Săn đón lao động có tay nghề
Bình Dương hiện có 29 KCN và 12 cụm công nghiệp với hơn 1,2 triệu lao động. Nhiều năm qua, Bình Dương chủ trương thu hút những ngành nghề kỹ thuật cao và từng bước hạn chế các ngành nghề thâm dụng lao động. Thế nhưng, các doanh nghiệp (DN) hiện phải đối diện với bài toán thiếu hụt lao động có tay nghề.
Khó tuyển thợ giỏi
Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Bình Dương, cho biết hiện nay, nhiều DN trên địa bàn khó khăn về đơn hàng nên đã cắt, giảm lao động, dẫn đến tình trạng lao động mất hoặc thiếu việc làm. Tuy nhiên, không ít DN dù vẫn có nhu cầu tuyển dụng nhưng lại gặp khó trong việc tìm người, nhất là lao động đã qua đào tạo.
Dạo một vòng các KCN trên địa bàn Bình Dương, chúng tôi nhận thấy nhu cầu tuyển dụng CN kỹ thuật khá lớn. Mức lương các DN đưa ra khá hấp dẫn, từ 18 đến 25 triệu đồng/tháng, chưa kể những khoản phụ cấp, chuyên cần, đi lại.
Công nhân được tuyển dụng vào làm việc tại Công ty TNHH Điện tự động Thuận Nhật đều phải qua đào tạo nghề
Công ty TNHH Điện tự động Thuận Nhật (KCN Sóng Thần 3, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) là một trong những DN thường xuyên đưa ra chế đãi ngộ hấp dẫn để tuyển dụng lao động. Tuy nhiên, số người tuyển được lại rất hạn chế vì đa phần ứng viên không đạt yêu cầu.
Để có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất, Công ty TNHH Điện tự động Thuận Nhật phải ký hợp đồng đào tạo với Trường CĐ Việt Nam – Singapore (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương). Theo thỏa thuận, ngoài cam kết đào tạo đội ngũ công nhân (CN) đúng với tiêu chí của DN, trường còn mở 1 khóa huấn luyện với số lượng học viên 20-25 người. Chi phí khóa huấn luyện này do DN tài trợ 100%. Trong thời gian học tại trường, học viên được đến DN làm việc và được hưởng mức lương tương ứng. Học viên ra trường được DN nhận vào làm ngay, không phải thử việc.
Doanh nghiệp “tự bơi”
Bình Dương hiện có 22 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập (chiếm 20,4% cơ sở giáo dục nghề nghiệp toàn tỉnh), trong đó 3 trường cao đẳng, 4 trường trung cấp do địa phương quản lý. Các cơ sở đào tạo này đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giải quyết việc làm ở địa phương.
Thầy Trần Hùng Phong, Hiệu trưởng Trường CĐ Việt Nam – Singapore, cho biết hằng năm, trường ký kết hợp đồng đào tạo và cung ứng lao động cho khá nhiều DN trên địa bàn. Mối liên kết này có sự tham gia của DN trong các khâu tuyển sinh, đào tạo. Để nâng cao chất lượng đào tạo, ngoài nắm bắt nhu cầu của DN, trường còn thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy với mục tiêu cuối cùng là giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Theo thầy Phong, vấn đề khó nhất đối với các trường dạy nghề hiện nay là nguồn nhân lực phục vụ giảng dạy. So với mặt bằng chung thì thu nhập của giáo viên trường nghề còn thấp. Nhiều giáo viên lâu năm phải chấp nhận ra đi để tìm nơi làm việc mới có thu nhập tốt hơn.
Trước khó khăn chung này, nhiều DN đã tự cứu bằng phương án đào tạo tại chỗ, như Công ty TNHH Hariki Việt Nam (KCN Việt Nam – Singapore I, TP Thuận An). Do đặc thù ngành nghề nên công ty khó tuyển sinh viên mới ra trường mà chủ yếu là do DN tự đào tạo.
CN có tay nghề cao và kinh nghiệm làm việc sẽ được Công ty TNHH Hariki Việt Nam ưu tiên bồi dưỡng để trở thành những người quản lý. Với những CN được chọn lựa, kỹ sư giỏi sẽ trực tiếp hướng dẫn, đào tạo thêm, thậm chí còn được công ty gửi ra nước ngoài học tập nâng cao trình độ. Sau thời gian học ở nước ngoài, họ sẽ là đội ngũ nòng cốt hướng dẫn, huấn luyện CN mới. Mức lương của CN kỹ thuật nòng cốt cũng tăng lên từ 20%-50%.
Đổi mới giáo dục nghề nghiệp
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ LĐ-TB-XH hội sớm soạn thảo một nghị quyết về phát triển thị trường lao động đúng hướng, hiệu quả, linh hoạt, hiện đại và hội nhập. Trong các giải pháp phát triển thị trường lao động bền vững, Thủ tướng lưu ý đến giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, đổi mới toàn diện hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiệu quả để nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, cần tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc kết nối giáo dục nghề nghiệp với DN; xây dựng chính sách ưu đãi học tập, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, đánh giá công nhận trình độ kỹ năng cho người lao động; đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bổ sung, đào tạo tại DN để thu hút lao động tại chỗ hiệu quả nhằm giải quyết triệt để vấn đề thiếu hụt nhân lực cục bộ, vấn đề đứt gãy lao động phục vụ phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế – xã hội.
N.Tú