Lao động Việt làm gì để đối mặt với trí tuệ nhân tạo?
Chưa bao giờ thế giới lại nhắc nhiều đến cách mạnh công nghiệp 4.0 như bây giờ. Robot đang thay thế con người trong nhiều lĩnh vực. Máy móc lấy đi công việc của hàng triệu công nhân, đó là sự thật. Dù vậy, theo Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Doãn Mậu Diệp, đừng vội bi quan, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm mất đi nhiều việc làm nhưng cũng sẽ tạo ra những công việc mới đòi hỏi trình độ cao.
Nguy cơ với 46 triệu lao động Việt Nam
Theo dự báo của Liên hợp quốc, sẽ có khoảng 75% lao động trên thế giới có thể bị mất việc làm trong vài thập niên tới. Còn theo một nghiên cứu khác của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), khoảng 56% số lao động tại 5 quốc gia Đông Nam Á đứng trước nguy cơ mất việc vì robot. Thống kê mới đây của Bộ LĐ-TB-XH cho biết, hiện lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước là 54,5 triệu người, tăng 162.000 người so với cùng thời điểm năm 2016. Tỉ lệ thất nghiệp tại khu vực thành thị là 3,22%; khu vực nông thôn là 1,81%. Tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 15 đến 24 tuổi chiếm gần 7,5%.
Nhưng về cơ bản nước ta vẫn dư thừa lao động trong nông nghiệp, nông thôn. Tỷ lệ lao động làm trong các nghề giản đơn chiếm số lượng lớn, chất lượng lao động thấp. Khu vực làm công ăn lương phát triển chậm, tỷ lệ thiếu việc làm vẫn còn khá cao. Hệ thống luật pháp về thị trường lao động chưa đầy đủ, cơ sở hạ tầng của thị trường lao động chưa phát triển đồng bộ dẫn đến khả năng kết nối cung cầu lao động kém và có sự mất cân đối cung cầu lao động cục bộ.
Theo đánh giá của ILO, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức về chất lượng nguồn nhân lực như trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động còn thấp, năng suất lao động thấp hơn nhiều nước trong khu vực ASEAN. Như vậy, những ngành nghề sử dụng lao động phổ thông ở mức độ đào tạo đơn giản sẽ chịu tác động lớn và đối mặt với nguy cơ thất nghiệp do sự phát triển của công nghệ tự động và trí tuệ nhân tạo. 46 triệu lao động Việt Nam chưa qua đào tạo sẽ đứng trước nguy cơ không có cơ hội tham gia làm những công việc có mức thu nhập cao, bị thay thế bởi lao động robot, trang thiết bị công nghệ thông minh…
Chi phí nhân công thấp mất đi sức hấp dẫn
Đặc trưng nổi bật của cách mạng công nghiệp lần thứ tư là nhiều công đoạn sản xuất sẽ được thay thế bằng máy móc. Đây được xem là mối đe dọa với lực lượng lao động trình độ thấp và trung đang làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp. Dù vậy, nhiều công nhân hiện nay chưa nhận thức rõ về những thách thức mà mình sẽ gặp phải trong thời đại mới.
Máy móc không thể thay thế con người trong việc đưa ra các quyết định
Khi được hỏi về nguy cơ máy móc thay thế con người trong những công việc giản đơn, chị Nguyễn Thị Mai (Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ: “Công việc hàng ngày của tôi là kiểm tra, dán nhãn mác sản phẩm. Tôi cũng chỉ nghe nói đến cách mạng 4.0 và việc máy móc sẽ thay thế con người. Tuy nhiên, tôi cho rằng, để sử dụng máy móc hiện đại thay thế công việc giản đơn tại Việt Nam thì còn lâu. Chỉ những nước phát triển mới ảnh hưởng bởi cách mạng 4.0”.
