Công nhân tăng ca ngoài nhà máy

TP HCMSau khi dặn hai con tự ăn tối rồi học bài, chị Lý Thị Nghiệm, công nhân nhà máy Pou Yuen, đến quán ăn cách phòng trọ chừng 5 km cho kịp giờ làm.

Chị Nghiệm, 38 tuổi, với thâm niên 10 năm làm việc ở Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân), có mức lương căn bản mỗi tháng hơn 7 triệu đồng. Nữ công nhân nói rằng cùng với thu nhập khoảng 9 triệu đồng của chồng, “không làm thêm bên ngoài sẽ khó đủ nuôi con”.

10 năm làm việc tại nhà máy Pou Yuen, chị Nghiệm có 4 năm phụ quán ăn. Ảnh: An Phương

10 năm làm việc tại nhà máy Pou Yuen, chị Nghiệm có 4 năm phụ quán ăn. Ảnh: An Phương

“Mỗi tháng tiền trọ, điện, nước hơn ba triệu đồng, hai con đi học không dưới 5 triệu đồng, ăn uống, xăng xe…”, chị Nghiệm liệt kê từng khoản phải chi. Phân xưởng nơi chị làm việc có tổ chức tăng ca, mỗi ngày làm thêm không quá một giờ nhưng không thường xuyên nên thu nhập tăng lên rất ít. Để có thêm tiền trang trải, sau giờ làm ở nhà máy, chị phụ bán quán ăn.

Việc đưa đón hai con 9 và 11 tuổi do chồng đảm nhiệm. Hôm nào tăng ca, đưa con về phòng trọ anh lại quay xe đến công ty làm tiếp. Còn chị Nghiệm sau khi rời nhà máy, tranh thủ ghé chợ mua thực phẩm nấu bữa tối cho ba cha con. Những hôm quá mệt, nữ công nhân đặt đồ ăn sẵn. Công việc ở quán ăn bắt đầu từ 17h30, nếu nhà máy tổ chức làm ngoài giờ, chủ quán cho phép chị đến trễ một tiếng.

Làm liên tục cả tháng, mỗi ngày khoảng 5 giờ, chị Nghiệm được trả 4 triệu đồng và bao cơm tối. Những ngày khách đông, công việc ở quán kéo dài đến gần 23h. “Về tới nhà chồng con đã ngủ. Tôi cũng vội chợp mắt để hồi sức sáng mai đi làm công ty”, chị Nghiệm nói.

Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch công đoàn Công ty Pou Yuen Việt Nam – doanh nghiệp đông công nhân nhất TP HCM với trên 53.000 lao động, cho biết chưa có thống kê chính xác, nhưng qua nắm bắt từ các tổ công đoàn, số lượng công nhân “tăng ca” ngoài nhà máy khá lớn. Một số công nhân còn học các lớp nghề tổ chức trong nhà máy như vẽ móng, trang điểm, cắt tóc, cắt may thời trang… để làm ngoài giờ, kiếm thêm thu nhập trả tiền trọ, xăng xe đi lại.

Anh Hiền rời phòng trọ, bắt đầu buổi tối chạy xe ôm công nghệ. Ảnh: An Phương

Anh Hiền rời phòng trọ, bắt đầu buổi tối chạy xe ôm công nghệ. Ảnh: An Phương

Tương tự, anh Nguyễn Hiền, 37 tuổi, công nhân cơ khí tại Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) đăng ký chạy xe ôm công nghệ vào thời gian rảnh để kiếm thêm. Những hôm nhà máy không tăng ca, về tới phòng trọ, anh thay vội bộ đồng phục của hãng rồi bật ứng dụng tài xế tìm khách. Công việc chạy xe của anh thường kết thúc lúc 21h. Cuối tuần, anh chuyển sang chạy ngày, buổi tối nghỉ ngơi.

Nam công nhân nói rằng thu nhập mỗi tháng từ công việc chính ở nhà máy hơn 10 triệu đồng, với người sống độc thân là tạm đủ. Tuy nhiên anh muốn có thêm tiền để phụ giúp cha mẹ ở quê, có thêm tiền chi tiêu khi giá hàng hóa tăng cao. Thu nhập từ công việc chạy xe khá ổn, dư trả tiền phòng trọ. “Chạy xe ôm chủ động được thời gian nhưng sợ tai nạn, hư xe. Mưa gió, bụi bặm làm mình rất mệt”, anh Hiền nói.

Anh Hiền, chị Nghiệm là hai trong số các công nhân chọn “tăng ca” bên ngoài nhà máy. Theo kết quả điều tra việc làm, thu nhập và cuộc sống của người lao động do Viện Công nhân – Công đoàn thực hiện hai năm trước, gần 8% công nhân làm thêm giờ cố định một đơn vị thứ hai với thu nhập trung bình mỗi tháng hơn 800.000 đồng. Sau dịch, nhiều chi phí phát sinh, giá cả lên, nhu cầu làm thêm của người lao động cũng tăng cao.

Một nghiên cứu khác về việc làm của lao động nữ ngành may do Liên đoàn lao động TP HCM công bố đầu năm nay, hầu hết công nhân chọn làm thêm bên ngoài nhà máy. Trong hơn 1.400 công nhân tham gia khảo sát, có gần 5% cho biết đang phụ quán ăn, 5,5% may gia công tại nhà và gần 90% bán hàng online để kiếm thêm thu nhập.

Vợ chồng nữ công nhân Hồng Tuyết ở Gò Vấp nhận may gia công tại nhà để tăng thêm thu nhập. Ảnh: An Phương

Vợ chồng nữ công nhân Hồng Tuyết ở Gò Vấp nhận may gia công tại nhà để thêm thu nhập. Ảnh: An Phương

TS Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân – Công đoàn, nói thu nhập từ thời gian làm việc chính thức thấp, nên phần lớn công nhân phải làm thêm giờ mới đủ chi phí trang trải cuộc sống. Một khảo sát được viện này tiến hành đầu năm nay cho thấy, lương cơ bản trung bình hàng tháng của lao động khi làm đủ công khoảng 5,8 triệu đồng, trong khi lương đủ sống phải đạt hơn 7,5 triệu đồng.

Một lý do khác được ông Củ Phát Nghiệp đưa ra là các phân xưởng như ở Pou Yuen rất ít tăng ca, có những khu sản xuất chỉ đi giờ hành chính, 16h tan làm nên công nhân có thời gian để làm thêm ở một nơi khác.

Theo TS Tiến, những công nhân làm thêm giờ ở nơi thứ hai phải đánh đổi rất nhiều, đặc biệt là người có gia đình, nuôi con nhỏ. Sức khỏe của họ suy giảm mạnh hơn do đã dốc sức làm việc, tăng ca ở nhà máy. Cha mẹ không có thời gian chăm sóc con cái, nhiều gia đình cả tháng không ăn cùng nhau bữa cơm. Các công việc làm thêm bên ngoài nhà máy thường không có bảo hiểm rủi ro, nếu gặp bất trắc, người lao động rất thiệt thòi.

Để hỗ trợ người lao động làm thêm bên ngoài nhà máy, trong khảo sát của Liên đoàn lao động TP HCM, 27% các ý kiến của cán bộ công đoàn cơ sở cho rằng cần hỗ trợ giới thiệu việc làm thêm ngoài giờ cho công nhân. Việc này giúp người lao động tìm công việc phù hợp, được trả lương tương xứng, đảm bảo sức khỏe và tránh bị lừa.

Lê Tuyết