Người già xoay đủ nghề vì lương hưu thấp
TP HCMTổng lương hưu mỗi tháng của vợ chồng chưa đến 4 triệu đồng, ông Vũ Mạnh Thiết, 70 tuổi, phải xoay sở đủ nghề, kể cả sang Campuchia làm thuê.
Ông Thiết, ngụ quận Bình Thạnh, hơn 30 năm làm việc tại công ty may với vị trí quản đốc xưởng. Năm 2010, ông nghỉ việc sang Campuchia làm thuê. Đến năm 2019, ông về nước làm thủ tục nhận chế độ hưu trí. Lúc này nhân viên làm hồ sơ cho biết ông có 15 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, thiếu hai năm mới đủ điều kiện hưởng.
Nghe tư vấn của nhân viên bảo hiểm xã hội, ông tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cho thời gian còn thiếu, với hình thức đóng gộp một lần, tổng số tiền hơn hai triệu đồng. “Xong hết thủ tục, tôi cầm quyết định với mức hưởng mỗi tháng 590.800 đồng mà nghẹn lời”, ông Thiết nhớ lại.
Trong thời gian này, vợ ông là bà Phạm Thị Bình (năm nay 58 tuổi), vốn là công nhân nhà máy may Bình Minh, cũng nghỉ hưu với số tiền mỗi tháng hơn hai triệu đồng. Sau mấy lần nhà nước điều chỉnh, lương bà tăng lên ba triệu đồng. Mức lương của ông Thiết vẫn giữ nguyên vì thuộc diện bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Vì lương hưu quá thấp, ông Thiết tiếp tục sang Campuchia làm thuê. Vợ ở nhà chăm sóc mẹ già hơn 90 tuổi. Covid-19 bùng phát, ông phải quay về. Hơn một năm qua ông không có việc, chỉ trông vào tiền hưu của vợ chồng, cả nhà phải dè sẻn chi tiêu.
Được người quen giới thiệu, ông xin làm quản lý khu nội trú sinh viên trên đường Phạm Văn Đồng, TP Thủ Đức. Nhiệm vụ hàng ngày của ông là trông coi người ra vào, nhận đăng ký mới, sắp xếp chỗ ở. Cuối tháng ông ghi số điện, nước, thu tiền trọ. Mỗi ngày ông được nghỉ một giờ để chạy về nhà ở quận Bình Thạnh ăn tối với gia đình, còn lại phải túc trực ở nơi làm việc.
Công việc sau khi về hưu mang lại cho ông thu nhập mỗi tháng 10 triệu đồng, đủ trang trải chi phí cho ba người lớn. Còn lương hưu, ông để dành đủ 6 tháng mới nhận một lần, được tổng cộng hơn ba triệu đồng.
Tương tự, sau khi nghỉ hưu, ông Hồ Hữu Trí, 59 tuổi, ở quận 4, lại xoay xở đủ việc có tiền trang trải cuộc sống. Sau hơn 23 năm làm thợ inox cho Công ty Hữu Liên Á Châu, quận Bình Tân, ông Trí được bảo hiểm xã hội giải quyết chế độ hưu trí sớm hai năm do suy giảm sức khỏe 61%.
Cầm quyết định hưu với số tiền chưa đến ba triệu đồng mỗi tháng, ông Trí nghĩ phải tìm ngay việc mới để gia đình không chật vật. Ông được giới thiệu làm bảo vệ trường học, cửa hàng tiện lợi với thu nhập mỗi tháng ba triệu đồng, mỗi ngày trực 12 tiếng. Cảm thấy không ổn, ông rẽ hướng. Tình cờ đọc thông tin tuyển dụng nhân viên trực hồ bơi ở các chung cư cao cấp, ông quyết định đăng ký học bơi, thi lấy chứng chỉ rồi nộp đơn xin việc.
Ông được công ty tiếp nhận, xếp trực hồ bơi một chung cư ở quận Bình Tân với mức lương mỗi tháng 7 triệu đồng. Nếu làm ca sáng, ông rời nhà lúc 5h30, thời gian trực kéo dài đến 14h. Nếu đi ca chiều, phải đến gần 22h ông mới có mặt ở nhà. Ngoài công việc chính, vợ chồng ông còn nhận xếp bao bì vàng mã, nhang tăm cho một cơ sở ở quận 7, mỗi ngày kiếm thêm chừng 100.000 đồng.
Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Việt Nam có gần 13 triệu người từ 60 tuổi trở lên, chiếm 13,6% tổng dân số. Con số này sẽ tăng khoảng 27 triệu người, chiếm 1/4 tổng dân số cả nước vào năm 2050. Số liệu thống kê chỉ ra nguồn sống của người cao tuổi khá đa dạng: Gần 40% sống từ lương hưu, của cải tích lũy và do con cháu chu cấp; hơn 30% về già vẫn phải lao động kiếm sống.
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Social Life), cho rằng người về hưu nhưng vẫn đi làm có hai nhóm. Nhóm thứ nhất là lao động có trình độ, tiếp tục làm việc với tư cách chuyên gia. Lương hưu của nhóm này thường khá cao, đi làm phần lớn vì yêu thích.
Nhóm thứ hai là lao động phổ thông, từng làm công nhân ở các nhà máy, mức đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội thấp nên khi về hưu khoản tiền nhận được không đáng kể. Theo số liệu Bảo hiểm xã hội TP HCM, hiện hơn 45.000 người về hưu mỗi tháng nhận lương dưới 3,8 triệu đồng, thấp hơn chuẩn nghèo thành phố.
“Công nhân gần như không có tích lũy cho tuổi già, trong khi lương hưu nhận được không đủ duy trì mức sống tối thiểu, bắt buộc họ phải đi làm”, ông Lộc nhìn nhận. Một khảo sát của Viện Social Life thực hiện với gần 1.000 người cuối năm ngoái cho thấy 64% công nhân không thể để dành được tiền từ thu nhập hàng tháng. Nếu không đi làm, 49% người tham gia khảo sát trả lời có thể duy trì cuộc sống trong một tháng, chỉ 11% có thể duy trì trên 6 tháng.
Công nhân vốn là lao động trình độ thấp nên giờ đây chỉ có thể tiếp tục tham gia các công việc tay chân như chạy xe ôm, bảo vệ, hoặc làm lại chính công việc họ vừa nghỉ ở nhà máy và nhận lương thời vụ. Tuy nhiên, cuộc mưu sinh của họ lúc này lại bị cạnh tranh gay gắt với nhóm lao động trẻ, khỏe.
Theo TS Lộc, nhà nước cần đặc biệt quan tâm đến nhóm thứ hai bởi họ chính là hệ quả của mô hình kinh tế thâm dụng lao động gần 30 năm qua. Thế nhưng, nhiều năm quan sát và nghiên cứu, ông thấy rằng chính sách về việc làm dành cho nhóm này gần như bỏ trống.
Ông Lộc kể lại câu chuyện khi được hỏi về kế hoạch nghỉ hưu, phần lớn lao động nữ ngành may muốn tiếp tục làm nghề, mở cửa tiệm nhỏ. Tuy nhiên suốt mấy chục năm làm việc theo dây chuyền, họ chỉ biết may một khâu của sản phẩm. Nhiều người làm ở nhà máy kỹ năng may rất giỏi nhưng không biết cắt, ráp một áo, quần hoàn chỉnh. Do đó, những lao động này cần có một khóa đào tạo nghề ngắn hạn, giúp họ chuẩn bị tốt nhất khi về hưu.
Về lâu dài, nhà nước phải có chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp đi lên nấc thang cao hơn trong chuỗi cung ứng, thoát khỏi vị trí gia công nhằm tăng cao giá trị lao động. Còn cứ duy trì những ngành thâm dụng lao động, nhóm hưu trí thứ hai sẽ ngày càng tăng. Lúc bình thường, họ có thể tự xoay xở nhưng khi biến cố như đợt bùng dịch vừa qua sẽ là thách thức rất lớn cho các chính sách an sinh.
Hiện, những người về hưu như ông Trí, ông Thiết dù có việc làm nhưng vẫn không an tâm. Ông Thiết nói mỗi lần nghĩ đến lương hưu lại buồn. Ông luôn canh cánh nỗi lo sức khoẻ yếu dần hoặc mất công việc hiện tại, không biết cuộc sống ba người già trong gia đình xoay sở ra sao.
Lê Tuyết