Đánh giá về chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và xã hội (Bộ LĐ-TB-XH), TS. Đào Quang Vinh nhận định: Phần lớn lao động chưa qua đào tạo, chưa từng học nghề. Điều đáng lo ngại hơn là công nhân chưa hiểu bản chất của cách mạng công nghệ 4.0. Với nhiều người, cuộc cách mạng này chỉ diễn ra ở các nước phát triển hiện đại, không ảnh hưởng đến Việt Nam và không ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập của mình nên chưa nhiều người có ý thức học tập để chuẩn bị cho sự thay đổi. Về mặt kỹ thuật, các lao động đã qua đào tạo của Việt Nam có thể đáp ứng được yêu cầu. Tuy vậy, các kỹ năng mềm như làm việc theo nhóm, ngoại ngữ, tư duy phản biện, sáng tạo, tuân thủ công nghệ vẫn còn khá yếu.
Thực tế, hầu hết các doanh nghiệp được khảo sát đều không hài lòng với chất lượng đào tạo và kỹ năng của nhân viên, nhất là kỹ sư và kỹ thuật viên. Đáng lo ngại, không chỉ thiếu về kiến thức chuyên môn, các lao động Việt Nam còn yếu về kỹ năng giải quyết vấn đề, lãnh đạo và giao tiếp. Với thực trạng như vậy, lợi thế về chi phí nhân công thấp tại Việt Nam đang dần mất đi sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Đối mặt bằng kỹ năng mới
Dù Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng trong các nghiên cứu của mình, ILO cũng chỉ ra nhiều cơ hội. Trong cuộc cách mạng này, nhiều ngành nghề sẽ biến mất, nhưng lại có những công việc mới ra đời. Tất nhiên, những công việc này đòi hỏi nguồn nhân lực phải được trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Ở nước ta, quan niệm xã hội về vai trò, tầm quan trọng của lao động kỹ thuật, công nghệ trình độ trung cấp, cao đẳng còn chưa đầy đủ. Nhiều bậc phụ huynh vẫn dành ưu tiên cho con học đại học, việc theo đuổi giáo dục nghề nghiệp chỉ là lựa chọn cuối cùng. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách thúc đẩy sự phối hợp giữa doanh nghiệp và nhà trường trong phát triển nguồn nhân lực chưa mang tính đột phá; thông tin thị trường lao động phục vụ hướng nghiệp còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc phân luồng người học, cung cấp dịch vụ đào tạo của nhà trường.
Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, hiện đại hóa và tự động hóa là xu hướng tất yếu của thời đại. Người lao động cần nhìn nhận đây là xu hướng mang lại cơ hội hơn là đe dọa. Tự động hóa không thể thay thế con người trong việc ra quyết định cũng như linh hoạt trong nhận thức. Vì vậy, nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số cần phải có kỹ năng mà máy móc không thể có, như khả năng lãnh đạo, làm chủ doanh nghiệp. Máy móc sẽ thay thế những kỹ năng đơn giản và lặp đi lặp lại. Để tồn tại và phát triển trong nền công nghiệp 4.0, lực lượng lao động trong nước phải tự trau dồi và nâng cao các kỹ năng.
Cách mạng 4.0 có thể tác động tới sự phát triển kinh tế mạnh mẽ và tạo đà thuận lợi cho thị trường lao động phát triển, nhất là khả năng tạo việc làm của nền kinh tế. Cuộc cách mạng 4.0 tập trung chủ yếu số hóa, công nghệ robot và tự động hóa – xu hướng máy móc thay dần sức lao động của con người, dẫn tới sự thay đổi cơ cấu lao động có việc làm trong 3 ngành kinh tế chính của nước ta. Nếu việc tổ chức đào tạo tốt thì Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng được cơ hội.
Hiện đại hóa và tự động hóa là xu hướng tất yếu của thời đại. Người lao động cần nhìn nhận đây là xu hướng mang lại cơ hội hơn là đe dọa. Tự động hóa không thể thay thế con người trong việc ra quyết định cũng như linh hoạt trong nhận thức. Vì vậy, nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số cần phải có kỹ năng mà máy móc không thể có, như khả năng lãnh đạo, làm chủ doanh nghiệp”.
Ông Doãn Mậu Diệp (Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội)