Một xu hướng kinh doanh mới rộ lên ở giới trẻ Trung Quốc, có thể kiếm được 300.000 VND/giờ chỉ bằng việc ngồi lắng nghe, khách hàng trải dài ở nhiều độ tuổi
Yang, một blogger 27 tuổi ở Bắc Kinh, đến cửa hàng IKEA để gặp khách hàng đầu tiên của cô. Một chàng trai trẻ đã trả cô 125 nhân dân tệ (300.000 VND)/giờ để nghe anh tâm sự và nói chuyện.
Trong vòng hai giờ, vị khách này phàn nàn với Yang về bạn gái của mình. “Anh ấy sẽ hỏi tôi nghĩ gì từ góc độ phụ nữ. Tôi đoán anh ấy không có bạn là nữ để nói chuyện và anh ấy cũng không muốn phàn nàn về bạn gái của mình với bạn bè”, Yang nói với Nikkei Asia. Cô nói thêm: “Giới trẻ ngày càng cô đơn hơn. Một số người gặp stress trong công việc và một số phải chịu áp lực từ chính gia đình họ”.
Trớ trêu thay, sự kết hợp giữa stress và cô đơn này đã mở ra cơ hội kinh doanh cho những người trẻ tuổi ở Trung Quốc: cho thuê thời gian rảnh rỗi để kiếm thêm tiền.
Đây là sự kết hợp gần như hoàn hảo giữa cung và cầu. Về phía cung, sự phục hồi kinh tế chậm chạp của Trung Quốc, tình trạng sa thải lao động và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao kỷ lục đã tạo ra một lượng lớn người có nhiều thời gian và muốn kiếm thêm tiền. Về phía cầu, áp lực to lớn tại nơi làm việc và xã hội đã thúc đẩy giới trẻ tìm kiếm những cách mới để trút giận và giải tỏa.
Các ứng dụng truyền thông xã hội của Trung Quốc như Douyin và Xiaohongshu đã trở thành nền tảng phổ biến cho các dịch vụ này. Rất nhiều cư dân mạng bắt đầu đăng quảng cáo của chính họ vì tò mò và một số đã thành công khi biến nó thành một nghề tay trái.
Yang cho biết tính đến nay cô đã có 7 khách hàng, tất cả đều dưới 35 tuổi. Hầu hết họ đều có công việc rất áp lực. Có khách là người đàn ông phải liên tục làm hài lòng khách hàng của mình tại nơi làm việc và cũng muốn mình trở thành “khách hàng” vào cuối tuần. Một người đàn ông khác gặp rắc rối trong hôn nhân và chỉ cần Yang lắng nghe. Trong khi đó, có khách lại là một bà mẹ nội trợ muốn Yang là một người đồng hành trong một số việc, bao gồm cả việc xem bói.
Alaia Zhang, 22 tuổi, cũng cho biết nhu cầu khách hàng của cô đang tìm kiếm người để trò chuyện là rất cao.
Zhang nói: “Giới trẻ ngày nay có rất nhiều lo lắng nhưng họ không muốn truyền sự tiêu cực đó cho bạn bè và gia đình, hoặc họ cảm thấy không có những người đáng tin cậy để chia sẻ điều đó. Mọi người đều cô đơn, ngay cả tôi cũng cô đơn”.
Cô cho biết thị trường người đồng hành có trả phí là rất lớn vì rất nhiều người trẻ quan tâm đến sức khỏe tâm thần của mình nhưng không đủ khả năng chi trả cho các dịch vụ chuyên nghiệp. Ngoài ra còn có sự kỳ thị khi tìm kiếm sự giúp đỡ về mặt tinh thần.
Yi Xiang, chủ tiệm mát-xa 30 tuổi đến từ Ôn Châu, đã thuê một người bạn đồng hành khi đi du lịch Hàng Châu. Là một người mù hướng nội, dịch vụ này sẽ lấp đầy khoảng trống khi không có tình nguyện viên khuyết tật. Yi cho rằng sự bùng nổ của bạn đồng hành trả phí có liên quan đến tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên, quá trình đô thị hóa nhanh chóng và những ảnh hưởng tàn dư của quy định một con trước đây.
Xu hướng này cũng đang thu hút giới trẻ Trung Quốc ở nước ngoài. Cindy Lu, 31 tuổi, là nhiếp ảnh gia tự do ở Toronto và đã nhận khách hàng nữ từ tháng 8 năm ngoái.
Hầu hết khách hàng của cô là sinh viên quốc tế Trung Quốc. Lu kể lại rằng một người mẹ ở Trung Quốc đã tìm thấy cô trên Xiaohongshu và nhờ Lu đưa con gái đi ăn tối nhân dịp sinh nhật thứ 18 của cô. Cô gái này đang là học sinh của một trường nội trú tư thục và rất buồn vì bị bạn bè bắt nạt và cô lập.
Lu cho biết: “Nhiều sinh viên quốc tế bị căng thẳng về trường học và nghề nghiệp. Họ gặp khó khăn trong việc hòa nhập nhưng có thể không được tiếp cận với dịch vụ hỗ trợ chuyên nghiệp”.
Quay trở lại Trung Quốc, một phần nhỏ của thị trường bạn đồng hành có trả phí đang lan rộng một cách đặc biệt nhanh chóng.
Những người bạn đồng hành được khách hàng trả tiền để cùng đi khám tại bệnh viện. Cui Pei, 38 tuổi, làm công việc này tại một bệnh viện ở Tây An được một năm rưỡi. Cô là một bà mẹ nội trợ, đã có hai con và quản lý danh sách cho thuê trên Airbnb. Cô trở thành người bạn đồng hành toàn thời gian của bệnh viện vì nhu cầu đã “tăng vọt”, Cui Pei nói với Nikkei Asia.
Hầu hết khách hàng của cô là những người trưởng thành đang làm việc ở thành phố khác hoặc ở nước ngoài thuê cô đưa bố mẹ họ đến bệnh viện. Khách hàng của cô tìm thấy cô trên Xiaohongshu cũng như thông qua một nhóm cộng đồng hưu trí ở địa phương.
“Đây được gọi là ‘nền kinh tế tóc bạc’, Cui nói. “Ngành công nghiệp này sẽ trở nên khổng lồ vì Trung Quốc có dân số đông và đang già đi nhanh chóng”.
Cui giải thích rằng nguồn lực chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc còn hạn chế và hệ thống bệnh viện thường rất phức tạp và ngày càng được số hóa. Ngay cả những người trẻ lớn lên với điện thoại thông minh cũng có thể gặp khó khăn trong việc đặt lịch hẹn với bác sĩ hoặc tìm chỗ các khoa ở bệnh viện.
Nhưng những người bạn đồng hành của bệnh viện không chỉ dành cho người già. Theo Cui, những người trẻ tuổi chưa quen với hệ thống chăm sóc sức khỏe địa phương cũng đang khai thác nguồn lực này, một phần vì họ không muốn “nợ” ai đó một ân huệ bằng cách rủ bạn bè đi cùng.
Nhưng ngành công nghiệp non trẻ này vẫn thiếu luật để tiêu chuẩn hóa, Cui nói. Không có nền tảng hoặc hiệp hội y tế chính thức nào chứng nhận các đối tác của bệnh viện. Mọi người vẫn cần tìm khách hàng trên mạng xã hội hoặc thông qua các cơ quan chăm sóc sức khỏe khác nhau, dẫn tới thu nhập có thể không ổn định.
Theo Nhịp sống thị trường
Copy link
Lấy link!
https://markettimes.vn/mot-xu-huong-kinh-doanh-moi-ro-len-o-gioi-tre-trung-quoc-co-the-kiem-duoc-300-000-vnd-gio-chi-bang-viec-ngoi-lang-nghe-khach-hang-trai-dai-o-nhieu-do-tuoi-51798.html