Nhân lực IT: Cung không đủ cầu
Thời gian gần đây, nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin (IT) chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ khi nhiều doanh nghiệp (DN) đua nhau tuyển dụng. Thậm chí, nhiều DN còn âm thầm lôi kéo nhân lực IT, khiến thị trường có sự cạnh tranh gay gắt.
Nhu cầu rất lớn
IT là ngành có tốc độ phát triển nhanh, đi sâu vào mọi mặt đời sống xã hội, là nền tảng của nhiều ngành kinh tế và đem đến rất nhiều cơ hội việc làm.
Điều này lý giải vì sao hơn 40% DN thừa nhận đang rất khó khăn để tìm kiếm nhân sự cho các mảng quan trọng như: quản lý, giám sát và kiến trúc hệ thống công nghệ, dù mức thu nhập từ 1.300 USD đến hơn 2.200 USD/tháng – cao hơn mặt bằng chung các ngành nghề khác khá nhiều.
Theo báo cáo của FPT Digital, ngành kỹ thuật AI (trí tuệ nhân tạo) và điện toán đám mây (cloud) sẽ dẫn đầu xu hướng tuyển dụng nhân sự IT. Tiếp theo là công nghệ tài chính (fintech) và công nghệ thanh toán (payment), thứ 3 là thương mại điện tử và bán lẻ. Sau đó là những lĩnh vực luôn có nhu cầu tuyển dụng cao như: dữ liệu lớn, khoa học dữ liệu (big data, data science), máy học (machine learning) và AI. Công nghệ không thể thiếu tiếp theo là an ninh mạng, bảo mật, phát triển ứng dụng di động, trò chơi trực tuyến, lập trình, IoT, Robotics….
Các cuộc thi lập trình là cơ hội để sinh viên IT nâng cao kỹ năng nghề nghiệp
Có thể thấy, thị trường nhân lực IT ngày một rộng mở bởi những đòi hỏi cấp thiết của quá trình phát triển kinh tế – xã hội.
Báo cáo “Thị trường IT Việt Nam năm 2023” vừa được nền tảng tuyển dụng nhân sự AI TopDev công bố cho thấy từ năm 2023 – 2025, mỗi năm nước ta thiếu hụt 150.000 – 200.000 lập trình viên, kỹ sư IT. Sự chênh lệch giữa trình độ sinh viên (SV) ra trường và nhu cầu tuyển dụng của DN còn rất lớn. Đó là lý do khan hiếm nhân lực IT thời gian qua cũng như trong tương lai.
Theo TopDev, hiện nay, đa số nhà tuyển dụng cần các lập trình viên back-end (phát triển phần nền tảng của ứng dụng web hoặc phần mềm mà người dùng không nhìn thấy trực tiếp), front-end (phát triển giao diện) và lập trình viên full-stack (làm phần nền lẫn giao diện, tức làm được cả back-end lẫn front-end). Bên cạnh đó, tốp 5 kỹ năng hàng đầu mà các công ty đang tìm kiếm nhân lực IT gồm: Java Script, Java, PHP, C#/.Net và Python.
“Tư duy số liên quan tới việc sử dụng trực quan, logic, suy nghĩ đổi mới và sáng tạo trong không gian số. Kỹ năng số bao gồm kỹ năng học hỏi, chia sẻ, khai thác thông tin, vận hành và ứng dụng các công nghệ số trong phần cứng, phần mềm, hệ thống thông tin và bảo mật” – ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Tư vấn chuyển đổi số của FPT Digital, giải thích.
Thiếu người có kinh nghiệm, thừa người mới
Thực tế, số lượng cử nhân IT ra trường vẫn tăng cao mỗi năm. Tuy nhiên, trình độ SV IT ra trường chưa theo kịp yêu cầu của DN. Trong hơn 57.000 SV IT tốt nghiệp mỗi năm, chỉ khoảng 30% đáp ứng được những kỹ năng và chuyên môn thực tế mà DN đặt ra. 70% còn lại cần được đào tạo thêm tại DN khoảng 3 – 6 tháng mới có thể làm việc hiệu quả.
Như vậy, thị trường tuyển dụng IT đang thiếu nhân sự có kinh nghiệm và dư thừa người mới. Bà Trương Thiên Kim, Phó Giám đốc Dịch vụ tư vấn tuyển dụng Adecco Việt Nam, cho biết nửa đầu năm 2023, các công ty tăng cường tìm kiếm nhân lực IT có chuyên môn cao, có kinh nghiệm để dẫn dắt những vị trí chiến lược trong bối cảnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất – kinh doanh ngày càng phát triển tại Việt Nam.
Theo bà Kim, thị trường nhân lực IT không bị giới hạn bởi biên giới quốc gia, cũng ít bị ảnh hưởng trong bối cảnh thị trường lao động nói chung đang khó khăn. Là nền kinh tế năng động bậc nhất trong khu vực, Việt Nam nổi lên như một hình mẫu về chuyển đổi số, dẫn đến nhu cầu nguồn nhân lực nhiều và nhanh.
“Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần làm rõ vấn đề thiếu hụt nhân sự chất lượng cao và làm được việc. Bởi lẽ, chất lượng đào tạo hiện chưa theo kịp nhu cầu của DN và ngành” – bà Kim băn khoăn.
Ông Nguyễn Văn Vũ, Giám đốc công nghệ của Appota Group, cho rằng dù các trường đại học có sức đào tạo mạnh, DN trải thảm đỏ, mức lương cạnh tranh… nhưng việc tuyển dụng nhân sự IT vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Mức lương trung bình mà các nhà tuyển dụng sẵn sàng trả cho lập trình viên có kinh nghiệm khoảng hơn 30 triệu đồng/tháng. Với các cấp quản lý, có kinh nghiệm trên 5 năm thì mức lương không thấp hơn 35 triệu đồng/tháng.
Theo ông Vũ, có 2 điểm yếu mà nhân sự IT của Việt Nam đang gặp phải, đó là tư duy sản phẩm và ngoại ngữ. Bên cạnh đó, khả năng tự học, cập nhật kiến thức theo xu hướng công nghệ của nhiều người cũng chưa tốt.
Đề cập đầu vào tuyển dụng, ông Vũ cho rằng bằng cấp không phải là yếu tố quan trọng nhất, ảnh hưởng không nhiều đến quyết định tuyển nhân sự IT. Đối với ngành IT, bằng cấp xếp sau kinh nghiệm và làm được việc.
“Để có nhân sự IT đáp ứng nhu cầu, đa phần DN chủ động tìm đến các trường đại học nhằm xây dựng các chương trình thực tập cho SV. Từ đó, họ chọn lọc để tuyển chọn những nhân sự phù hợp nhất” – ông Vũ nhấn mạnh.
Trong báo cáo “Chiến lược phát triển nguồn nhân lực số” mới đây của FPT Digital, tỉ lệ nhân lực IT trên tổng số lao động trong độ tuổi của Việt Nam chỉ đạt 1,1% – khá thấp so với các nước như Mỹ (4%), Hàn Quốc (2,5%) và Ấn Độ (1,78%).