Lao động trở về từ Hàn Quốc khó tìm việc như ý

Nhận mức lương 1.400-1.800 USD khi ở Hàn Quốc, Đặng Thành về nước chỉ mong lương phân nửa, song hành trình tìm việc như ý không dễ dàng.

Ngồi đối diện với giám đốc tuyển dụng người Hàn Quốc, Thành ngọng nghịu trao đổi bằng tiếng Hàn qua lớp khẩu trang. Vấp những đoạn nói về chuyên ngành, Thành đưa mắt cầu cứu nữ phiên dịch người Việt ngồi bên cạnh. Cô gái hỏi Thành có biết lập trình một loại máy cơ khí không. Anh lắc đầu, nói chỉ có thể vận hành những thao tác cơ bản.

Thành 34 tuổi, một trong số hàng trăm lao động từng đi xuất khẩu tại Hàn Quốc bắt đầu tìm kiếm cơ hội mới tại Trung tâm giới thiệu dịch vụ việc làm Hà Nội trong phiên giao dịch cuối tháng 7. Gần 11.000 việc làm chờ đợi người lao động ứng tuyển, đặc biệt là các vị trí phiên dịch viên, nhân viên kỹ thuật cơ khí, vận hành máy, lắp ráp linh kiện với mức lương 7 – 30 triệu đồng mỗi tháng tại hơn 30 công ty có vốn đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản.

Phiên giao dịch nhằm kết nối cơ hội cho người lao động từng đi xuất khẩu sau khi về nước để nhanh chóng ổn định cuộc sống. Nhiều người đã tìm được cơ hội mới tại đây, song cũng có người khó khăn khi tìm kiếm việc làm mới phù hợp để phát huy kinh nghiệm. “Không phải cứ đi nước ngoài về là dễ dàng tìm được việc”, Thành thừa nhận.

Thành ngồi trao đổi trực tiếp với nhà tuyển dụng người Hàn Quốc bằng những câu giao tiếp cơ bản. Ảnh: Hồng Chiêu

Thành ngồi trao đổi trực tiếp với nhà tuyển dụng người Hàn Quốc bằng những câu giao tiếp cơ bản. Ảnh: Hồng Chiêu

Chín năm tám tháng làm việc tại Hàn Quốc, Thành luân chuyển khắp các xưởng theo điều động của chủ doanh nghiệp, lúc làm cơ khí, khi làm nhựa. Thao tác thành thạo nhất là vận hành máy móc liên quan đến cơ khí. Vị trí mà Thành mong muốn bây giờ là tổ trưởng quản lý trong doanh nghiệp Hàn đóng tại Việt Nam – nơi có cơ hội giao tiếp với người nước ngoài nhiều và tiếp xúc máy móc ở bậc cao hơn.

Thời gian lao động nơi xứ người giúp Thành xây được một căn nhà, ít tiền làm vốn và tiếng Hàn đủ giao tiếp cơ bản. Anh thừa nhận, độ tuổi và kỹ năng chuyên môn cùng vốn ngoại ngữ hiện tại khó mà giúp mình tìm công việc thu nhập gần 40 triệu như ngày còn ở bên Hàn Quốc. Nửa năm trước, anh từng rải hồ sơ đi vài công ty nhưng chưa tìm được việc ưng ý.

Bàn kế bên, Phan Văn Lợi (Hà Nội) cũng có hơn nửa tiếng trao đổi với nhà tuyển dụng. Bảy năm làm việc ở Hàn Quốc, Lợi thành thạo đứng máy sản xuất thiết bị xây dựng và năng lượng mặt trời, mong muốn ứng tuyển nhân viên kỹ thuật. Trong khi đó, doanh nghiệp lại tìm kiếm người mảng dịch vụ khách sạn.

