Lương nhân viên EVN bao nhiêu?

Lương nhân viên EVN bao nhiêu? - Ảnh 1.

Kinh doanh dưới giá vốn khiến EVN thua lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng.

Ngày 8/11/2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam ban hành Quyết định số 1416/QĐ-EVN về việc điều chỉnh giá mức giá bán lẻ điện bình quân.

Theo quyết định này, điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân là 2.006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 9/11/2023, tương ứng tăng 4,5% so với giá bình quân hiện hành.

Phía EVN cho biết, về cơ bản, việc điều chỉnh giá điện lần này sẽ bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể.

Tại buổi trao đổi thông tin điều chỉnh giá điện chiều 9/11, đại diện EVN cho biết, chi phí đầu vào tăng cao khiến giá thành sản xuất điện năm 2023 được ước tính khoảng 2.098 đồng/kWh, cao hơn giá bán lẻ điện bình quân khoảng 178 đồng/kWh; nói cách khác, giá mua vào cao hơn giá điện bán ra.

Mức tăng giá điện thêm 4,5% lần này giúp EVN tăng doanh thu năm 2023 thêm 3.200 tỷ, làm giảm bớt phần nào khó khăn của năm 2023. Trước đó, mức giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh tăng 3% từ ngày 4/5/2023, nhưng chỉ giúp doanh thu của EVN tăng thêm khoảng 8.000 tỷ đồng. Điều này chỉ giải quyết được một phần khó khăn về tài chính, khi mức tăng này chưa bù đắp được chi phí đầu vào cho sản xuất điện.

Kinh doanh dưới giá vốn khiến EVN thua lỗ lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Cụ thể, theo Báo cáo tài chính công ty mẹ EVN trong 6 tháng đầu năm 2023, trong quý II/2023, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của EVN ở mức 108.257 tỷ đồng, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn bán hàng lên tới 119.746 tỷ đồng khiến doanh nghiệp lỗ gộp 11.489 tỷ đồng.

Trong kỳ, doanh thu tài chính ở mức 4.659,5 tỷ đồng, các khoản chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp được tiết giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước, lần lượt ở mức 6.175 tỷ đồng và 395,7 tỷ đồng.

Khấu trừ đi các khoản thuế phí, EVN báo lợi nhuận sau thuế quý II/2023 ở mức âm 13.421 tỷ đồng trong khi con số này của cùng kỳ năm ngoái là âm 8.967,5 tỷ đồng.

Lũy kế bán niên 2023, doanh thu thuần của EVN là 193.735 tỷ đồng, tăng 2,4% so với nửa đầu năm 2022; tuy nhiên, lỗ ròng lên tới gần 32.056 tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản lỗ 22.215 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của EVN ở mức 429.683,5 tỷ đồng, giảm 4,8% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, nợ phải trả ở mức 270.200 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu giảm mạnh từ gần 196.069 tỷ đồng xuống còn 159.484 tỷ đồng.

Trong bối cảnh kinh doanh dưới giá vốn khiến doanh nghiệp thua lỗ hàng chục nghìn tỷ, việc EVN chi trả lương cho nhân viên như thế nào thu hút sự quan tâm của dư luận.

Theo báo cáo tài chính bán niên 2023 công ty mẹ EVN, trong 6 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp này đã chi gần 541,5 tỷ đồng chi phí nhân công (trong đó 479,4 tỷ đồng là tiền lương và hơn 62 tỷ đồng các khoản BHYT, BHXH, KPCĐ), giảm gần 3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, tại văn bản số 4632/EVN-KH+TCKT ngày 8/8/2023 của EVN gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư công bố thông tin về kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022, quỹ lương lao động của doanh nghiệp này là 1.343 tỷ đồng (số liệu báo cáo là số liệu ước thực hiện).

Với tổng số lao động 4.882 người (số liệu báo cáo là số liệu ước thực hiện), tạm tính nhân viên EVN nhận mức lương 0,275 tỷ đồng/năm, tương đương 22,9 triệu đồng/tháng.


Theo Bạch Hiền