Lao động về nước khó tìm việc
Theo thống kê của Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), giai đoạn 2017 – 2021, có 548.697 người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với hơn 30 ngành nghề. Trong đó, nhiều thị trường tiếp nhận lao động Việt chỉ cấp visa có thời hạn, điều đó cho thấy lượng lao động về nước mỗi năm rất lớn, bổ sung cho thị trường lao động trong nước.
Với những ưu thế về kỹ năng, kinh nghiệm, tác phong làm việc công nghiệp và trình độ ngoại ngữ, những lao động về nước được xem là nguồn lao động có tay nghề, chất lượng cao.
Tự thân vận động
Tuy nhiên thực tế cho thấy, nhiều lao động sau khi hết hợp đồng làm việc tại nước ngoài trở về nước không tìm được việc làm phù hợp. Khi về nước, nhiều lao động cho biết họ có rất ít thông tin về nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Để kiếm sống, họ phải tự kinh doanh nhỏ lẻ hoặc tạm thời làm việc tại DN nào đó trái ngành nghề, với mức lương không tương xứng.
Anh Nguyễn Quốc Tuấn (27 tuổi, quê Quảng Bình) – hiện làm chủ một cơ sở sản xuất đồ nội thất nhỏ tại huyện Hóc Môn, TP HCM – cho biết anh đi làm việc theo đơn hàng xây dựng có thời hạn 3 năm tại Nhật Bản. Hết hạn hợp đồng, anh về nước giữa năm 2021 nhưng do dịch Covid-19 nên khó kiếm được việc làm phù hợp.
Được sự động viên của gia đình, cùng với khoản tiền tiết kiệm được trong thời gian làm ở Nhật, anh Tuấn mở một xưởng nhỏ chuyên làm nội thất gia đình và bán trên các nền tảng trực tuyến. “Tôi thấy thực tập sinh (TTS) về nước cũng nhiều nhưng kiếm việc đúng chuyên môn thì rất khó. So với lao động bình thường, TTS có năng suất lao động cao hơn, tác phong chuyên nghiệp hơn, nên nếu mở rộng sản xuất tôi sẽ ưu tiên tuyển TTS” – anh Tuấn nói.
Lao động trẻ sau khi về nước được Esuhai Group đào tạo thêm kỹ năng quản lý để cung ứng cho các doanh nghiệp Nhật Bản
Chị Lê Thị Thanh Mai (30 tuổi, quê Nghệ An) thì may mắn hơn khi từ CHLB Đức trở về, chị được một bệnh viện tư nhân tại TP HCM tiếp nhận và bố trí vị trí quản lý bộ phận điều dưỡng. Chị Mai cho biết chị sang Đức học làm điều dưỡng hơn 5 năm tại một viện dưỡng lão. Dù được tạo điều kiện để chị làm việc lâu dài tại Đức nhưng chị vẫn muốn về quê để được gần gia đình.
“Khi quyết định về nước, tôi tìm kiếm các thông tin tuyển dụng trong nước trên internet. Chọn được công việc phù hợp, tôi nộp hồ sơ trực tuyến và được phỏng vấn online vì khi đó tôi vẫn đang ở Đức. Sau khi hai bên đồng ý các điều kiện hợp đồng lao động, tôi đã về và nhận việc. Bệnh viện đánh giá cao đội ngũ nhân sự từ nước ngoài trở về và họ sẵn sàng dành những đãi ngộ tốt nhất cho NLĐ” – chị Mai cho hay.
Nhu cầu tuyển dụng lớn
Nhiều DN FDI đang hoạt động tại Việt Nam có nhu cầu lớn đối với nguồn lao động về nước nhưng lại thiếu đầu mối kết nối DN với NLĐ.
Ông Dong-Hoon Kim, đại diện tuyển dụng của Công ty CP 61 C&S (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương), cho biết từ khi hoạt động tại Việt Nam vào năm 2015, công ty mới tuyển được hơn 30 lao động người Việt trở về từ Hàn Quốc trong hơn 1.000 lao động đang có. Theo ông Kim, lao động Việt Nam làm việc ở Hàn Quốc khá giỏi, không thua kém gì lao động khác.
“Họ làm việc rất chăm chỉ, nhiệt huyết và công ty rất hài lòng về số lao động này. Hằng năm, DN có nhu cầu tuyển cả lao động phổ thông và lao động có kỹ thuật cao cho nhiều vị trí, kể cả quản lý cho kế hoạch phát triển của công ty. Chúng tôi có mong muốn được kết nối và tuyển dụng những NLĐ tham gia chương trình EPS trở về từ Hàn Quốc. Họ chính là đội ngũ nhân sự chúng tôi mong chờ nhất, bởi họ sử dụng được tiếng Hàn và quen việc, tác phong từ khi còn làm bên đó” – ông Kim bày tỏ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH MTV V.N.T Việt Nam (huyện Củ Chi, TP HCM), cho biết trong DN của ông đa số nhân sự đang làm việc là TTS về nước. “Đội ngũ nhân lực này làm đúng chuyên môn nên họ phát huy được hết kỹ năng của mình. Chất lượng sản phẩm mà công ty tôi đang cung cấp cho các thương hiệu lớn của Nhật Bản và cả xuất sang Nhật đều có sự đóng góp rất lớn từ các TTS người Việt về nước” – ông Hiếu tự hào.
Hiện nhiều đối tác của công ty ông Hiếu mong được các cơ quan chức năng, tổ chức nghề nghiệp kết nối để họ tuyển dụng số lượng lớn TTS về nước.
Chưa đánh giá hết nguồn lực
Theo khảo sát của Viện Khoa học Lao động và Xã hội (thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), nhiều địa phương không nắm được số liệu lao động đi làm việc ở nước ngoài về nước, chưa có sự tư vấn, hỗ trợ để lao động về nước có thể tìm được việc làm, ổn định cuộc sống. Nhiều nơi chỉ mới quan tâm đến việc đưa người đi lao động chứ chưa quy định trách nhiệm cụ thể trong việc tổng hợp, đánh giá nguồn lực lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về theo địa bàn, ngành nghề, trình độ, nguyện vọng… Bên cạnh đó, việc thực thi các quy định hỗ trợ tạo việc làm cho lao động về nước còn thiếu những hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước, của DN phái cử và hệ thống hỗ trợ việc làm trong nước.
Kỳ tới: Cần cơ chế kết nối