khá phát triển và thiếu lao động một số ngành như xây dựng, thợ hàn, thuyền viên và nông nghiệp.
Tuy nhiên, hiện Việt Nam mới chỉ ký kết với một số nước, trong đó chỉ có Algeria là tương đối lớn, 3 nước còn lại khá nhỏ về quy mô kinh tế. Ông Vân nhấn mạnh NLĐ khi sang châu Phi nên theo diện chính ngạch, chọn những DN uy tín bởi nhiều khu vực tại châu Phi vẫn còn xung đột có vũ trang, tình trạng cướp bóc khá phổ biến.
“Trước đây, nhiều NLĐ chọn cách sang châu Phi bằng visa du lịch rồi tìm cách trốn ở lại làm việc, sau đó xin visa lao động thông qua môi giới nên tốn rất nhiều tiền. Cũng có nhiều người đi theo kênh tuyển dụng của DN có công trình nhưng đó thực chất là thầu phụ cho nước ngoài nên họ cũng chỉ đơn thuần là môi giới lao động. Những cách này rất rủi ro, vì vậy các cơ quan đại diện của Việt Nam tại châu Phi nhiều lần khuyến cáo đến NLĐ” – ông Vân nói.
Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Angola, hiện có khoảng vài ngàn người sang làm việc bằng visa lao động do Đại sứ quán Angola ở Việt Nam cấp cho các công ty xây dựng của Trung Quốc. Vì quy mô các nhà thầu xây dựng này nhỏ nên cũng có không ít người thiếu việc làm, thu nhập bấp bênh. NLĐ không có bảo hiểm nên khi gặp ốm đau, tai nạn thì chủ thầu không mấy quan tâm, trong khi chi phí chữa bệnh tại Angola rất cao.
Đáng nói hơn là sang Angola theo hạn ngạch không chính thức nên dù có visa lao động, NLĐ vẫn bị xem là bất hợp pháp. Một vấn đề nữa là hệ thống ngân hàng Angola không kết nối với hệ thống ngân hàng nước ngoài. Chính vì vậy, lao động nước ngoài tại Angola thường giữ tiền mặt trong người nên dễ bị cướp.
Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Dolab, đề nghị NLĐ nếu gặp tổ chức, cá nhân tuyển lao động đi làm việc tại châu Phi ngoài những thị trường và DN trong danh sách thì thông tin về Dolab để có biện pháp xử lý. NLĐ sang châu Phi làm việc cần thông qua các DN dịch vụ được cấp phép và tìm hiểu thật kỹ về công việc, tay nghề, ngoại ngữ, chi phí. Nếu đi theo dạng ký hợp đồng trực tiếp với chủ ở nước ngoài thì phải làm thủ tục đăng ký tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi cư trú, nhằm tránh bị lừa đảo.