Những khoảng trống an sinh

Thu nhập của người dân tăng 40% giai đoạn 2012-2022, song diện bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH) tăng chậm, lao động rút BHXH một lần tăng cao.

Ngày 20/4, tổng kết 10 năm thực hiện chính sách an sinh xã hội theo Nghị quyết 15 của Trung ương về một số vấn đề chính sách xã hội, ông Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội, cho biết giai đoạn 2012-2022, thu nhập bình quân của người dân tăng 30-40%, đạt 4.000 USD mỗi năm; duy trì việc làm cho hơn 54 triệu người; tỷ lệ thất nghiệp bình quân 2-3%. Song lưới an sinh còn nhiều khoảng trống khi độ bao phủ BHXH thấp, số người tham gia ít, đặc biệt khu vực tự nguyện, Quỹ Bảo hiểm xã hội chưa bền vững.

BHXH mới bao phủ được 1/3 lực lượng lao động

Cả nước có khoảng 50 triệu lao động trong độ tuổi, số tham gia BHXH chỉ gần 16,6 triệu, chiếm 37%. Mức độ bao phủ BHXH thấp trở thành thách thức kép tới an toàn thu nhập của lao động trong độ tuổi và về lâu dài khi đến tuổi nghỉ hưu. Mục tiêu của Trung ương đến năm 2030 có 60% dân số trong độ tuổi lao động tham gia BHXH, tiến tới bao phủ toàn dân khó thực hiện.

Các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp Việt chủ yếu vừa và nhỏ, nhiều đơn vị kinh tế phi chính thức; nhiều hình thức việc làm, quan hệ lao động chưa được đưa vào hệ thống đóng BHXH bắt buộc khiến việc mở rộng bao phủ bị hạn chế.

Đặc biệt là các nhóm như hộ kinh doanh, thành viên hợp tác xã, người làm kinh tế hợp đồng, lao động chuỗi cung ứng… Thống kê cuối năm 2019, cả nước có khoảng 5,6 triệu hộ kinh doanh cá thể chưa thuộc diện đóng BHXH bắt buộc và chỉ một ít trong số này tham gia BHXH tự nguyện. Chưa kể còn khoảng 23.000 hợp tác xã với 6 triệu thành viên và 1,2 triệu lao động làm việc, song chỉ khoảng 7.000 hợp tác xã với 41.000 lao động đóng BHXH bắt buộc.

Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp, chiếm hơn 2% lực lượng lao động. Khu vực này hiện chỉ có hai chế độ cơ bản là hưu trí và tử tuất, khiến lao động không hào hứng tham gia. Song việc bổ sung nhiều lợi ích hơn có thể khiến mức đóng – vốn được cho là cao, sẽ tăng thêm hoặc tăng trợ cấp của Chính phủ.

Tỷ lệ tham gia Bảo hiểm thất nghiệp thấp, khoảng 13,5 triệu người, chiếm 30% lực lượng lao động vào cuối năm 2021, khiến phần lớn người lao động không có bất kỳ sự bảo vệ thu nhập nào nếu mất việc. Hai năm đại dịch ảnh hưởng khiến lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng mạnh. Riêng năm 2020, hơn 1,03 triệu người hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 324.000 so với năm 2019.

“Điều này khiến một bộ phận đáng kể người lao động chọn rút BHXH một lần sớm để đảm bảo an toàn thu nhập ngắn hạn khi nghỉ việc”, ông Andre Gama, chuyên gia ILO nhận định.

Tốc độ bao phủ BHXH đang trên đà chậm lại khi lao động rút BHXH một lần tăng cao sau đại dịch. Từ năm 2016 đến nay, khoảng 4,87 triệu người rút một lần. Theo tính toán, cứ hai người tham gia vào hệ thống lại có một người rời đi.

Theo ông Andre Gama, đặc điểm của thị trường lao động Việt Nam khiến hầu hết người lao động khó có thể tích lũy được 20 năm đóng BHXH để hưởng lương hưu tối thiểu (45%). Nhiều lao động trẻ, nhất là công nhân trực tiếp sản xuất, khó đóng bảo hiểm liên tục 20 năm để chờ lương hưu khiến họ chọn không tham gia hoặc là rời hệ thống.

Ngoài nghiên cứu sửa Luật Bảo hiểm xã hội, chuyên gia khuyến nghị cơ quan quản lý bổ sung chính sách về trợ cấp trẻ em hoặc gia đình vào hệ thống an sinh nhằm mở rộng diện bao phủ.

Nguy cơ “già trước khi giàu”

TS Bùi Tôn Hiến, Viện trưởng Khoa học Lao động Xã hội, cho biết Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa với tỷ lệ người cao tuổi từ 60 trở lên chiếm trên 10% tổng dân số và rơi vào nhóm năm nước có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới.

Dự báo tới năm 2039, Việt Nam trở thành nước dân số già, đối mặt với nguy cơ “già trước khi giàu” khi có khoảng 15,5 triệu người trên 65 tuổi và tăng lên 21,7 triệu người vào năm 2050 (chiếm 19% dân số). Trong khi đó, tầng lớp trung lưu hiện mới hình thành, chiếm 13% dân số và dự kiến đạt 26% vào năm 2026.