Dù vậy, nhà tuyển dụng hứa hẹn tìm vị trí phù hợp với Lợi và sắp xếp thêm một buổi gặp gỡ tại trụ sở trước khi quyết định. Chưa từng có kinh nghiệm mảng này, song Lợi quyết tâm thử sức. Anh mong muốn mức lương trên 15 triệu đồng, được làm việc gần nhà để chăm sóc mẹ già, con trai ba tuổi.

Hơn nửa năm về nước tìm việc làm mới, đôi lúc Lợi thấy “khó thích nghi” khi không có mối quan hệ, chưa am hiểu môi trường. Nhưng nhiều năm trải đời vất vả, sự kiên nhẫn là điều Lợi tự tin hơn người trẻ. Anh cũng mong muốn tìm được vị trí có cơ hội nói chuyện với người Hàn để học thêm ngoại ngữ do không có nhiều cơ hội giao tiếp trong những năm làm việc ở Hàn Quốc.

Khi đó, cùng phân xưởng với anh có khoảng mười lao động Việt nên nói chuyện với nhau bằng tiếng mẹ đẻ. Tiếng Hàn chỉ được Lợi sử dụng khi đi chợ mua đồ hoặc giới thiệu tên tuổi với người mới quen. Đau ốm phải đi bệnh viện, tới ngân hàng, lên cơ quan công quyền để thay đổi đăng ký tạm trú tạm vắng, anh đều phải nhờ phiên dịch ở trung tâm hỗ trợ người nước ngoài hoặc đồng hương giỏi tiếng nói giúp.

Lao động đi Hàn Quốc, Nhật Bản nghe tư vấn tại phiên giao dịch việc làm cuối tháng 7. Ảnh: Hồng Chiêu

Lao động đi Hàn Quốc, Nhật Bản nghe tư vấn tại phiên giao dịch việc làm cuối tháng 7. Ảnh: Hồng Chiêu

Sau phiên giao dịch, một doanh nghiệp chuyên tư vấn giới thiệu lao động ở Nam Từ Liêm (Hà Nội) phỏng vấn được 7 người. Chỉ một ứng viên sáng giá khi có kinh nghiệm làm việc mười năm ở Hàn Quốc và ba năm tại Việt Nam. Người này có thể đảm nhiệm vị trí quản lý sản xuất với mức lương 25 triệu đồng trở lên. Số còn lại đều là người mới về nước, chưa có kinh nghiệm và hầu như chỉ biết vận hành máy.

Ông Kim Jin Wook, Giám đốc công ty cho biết các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam đều rất thích tuyển dụng lao động kỹ thuật từng đi làm việc tại nước này. Người biết tiếng Hàn là có lợi thế, do đó ông mong người lao động Việt Nam tận dụng thời gian để học hỏi.

Ông Nguyễn Văn Nam, lãnh đạo một công ty chuyên đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản chia sẻ, mở rộng cơ hội việc làm cho lao động sau khi về nước là bài toán khó giải. Lao động khi đã quen với mức lương 1.400 USD – 1.800 USD, về Việt Nam cũng mong tìm kiếm nơi làm việc “không bằng thì cũng phải phân nửa”.

Tuy nhiên, điểm yếu của lao động Việt Nam là ngoại ngữ vì trước khi đi, họ mới được đào tạo 3-6 tháng, ở mức làm quen. Đây là rào cản cần khắc phục bằng cách tăng thời gian đào tạo ngoại ngữ, hỗ trợ tích cực khi lao động ở ngoài nước và tư vấn hướng nghiệp lúc về nước.

“Điều thuận lợi là nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam đang có nhu cầu tuyển dụng lớn nên những người này sẽ không khó tìm được việc phù hợp vì đã có kinh nghiệm”, ông Nam nói.

Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lao động truyền thống của Việt Nam trong ba mươi năm, khi hai nước bắt đầu hợp tác từ 1992. Lao động hiện có thu nhập cao nhất dao động ở mức 1.400 USD tới 1.800 USD. Khoảng 40.000 người đang làm việc, chủ yếu là thuyền viên tàu cá gần bờ, xa bờ…

Hồng Chiêu