‘Cần quy định tất cả lao động phải tham gia BHXH’
TS Lê Duy Bình nói nhà nước cần quy định tất cả lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) để được bảo vệ quyền lợi khi ốm đau, tai nạn lao động…
Thông tin được TS Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế Economica Việt Nam, nêu tại hội thảo “Phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau Covid-19” thuộc khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2022, ngày 5/6. Theo ông, tham gia BHXH cần được xem là yếu tố bắt buộc với người lao động, tương tự nghĩa vụ đóng thuế.
Hiện, người lao động tham gia BHXH bắt buộc, gồm: người ký hợp đồng không xác định thời hạn, hợp đồng thời hạn, hợp đồng thời vụ 3-12 tháng; cán bộ, công chức, viên chức; người nước ngoài có hợp đồng lao động từ một năm…
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê và Bảo hiểm xã hội Việt Nam, quý 1/2022 số lao động có việc làm là 50 triệu người nhưng chỉ trên 16,4 triệu người đóng BHXH. Việc không tham gia BHXH khiến phần lớn người lao động khó chủ động đối phó khi thu nhập bị suy giảm hoặc bị mất do các rủi ro, ốm đau, tai nạn lao động, tuổi già…
Theo TS Lê Duy Bình, những người có thu nhập và khả năng chi trả ở ngưỡng phải chịu thuế thu nhập cá nhân sẽ phải tham gia BHXH bắt buộc. Nhóm này gồm chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng lương… Hiện, hơn 95% nhóm này không tham gia BHXH.
Với nhóm lao động tự do, đặc biệt là đối tác kinh doanh của các hãng có nền tảng công nghệ hay người lao động trình độ, kỹ năng nghề cao, tham gia BHXH là điều kiện bắt buộc khi tham gia ký kết các hợp đồng công việc, thuê khoán, chuyên gia… Hơn 98% nhóm lao động trên không tham gia BHXH.
Song song đó, TS Bình nói để thu hút người lao động đóng BHXH, ngành bảo hiểm cần thay đổi cách tiếp cận theo hướng phục vụ người tham gia bảo hiểm với các sản phẩm, chế độ phù hợp, đa dạng… Nếu các biện pháp được thực hiện quyết liệt, số người đóng BHXH sẽ tăng lên 23 triệu người vào năm 2023 và 32,4 triệu người năm 2030.
Ông André Gama, chuyên gia an sinh xã hội của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) Việt Nam, cho rằng để tăng cường các chính sách an sinh xã hội vào nhóm lao động phi chính thức, nhà nước cần đầu tư nhiều hơn vào chính sách BHXH bắt buộc. “Khi nhà nước đầu tư một triệu đồng vào an sinh xã hội, sau một năm sẽ tạo ra ba triệu đồng vào GDP tăng trưởng nền kinh tế”, ông nói.
Từ kinh nghiệm của nhiều nước, chuyên gia của ILO cho rằng Việt Nam nên áp dụng BHXH bắt buộc cho tất cả người lao động. Thực tế nhiều năm qua, BHXH tự nguyện tăng trưởng rất hạn chế. Cụ thể, trong 16,4 triệu người đang đóng BHXH chỉ có khoảng 1,28 triệu người tham gia bảo hiểm tự nguyện.
TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nói đợt bùng phát dịch vừa qua lao động phi chính thức là nhóm chịu tác động nặng nề, nhưng sự hỗ trợ nhận được lại thấp nhất. Do đó, việc mở rộng bao phủ chính sách BHXH lên nhóm lao động phi chính thức là để bảo vệ họ tốt hơn, đặc biệt khi gặp rủi ro.
Lê Tuyết