Các cụ già Hà Nội thể dục bên Hồ Gươm, tháng 2/2022. Ảnh: Ngọc Thành

Các cụ già Hà Nội thể dục bên Hồ Gươm, tháng 2/2022. Ảnh: Ngọc Thành

Cả nước đang có khoảng 9,6 triệu người già trên 60 tuổi không nhận được bất kỳ khoản lương hưu nào và dự báo tăng lên 13 triệu vào năm 2030. Bà Nguyễn Ngọc Quỳnh, chuyên gia Chương trình Quỹ dân số Liên Hợp Quốc, đánh giá đây là kết quả của việc lao động trong độ tuổi tham gia BHXH thấp, chiếm tới 63%.

Nguồn thu nhập của người già Việt Nam phần lớn vẫn tới từ hỗ trợ của con cái, tới 38%; 29% từ tiếp tục làm việc, chỉ 15% hưởng hưu trí và 10% nhận trợ cấp xã hội. Đại dịch đã làm giảm thu nhập trung bình của người cao tuổi tới 41% và đẩy họ dễ rơi vào nhóm rủi ro.

Theo bà Quỳnh, nguy cơ mất an ninh thu nhập tuổi già luôn hiện hữu, trong khi đó ngân sách chi cho trợ giúp xã hội cho người cao tuổi của Việt Nam còn thấp so với các quốc gia cùng trình độ phát triển, khoảng 6.130 tỷ đồng, chiếm 0,15% GDP vào năm 2020.

Chuyên gia khuyến nghị cần mở rộng diện bao phủ hưu trí cho người già thông qua hệ thống bảo trợ xã hội đa tầng; xem xét lại mức hưởng về hưu trí xã hội để người cao tuổi đảm bảo mức sống xã hội… Việt Nam cũng cần tập trung nhiều vào chăm sóc y tế ban đầu, y tế dự phòng để cải thiện sức khỏe, giảm thiểu nguy cơ suy giảm chức năng của người cao tuổi và giảm chi phí khám chữa bệnh; xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe dài hạn và có thêm những dịch vụ hỗ trợ gia đình bởi người thân vẫn là lực lượng chăm sóc chính cho người cao tuổi.

Những khoảng trống trong lưới an sinh

Những khoảng trống trong lưới an sinh

Khoảng 66% người già Việt Nam chưa có lương hưu. Video: Tạ Lư

Nhóm vắng bóng trong hệ thống an sinh

Một khoảng trống nữa trong lưới an sinh, theo các chuyên gia là việc vắng bóng nhóm trung gian – những lao động phi chính thức “nằm lọt thỏm giữa chính sách BHXH và trợ cấp xã hội”. Thống kê hơn 33 triệu lao động phi chính thức, gồm cả lao động nông nghiệp, đang tham gia gần 70% tổng số việc làm cả nước hiện nay.

Khó khăn trong tiếp cận nhóm này thể hiện rõ khi thực hiện các gói an sinh ứng phó với Covid-19, đặc biệt là lao động tự do. Hai năm liên tiếp, Chính phủ ban hành các gói an sinh 62.000 tỷ đồng và 26.000 tỷ đồng đều đưa lao động không có hợp đồng (lao động tự do) vào diện hỗ trợ. Gói 62.000 tỷ đồng hỗ trợ khoảng 1.000 tỷ cho hơn một triệu lao động tự do. Gói 26.000 tỷ đồng giao về cho các địa phương tự thực hiện, đã hỗ trợ được gần 15 triệu lượt lao động tự do và các nhóm đặc thù với tổng kinh phí 19.600 tỷ đồng.

Lãnh đạo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội từng nhấn mạnh, đây là nhóm bị ảnh hưởng sâu, trực tiếp và khó tiếp cận nhất. Xác minh thông tin nhóm này trở thành một trong những “điểm nghẽn” của chính sách hỗ trợ.

Bà Nguyễn Thị Nga, chuyên gia World Bank, ví nhóm này là “tầng mất tích” trong lưới an sinh khi hệ thống chính thức hầu như không có dữ liệu về họ, không biết họ là ai, làm gì, đang ở đâu để hỗ trợ. Việc khó tiếp cận họ chứng tỏ hệ thống chính sách lẫn tổ chức thực hiện chưa thích ứng tốt. Cơ quan này cùng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang chuẩn hóa 24 cơ sở dữ liệu mà ngành quản lý, bao gồm cả thông tin về lao động phi chính thức. Việc kết nối với hệ thống dữ liệu của công an, bảo hiểm, việc làm… là bước cần thiết trong thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Theo định hướng chính sách BHXH đến năm 2030 và dự kiến sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ tập trung vào các nhóm chính sách: Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng bằng cách bổ sung quy định trợ cấp hưu trí xã hội; bổ sung lao động tham gia để mở rộng diện đóng BHXH bắt buộc; sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng tối thiểu từ 20 xuống 15, tiến tới còn 10 năm.

Hồng Chiêu